Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã có rất nhiều sinh viên đã ở lại TP.HCM tất bật làm thêm để có thêm kinh phí trang trải cho việc học tập.

Dịch covid-19: Cần phải điều chỉnh lại thời gian năm học

Dịch covid-19: Cần phải điều chỉnh lại thời gian năm học

Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học để đối phó với diễn biến bệnh ngày càng phức tạp.

Chỉ nghỉ ngày mùng 1

Tết Tân Sửu: Nhiều sinh viên ở lại Sài Gòn làm thêm trang trải kinh phí - Ảnh 1

Nhiều sinh viên chấp nhận không về quê để ở lại Sài Gòn làm thêm dịp Tết

Những ngày cuối năm, trung tâm thương mại luôn tấp nập bước chân sắm Tết. Bước ra từ một gian hàng bày bán đồ trang trí ở tầng trệt, Nguyễn Trần Thảo Nguyên, sinh viên năm thứ nhất Đại học Văn Hiến, hào hứng chia sẻ bạn mới xin được một công việc làm thêm với mức lương tốt.

Thảo Nguyên cho biết năm nay em chỉ nghỉ Tết một ngày. Em sẽ về Cà Mau bằng xe máy để tiết kiệm chi phí. Thảo Nguyên về quê vào đêm 30 âm lịch, dự tính sáng sớm mùng 1 sẽ về đến nhà và quay lại thành phố vào mùng 2 để kịp thời gian đi làm.

Mức lương cho công việc bán hàng là 18.000 đồng/giờ. Từ mùng 2 em sẽ được tăng lương gấp đôi. Thảo Nguyên chia sẻ năm nay do dịch bệnh, kinh tế của gia đình em gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ ủng hộ và tôn trọng quyết định đi làm thêm của em.

"Từ năm lớp 10, em đã rời Cà Mau để đi học ở Bình Dương. Em đã quen với việc cố gắng không nhớ nhà. Những năm trước em được nghỉ Tết nhiều ngày, năm nay vì tài chính khó khăn nên em quyết định làm thêm xuyên Tết", Thảo Quyên tâm sự.

Nguyễn Thị Lệ, sinh viên năm 2, Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ em đã làm thu ngân ở siêu thị được gần một tháng.

Công việc thu ngân yêu cầu nữ sinh đứng liên tục 8 tiếng một ngày. Lệ cho biết dù đứng lâu em vẫn không thấy mỏi chân vì lúc trước em từng phục vụ tại các quán ăn nên đã quen với cường độ làm việc cao.

Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm lớn, khách hàng đến siêu thị đông đúc hơn. Nữ sinh kể có lúc em tính tiền không đủ nhanh nên em bị vài khách hàng khó tính phàn nàn.

Từ khi bắt đầu đi làm thêm, Lệ đã tự kiếm đủ tiền để trang trải đóng tiền thuê phòng trọ, ăn uống hàng tháng. Tiền học phí em chia đóng thành nhiều đợt, gần như nữ sinh không cần hỗ trợ tài chính từ gia đình.

Quê Nguyễn Thị Lệ ở thành phố Chí Linh, Hải Dương, địa phương có nhiều nơi bị phong toả vì có ca mắc Covid-19. Theo kế hoạch, Lệ đã mua vé bay về Hải Dương vào ngày 30 âm lịch. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh phức tạp và thông báo tạm dừng vận tải hành khách vào Hải Dương vẫn chưa hết hiệu lực, em có thể sẽ ở lại TP.HCM đón Tết xa gia đình.

"Nếu không về quê được thì em sẽ ở lại làm thêm xuyên Tết. Sau khi xong việc, em sẽ về phòng trọ xem phim, nghỉ ngơi để thời gian trôi qua nhanh", Lệ gượng cười nói.

Tích luỹ nhiều kinh nghiệm bổ ích

Tết Tân Sửu: Nhiều sinh viên ở lại Sài Gòn làm thêm trang trải kinh phí - Ảnh 2

Nhờ những công việc làm thêm mà sinh viên được va chạm nhiều với đời sống thực tế

Mỗi khi chuông cửa của cửa hàng tiện lợi ở ký túc xá vang lên, Lê Thị Thuỷ cất tiếng chào khách hàng. Cô sinh viên năm 3, ngành Vật lý học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), đã làm công việc dọn dẹp và thu ngân ở đây hơn 8 tháng.

Mỗi ca làm việc Thuỷ kéo dài 8 tiếng một ngày. Mỗi tuần Thuỷ trực ca đêm tối thiểu một lần, từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Lương một giờ làm việc là 21.500 đồng, lương trực vào ca đêm sẽ được tăng thêm 30%.

Thuỷ dự tính sẽ làm thêm đến ngày 28 âm lịch. Tất cả số tiền mà nữ sinh kiếm đều được dùng làm quỹ tiết kiệm. Sau kỳ nghỉ Tết, Thuỷ sẽ làm việc ở cửa hàng tiện lợi đến khi tốt nghiệp đại học, vì em vẫn chưa định hướng được công việc sau này.

Mỗi khi có khách hàng ghé mắt nhìn vào quầy bánh, Nguyễn Thị Nam Thư, sinh viên khoa Kế toán, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhanh nhẹn chào mời và giới thiệu về sản phẩm. Thư chia sẻ em sẽ làm thêm tới ngày 29 âm lịch.

Công việc của Nam Thư là tư vấn khách hàng cho một hãng bánh ở siêu thị. Thư cho biết công việc làm thêm ở siêu thị nhẹ nhàng, lương cao hơn hẳn ngày thường, mức thấp nhất là 25.000 đồng mỗi giờ.

Cha mẹ ủng hộ Nam Thư đi làm thêm để em học được cách tự kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt sau này. Bên cạnh đó, việc tư vấn cho khách hàng còn giúp nữ sinh học được những kỹ năng về marketing như cách giao tiếp với khách hàng, cách xử lý tình huống nhanh nhạy và khéo léo.

Phạm Thị Kim Hạnh, sinh viên năm cuối Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Hạnh đã làm công việc tư vấn, bán mỹ phẩm ở siêu thị từ khi học lớp 12.

Vì dịch Covid-19 bùng phát vào dịp gần Tết nên mọi kế hoạch đi du xuân của Hạnh đều bị huỷ. Hạnh vừa tranh thủ thực tập ở một văn phòng đăng ký đất đai ở TP Thủ Đức, vừa đi tư vấn ở gian hàng quảng bá sản phẩm mới của một hãng mỹ phẩm vào cuối tuần. Kim Hạnh cho biết phần lớn thu nhập của bạn đến từ công việc tư vấn, đủ để trang trải tiền sinh hoạt và học phí.

Nguyễn Ngọc Tuyết Ngân, sinh viên Đại học Nông lâm, mặc chiếc áo dài màu vàng, đứng chào mời khách mua dùng thử một loại nước chấm. Tuyết Ngân cho biết công việc chính của em là tư vấn cho khách hàng và đổi quà tặng. Mỗi giờ làm việc em sẽ được trả 30.000 đồng.

Tuyết Ngân muốn tự kiếm tiền sắm Tết nên em quyết định đi làm thêm. Ngân tâm sự, trước đây em từng đi dạy thêm và viết nội dung cho các trang web nhưng thu nhập không cao bằng công việc tư vấn, bán hàng tại siêu thị.

"Mỗi ca làm việc em phải đứng liên tục 10 tiếng. Hai ngày đầu em thấy rất mỏi chân. Sau đó cơ thể cũng dần quen với cường độ công việc nên em không còn cảm thấy mỏi chân nhiều như ngày đầu nữa", Tuyết Ngân nói.

Hiện nay trên các hội nhóm tìm việc làm trên Facebook, nhu cầu tuyển dụng và tìm việc làm thêm Tết Tân Sửu 2021 khá sôi động. Nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm trung tâm thương mại, nhân viên giao hàng, nhân viên phục vụ quán cà phê, quán ăn là những công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều. Mức lương dao động tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ngày thường.

Theo ZING News