Giọng nói có vai trò quyết định rất nhiều trong các giao tiếp hằng ngày đặc biệt là các ngành nghề dịch vụ, bán hàng, thương mại. Giọng nói giúp cho bạn tăng khả năng thành công khi tham gia bất kỳ một hoạt động mang tính cộng đồng, những công việc xã hội hay cả những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Vì thế, ngoài việc bạn có một ngoại hình đẹp, một vốn hiểu biết tốt thì cũng nên tạo cho mình thêm một yếu tố cần: Giọng nói truyền cảm và ấn tượng.
Những người bán hàng chuyên nghiệp và có kinh nghiệm thường sử dụng hai thành phần chính để tạo ra một ấn tượng tốt nơi người nghe đó là: giọng nói và kỹ thuật nói. Chúng ta hãy phát triển cách sử dụng giọng nói của mình một cách tối ưu nhất để có thể gia tăng cơ hội bán hàng và sự thành công đối với ngay cả những khách hàng khó tính nhất.
Hãy nói một cách rõ ràng: Ngoài nói hay, nói nhẹ nhàng, mềm dẻo và linh hoạt theo câu chuyện thì bạn cần chú ý đến việc nhấn giọng ở những chỗ cần thiết. Nếu bạn không nhấn giọng, những điểm quan trọng bạn đang muốn truyền tải sẽ trôi qua mà không để lại một chút gì ấn tượng với người nghe, với khách hàng hay đối tác. Tệ hơn nữa là người nghe sẽ trở nên chán nản vì họ không thể hiểu được những gì mà bạn muốn truyền tải và chia sẻ.
Hãy thay đổi cách nói: Bạn hãy chú ý đến ngữ điệu của bạn. Tránh làm cho người nghe có cảm giác nhàm chán khi bạn cứ nói đều đều, từ từ một giọng nói nhất định trong suốt buổi nói chuyện. Bạn phải biết lên xuống ngữ điệu của mình, nhấn mạnh những từ ngữ quan trọng, nói đủ ý, đủ từ bằng một giọng nói truyền cảm và thân thiện để giúp khách hàng và đối tác chủ động tham gia vào câu chuyện và hào hứng với những gì bạn đang nói. Hãy lắng nghe những người xung quanh mình để hoàn thiện khả năng giao tiếp của mình tốt nhất.
Tốc độ nói phù hợp với câu chuyện: Bạn đừng thể hiện thông điệp mà mình muốn truyền tải quá chậm rãi. Người nghe sẽ cảm thấy mệt mỏi và không muốn tiếp thu điều gì từ giọng nói đó của bạn. Hãy biết điều chỉnh tốc độ cho phù hợp, hài hòa để câu chuyện thêm vui vẻ và khả năng thành công sẽ cao hơn.
Hạn chế tối đa các từ đệm: Hãy giao tiếp và trao đổi rõ ràng, mạch lạc, không nên ậm ờ để rồi kéo các từ đệm vào trong câu chuyện khiến người nghe có cảm giác bị làm phiền và thiếu đi tính chuyên nghiệp trong giao tiếp. Nếu bạn chưa thực sự yên tâm với cách trao đổi của mình thì hãy tự soạn một bài nói ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa để tham khảo trong các tình huống. Mọi chuẩn bị tốt của bạn sẽ giúp bạn thành công hơn. Chúc cho các bạn sẽ có những kết quả tốt đẹp từ giao tiếp lời nói cũng như thành công trong hoạt động công việc của mình.
Theo Tri thức trẻ