TPHCM khảo sát để chọn học sinh theo tiêu chí trường chuyên
Năm 2015, khi Bộ GD-ĐT cấm mọi hình thức thi tuyển vào lớp 6 đã làm các trường THCS, nhất là các trường điểm bối rối, xáo trộn để tìm ra phương án tuyển sinh khác mà phải bỏ chữ “thi”.
Riêng TPHCM, trước quy định cấm này đã thay đổi cách thức, chuyển từ thi tuyển sang khảo sát năng lực bằng tiếng Anh đối với đầu vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Và cách thức này cũng chỉ được áp dụng duy nhất với trường chuyên Trần Đại Nghĩa - mô hình trường chuyên.
Phương án này cũng được UBND TPHCM phê duyệt. Lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM giải thích, do số lượng thí sinh có nhu cầu vào học lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa cao - năm nào cũng có khoảng 4.000 học sinh đăng ký, mà chỉ tiêu chỉ đáp ứng thấp nên phải chọn phương án khảo sát.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, bài khảo sát năng lực tiếng Anh khác với việc làm bài thi, kiểm tra kiến thức học sinh như trước đây. Mục đích khảo sát nhằm tuyển chọn được học sinh theo mục tiêu đào tạo riêng của trường Trần Đại Nghĩa theo mô hình trường chuyên. Đó là tìm được các học sinh đủ năng lực tiếng Anh để theo học các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh ngay từ lớp 6.
Phương thức tuyển sinh xét tuyển đang ổn định
Trừ trường chuyên THPT Trần Đại Nghĩa thì tất cả các trường THCS ở TPHCM đều áp dụng theo phương thức xét tuyển thông thường theo quy định của từng quận huyện. Trong đó tiêu chí cao nhất là bố trí chỗ học lớp 6 cho học sinh là theo hộ khẩu.
Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11, TPHCM cho biết, việc tuyển sinh đầu cấp như hiện nay điều quan trọng nhất là điều phối, phân bổ chỗ học cho học sinh. Với những địa bàn đông học sinh thì sẽ điều phối, phân bổ sang các trường lân cận.
Còn việc áp lực đối với học sinh, ông Hoàng cho hay, không còn thi cử, không có trường chuyên lớp chọn nên các em giảm được áp lực rất nhiều.
Một quản lý khác của Q.11 cho rằng , nếu dự thảo này được áp dụng, một số trường được tuyển sinh theo hình thức khảo sát năng lực sẽ gây thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Khi đó, chúng ta tạo ra trường “điểm” và phụ huynh, học sinh sẽ làm mọi cách như ôn luyện, luyện thi để vào được đây.
Theo ông, việc khảo sát năng lực chỉ nên áp dụng với trường chuyên để chọn lọc theo tiêu chí. Còn lại các nơi tổ chức phân tuyến, phân bổ, thống kê từ cuối các năm học để học sinh đủ chỗ học theo địa bàn, tránh việc học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu.
Bà Bùi Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 cho hay, trường xét tuyển học sinh theo địa bàn cư trú, phân bổ của quận để làm sao hài hòa chỗ học cho học sinh. Tất cả có trong kế hoạch của quận, trường sẽ tiếp nhận bao nhiêu học sinh, địa bàn nào, có sự chia sẻ, phân bổ sĩ số giữa các trường ở quận như ra sao nên không bị áp lực.
Ghi nhận tại TPHCM, cách tuyển sinh vào lớp 6 như hiện nay đến thời điểm này khá ổn định. Khó khăn lớn nhất chính là áp lực sĩ số đông nên phải phân bổ một cách hợp lý. Cũng có nhiều trường phải “gánh” sĩ số lớn để có chỗ học cho học sinh.
Trưởng Phòng Giáo dục một quận trung tâm ở TPHCM đặt vấn đề, Bộ đặt ra dự thảo cần làm rõ, trường như thế nào là được tổ chức khảo sát? Như TPHCM chỉ có một trường chuyên bậc THCS là Trần Đại Nghĩa và thực hiện khảo sát là hợp lý. Còn các trường khác, dựa vào tiêu chí nào để được tổ chức khảo sát theo năng lực? Và trường như thế nào thì không được khảo sát đầu vào? Vì với lớp 6 là chúng ta bố trí đủ chỗ học cho học sinh.
Nếu thực hiện kiểm tra, khảo sát ở một số trường, người này cảnh báo, chúng ta đang tạo nên sự bất công bằng giữa các trường và tâm lý trường chọn, trường điểm, sẽ dẫn đến cuộc đua căng thẳng, biến tướng học thêm, luyện thi.
Theo Dân trí