Sự kiện: Thông tin tuyển sinh
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ diến ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 6. Để kì thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, đúng tiến độ, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2011 gửi các sở GD-ĐT. Văn bản ghi rõ: “Thực hiện nghiêm túc việc tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi và quán triệt sâu sắc ý thức trách nhiệm cho cán bộ tham gia kỳ thi nhằm khắc phục triệt để hiện tượng chưa nghiêm túc ở một số Hội đồng coi thi…”
Theo đó, người thực hiện khâu tổ chức thi ở các đơn vị cơ sở năm nào cũng được tập huấn kỹ nội quy, quy chế kì thi nhưng thực hiện tốt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhìn lại biểu đồ kết quả thi tốt nghiệp các năm gần đây chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Đơn cử, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước năm 2009 là 83,8%. Tỉnh có tỷ lệ đỗ cao nhất 98,26% là Nam Định, tỉnh có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Sơn La với 39,07%. Những tỉnh có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp, người quản lí giáo dục, giáo viên ở các đơn vị đó phải trung thực thẳng thắn nhìn lại thành tích của trường mình, thậm chí phải chịu cắt thành tích thi đua, đơn vị tiên tiến vì tỉ lệ không đạt “mặt bằng chung”.
Đến năm 2010, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước là 92,57%, trong đó có những trường ở một số tỉnh tăng đột biến. Ví dụ: Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng (Quarng Ngãi) thi đỗ tới 90,6%. Trong khi năm 2007, trường này không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp. Xuất phát từ kết quả như vậy, dư luận đánh giá kì thi tốt nghiệp năm 2010 “dễ thở” hơn các năm trước.
Vì sao tỉ lệ năm 2010 tăng hơn các năm trước, có phải cán bộ coi thi đã nới lỏng nội quy trường thi vì sợ mang tiếng tỉnh mình không đạt mặt bằng chung, vì sợ cắt thi đua? Xét trong nhiều yếu tố, nguyên nhân này có thể xảy ra bởi nhiều người suy nghĩ: mình làm căng, tỉ lệ học sinh tỉnh mình đỗ thấp, mình và con em mình sẽ bị chịu thiệt. Cứ thế, mặc dù được triển khai học quy chế đầy đủ nhưng trong tâm lí của nhiều giáo viên coi thi vẫn duy ý, tùy vào tình hình mà thực hiện. Thưc trạng này dẫn đến tình trạng nơi diễn ra dễ, nơi diễn ra khó. Kết quả những nơi làm căng, tỉ lệ học sinh đỗ sẽ thấp hơn những nơi “tùy vào tình hình mà thực hiện”.
Năm 2011 là năm thứ năm thực hiện cuộc vận động “hai không” với nội dung chống tiêu thực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Tuy nhiên, càng về sau, cuộc vận động này càng ít được công chúng và những người trong ngành chú ý. Những kì thi 2008; 2009, ở các Hội đồng thi, ngoài lãnh đạo, thư kí, giám thị còn có thanh tra sở, thanh tra bộ nằm vùng trong suốt thời gian kì thi diễn ra. Đến năm 2010, đoàn thanh tra nằm vùng của bộ ở các hội đồng thi đã “bốc hơi”. Có phải vì quá tốn kém kinh tế hay tính hiệu quả của cách làm việc mà bộ không tiếp tục duy trì thực hiện. Một điều bất cập nữa là trong tâm lí của nhiều người, không nên làm căng với học sinh. Đúng, không nên làm căng với học sinh nhưng nội quy thì phải thực hiện, nhất là trong thi cử.
Hơn nữa, hiện nay trong tâm lí của nhiều thấy cô giáo coi thi, không ai muốn chống tiêu cực. Số đông suy nghĩ tai sao mình vậy, vì chống tiêu cực mình sẽ bị mọi người chú ý, thậm chí bị tẩy chay, phiền phức…
Thiết nghĩ, cuộc vận động này cần phải được triển khai thực hiện rộng, đồng bộ và tốt hơn nữa. Để làm được điều này và đánh giá đúng sức học cũng như công nhận kết quả suốt 12 năm học phổ thông, Bộ Giáo dục cần định hướng cách ra đề thi sao cho lượng kiến thức đề thi ở mức trung bình, sau đó tổ chức thi thật nghiêm túc.
Người làm công tác giáo dục không chạy theo tỉ lệ đỗ tốt nghiệp mà phải nhìn thẳng, thừa nhận kết quả thực, từ đó tìm hướng nâng cao hiệu quả. Hơn nữa, cơ quan quản lí giáo dục không nhìn vào tỉ lệ đánh giá thi đua.
Bởi đơn giản một điều, mặt bằng và sức học của học sinh không hoàn toàn giống nhau. Mong rằng kì thi tốt nghiệp THPT sẽ đừng lặp lại “điệp khúc” như nhiều năm trước mà phải diễn ra công bằng nghiêm túc như những năm đầu thực hiện cuộc vận động “hai không”.
Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.