GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | HỌC ĐƯỜNG

Chị Bùi Thị Cẩm - vợ thầy giáo Khanh Rông (giáo viên dạy môn Hội họa ở Trường THCS xã Thạnh Trị, Sóc Trăng) tâm sự về câu chuyện tình yêu của mình với người thầy giáo giàu nghị lực.

Trong nhiều năm qua, nhiều người ở Sóc Trăng rất xúc động khi nghe chuyện thầy giáo Khanh Rong, người dân tộc Khmer, ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), thầy tuy bị cụt hai cánh tay, hư một con mắt nhưng vẫn dạy giỏi, được đồng nghiệp tín nhiệm, được học sinh tin yêu.

Nói về những thành công của mình, thầy Khanh Rong luôn nhắc đến người bạn đời. Được biết, chị Cẩm là người dân tộc Mường, quê ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Thầy Khanh Rong tủm tỉm cười, kể lại: “Hồi còn học ở trường Văn hóa Nghệ thuật, chúng tôi thường đi thực tế ở nhiều địa phương. Một lần, tôi đến Ô Môn (Cần Thơ) sáng tác thì gặp bà xã bây giờ, không biết bà nghĩ gì mà chịu nhận lời lấy anh cụt tay này”.

Khi biết chị Cẩm đồng ý lấy anh, nhiều người thân rất ngạc nhiên, thậm chí ngăn cản vì sợ chị sẽ vất vả. Nhưng chị đã quyết vì “vất vả tôi không sợ”.

Hiện vợ chồng thầy giáo Khanh Rong đã có một cậu con trai kháu khỉnh, học giỏi. Nghị lực của thầy giáo Khanh Rong khiến nhiều người khâm phục.

Tập cầm bút bằng cùi tay

Vốn là chỗ quen biết từ lâu, tôi đã nhiều lần trò chuyện cùng thầy Khanh Rong và biết nhiều về chuyện đời của anh. Khanh Rong kể cho tôi nghe chuyện mình với đôi mắt nhìn vào xa xăm: Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lúc đó, Khanh Rong mới hơn 10 tuổi. Vào một buổi chiều, khi cùng đám bạn chăn trâu đi xuống sông, thấy một vật tròn có vỏ lạ mắt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, Khanh Rông cùng bạn lao xuống nhặt lên chơi. Bất ngờ, vật ấy nổ tung, hai người bạn tử vong ngay tại chỗ, một người bị thương nhẹ, riêng Khanh Rong mất hai cánh tay và một con mắt phải.

Kể từ ngày đó, tất cả như sụp xuống dưới chân anh, Khanh Rong coi như đời mình thế là hỏng. Tuy nhiên, nghị lực của một cậu bé con nhà nghèo người dân tộc Khmer đã giúp Khanh Rong trụ lại, không hoàn toàn tuyệt vọng. Hàng ngày, Khanh Rông vẫn tập làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ.

 

thay giao, khuyet tat, tan tat, vuot kho, khoa giao, giao duc, dan tri

 

Thầy Khanh Rông họa thêm chi tiết cho bức tranh sơn dầu mừng nhà mới. (Ảnh: Báo Cà Mau)

 

Những ngày đầu, cầm dụng cụ làm việc nhà là cả một nỗi vất vả với Khanh Rong. Người ta có đủ hai mắt, hai tay mà làm việc gì cũng còn khó. Còn Khanh Rong hư một con mắt, cụt hai cánh tay nên mọi việc không đơn giản gì. Nhưng trong cái khó mới thấy nghị lực phi thường của cậu bé người Khmer này. Việc nhà đã làm thành thạo, nhưng trong tâm hồn Khanh Rong lại cháy lên ước mơ được đến trường. Nhưng, đến trường mà không có tay thì viết thế nào  được? Vậy là Khanh Rong lại âm thầm chuẩn bị cho ước mơ của mình. Cậu bé tập cầm bút bằng hai cùi tay. Ban đầu, cầm cây que nhỏ, nguệch ngoạc xuống đất, vẽ những đường cong, đường thẳng, những nét chữ nguệch ngoạc. Sau bao khổ công luyện tập, mồ hôi đổ xuống từng giọt, từng giọt…

Ba tháng sau, những nét chữ đầu tiên đã thành hình. Lúc đó, Khanh Rong vụng về cầm quyển vở bằng hai mỏm cụt của cánh tay xin vào học lớp một nhưng cô giáo nhìn cậu bé với vẻ ái ngại. Thấy vậy Khanh Rong quả quyết: “Cô cho em theo học, em có thể viết chữ và cầm sách đọc như các bạn”. Cô giáo bảo Khanh Rong phải viết thử, nếu viết được cô nhận vào học. Khanh Rong ngồi xuống, lấy bút ra viết bằng hai cùi tay. Nét chữ tròn trịa, đẹp không thua người có đủ hai bàn tay. Còn cô giáo và các bạn trong lớp hết sức ngạc nhiên trước nét chữ của một người không có bàn tay. Vậy là, Khanh Rong được đặc cách vào lớp 1 khi đã… 12 tuổi.

Học hết cấp 1 (tiểu học), Khanh Rong khăn gói ra thị trấn Phú Lộc để học tiếp cấp 2 rồi cấp 3. Khi vào cấp 3, nhà quá nghèo nên anh phải tạm gác lại ước mơ của mình, trở về nhà phụ giúp cha mẹ làm kinh tế. Những ngày còn đi học, Khanh Rong đã chứng tỏ tài năng của mình không chỉ qua việc viết chữ đẹp mà còn ở năng khiếu vẽ tranh, kẻ chữ trang trí trong lớp khiến nhiều bạn khâm phục.

Biết Khanh Rong có tài viết chữ, vẽ đẹp, ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã mời cậu làm công tác văn hóa thông tin cho xã. Cảm thông trước hoàn cảnh của anh và trân trọng nghị lực vượt khó, lãnh đạo xã chấp nhận, cho hưởng luôn phụ cấp của cán bộ văn hóa. Vừa học, vừa làm anh cán bộ văn hóa, Khanh Rong cũng đã hoàn thành chương trình học phổ thông.

 

thay giao, khuyet tat, tan tat, vuot kho, khoa giao, giao duc, dan tri
Thầy Khanh Rong trong giờ lên lớp.

 


“Không có tay vẫn vẽ được”

Học xong phổ thông, Khanh Rong tiếp tục thực hiện ước mơ cầm cọ của mình khi đỗ đầu và được hưởng học bổng toàn phần học ngành họa của trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang. Đỗ rồi nhưng khi nhập trường, Khanh Rong lại phải đối mặt với một thực tế: Vị cán bộ tuyển sinh của trường nhất quyết không chịu cho Khanh Rong vào học hội họa với lý do “hội họa phải có tay, không có tay làm sao vẽ?”.

Lại thêm một lần nữa, Khanh Rong chứng minh “không có tay vẫn vẽ được, vẽ đẹp nữa là khác”. Tuy vậy, Khanh Rong vẫn không được vào thẳng hệ trung cấp, mà phải học lớp sơ cấp 3 tháng. Sau khi học xong, anh được tiếp tục học lên trung cấp và ra trường với kết quả đỗ thủ khoa.

 

thay giao, khuyet tat, tan tat, vuot kho, khoa giao, giao duc, dan tri

 

Khanh Rong kể cho tôi nghe một kỷ niệm mà không bao giờ anh quên được khi còn học ở trường TH Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Đó là lần Khanh Rong cùng các bạn đồng môn đi vẽ cụm panô ở bến phà Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng). Tại đây, những bạn có đủ tay được giao vẽ chính, còn Khanh Rong chỉ được giao cho làm việc lặt vặt… Nhìn các bạn vẽ mãi chưa xong, Khanh Rong thấy... ngứa tay nên đề nghị cho mình lên vẽ tiếp. Tưởng Khanh Rong đùa nên mọi người đồng ý cho anh vẽ. Chỉ trong chốc lát cụm panô đã hoàn thành vừa nhanh, vừa đẹp nữa. Thế là mọi người lại càng nể phục anh hơn.

Sau khi ra trường tốt nghiệp, Khanh Rong xin về quê dạy học tại Trường THCS xã Thạnh Trị. Những tháng năm đi dạy, bằng tấm lòng yêu nghề mến trẻ của mình, Khanh Rong được đồng nghiệp tin tưởng, học trò yêu mến. Hơn thế nữa, anh còn mạnh dạn đăng ký dự thi và được công nhận Giáo viên Giỏi cấp huyện.

Không bằng lòng với những gì mà mình đã có, Khanh Rong đặt ra cho mình nhiệm vụ phải học vi tính và học lên nữa chứ nếu không thì thua bạn bè, khó dạy được học sinh lắm. Thế là Khanh Rong khăn gói, đạp xe lên Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng dự thi vào hệ CĐ văn hóa nghệ thuật. Vượt qua hơn 150 thí sinh, Khanh Rong thi đậu vào ngành họa của Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng, hệ tại chức. Thi đậu rồi, đi học rất vất vả vì xe gắn máy anh không đi được, xe đò thì lâu lâu mới có một chuyến… Vậy là, hàng ngày anh đạp xe hơn 40 km từ Thạnh Trị lên Sóc Trăng để học, bất kể nắng mưa, gió bão và kết thúc khóa học của mình một cách tốt đẹp.

Bây giờ Khanh Rong sử dụng chuột máy vi tính để vẽ một cách thuần thục, nhuần nhuyễn khiến nhiều người nể phục. Anh khoe với tôi: “Trên máy có chương trình đồ họa hấp dẫn lắm anh ạ”.

Hiện nay, sau khi trúng tuyển vào lớp đại học liên thông của Trường ĐH Đồng Tháp niên khóa 2012-2014 tổ chức tại Bạc Liêu, thầy Khanh Rong lại tiếp tục đi học ở TP Bạc Liêu cách nhà hơn 25km. Theo Khanh Rong, học để biết thêm nhiều cái mới, phục vụ tốt cho giảng dạy của mình.

Nhiều học trò của thầy giáo Rong đã mang về nhiều giải tại các cuộc thi vẽ cấp huyện và tỉnh. Riêng Khanh Rong có nhiều những bức tranh từng dự triển lãm và đoạt giải lớn.

 

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kenhtuyensinh

Theo: báo Dân Trí