Theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và học sinh đang gặp nhiều khó khăn trong đánh giá, xếp loại ở bậc Trung học.
> Xét tuyển lớp 6 bằng phương thức kiểm tra năng lực
> Học sinh làm bài kiểm tra online ngay trên điện thoại
Cụ thể, theo hướng dẫn thông tư có 2 hình thức kiểm tra:
- Kiểm tra thường xuyên: Kiểm tra miệng, kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành 1 tiết;
- Kiểm tra định kỳ: Kiểm tra viết, kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ.
Số lần kiểm tra của mỗi môn tùy thuộc vào số tiết học/tuần, môn nào nhiều tiết thì lượng bài kiểm tra cũng nhiều.
1. Số lần KT thường xuyên: Trong mỗi học kỳ một học sinh phải có số lần KT thường xuyên của từng môn học bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn như sau:
a) Môn học có 1 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 2 lần;
b) Môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: Ít nhất 3 lần;
c) Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 4 lần.
2. Số lần KT định kỳ được quy định trong kế hoạch dạy học, bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn.
Thầy trò cùng chạy đua theo chương trình kiểm tra
Như vậy, đối với 1 môn học thường có hơn 3 bài kiểm tra viết ( cả kiểm tra thường xuyên và định kỳ). Trong đó, học sinh lớp 9 có đến 11 bài kiểm tra viết chỉ riêng môn Ngữ Văn, đây thực sự là áp lực của của trò lẫn thầy cô.
Học sinh học được vài buổi lại có bài kiểm tra như cuộc chạy đua; thầy cô cũng tất bật ngày đêm soạn giáo án, soạn đề kiểm tra hằng tuần, chấm bài sửa bài cho học sinh.
Ra đề đã cực, chấm bài còn cực hơn
Không như những bài kiểm tra các môn khác chỉ từ 1-2 trang, nhưng với môn Ngữ Văn bài làm của các em ít nhất là 2-3 trang toàn chữ, nhiều em viết 8-10 trang giấy cũng có. Vậy mới thấy nhiều ở đây không chỉ số bài kiểm tra mà số trang cũng nhiều không kém.
Hơn nữa, giáo viên đâu chỉ chấm phần nội dung mà còn phải sửa lỗi chính tả, câu cú cho học trò, vì vậy việc chấm điểm cho học sinh thường mất nhiều thời gian. Và trong mỗi học kỳ, giáo viên phải "đối mặt" với hàng ngàn trang viết như vậy, áp lực chồng chất chưa kể nhiều em chữ viết còn chưa được "dễ đọc". Nhiều người còn nói vui với nhau nghề giáo viên Ngữ Văn như dành cả thanh xuân để chấm bài.
Cần giảm bớt số bài kiểm tra
Thực tế theo chương trình của thông tư hiện tại, học sinh chỉ có 2 tuần đầu không phải kiểm tra. Các tuần còn lại phải kiểm tra liên tiếp, có hôm đi học làm vài bài kiểm tra là chuyện ko hiếm gặp
Hiện nay, Bộ Giáo dục đã thẩm định sách giáo khoa cho lớp 1 vào năm 2020-2021; lớp 2 và lớp 6 vào năm 2021-2022; và lớp 3, lớp 7, lớp 10 vào năm tiếp theo vào năm 2022-2023 sẽ dạy và học theo chương trình mới.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh vẫn chưa rõ được thay đổi hay là không. Vậy nên, trên giáo viên dưới học sinh rất mong mỏi chương trình mới giảm tải bớt một số bài kiểm tra trong học kỳ để giảm bớt áp lực trong công tác và học tập.
Nói đi cũng phải nói lại, việc học cần đi đôi với kiểm tra. Việc kiểm tra sẽ cải thiện được chất lượng giáo dục, giáo viên đánh giá được thái độ chăm chỉ học tập của học sinh, biết được điểm yếu thế mạnh để giúp trò ngày một cải thiện tiến bộ hơn.
Thế nhưng, kiểm tra bao nhiêu và như thế nào để vẫn đảm bảo mặt tốt mà không trở thành áp lực đè lên vai cô lẫn trò là điều cần lưu tâm xem xét.
Theo Giaoduc.net