Từ cách làm thay đổi bầu không khí trong cuộc trò chuyện đến cách chấm dứt cuộc hội thoại, những kỹ năng sau đây sẽ giúp việc giao tiếp của bạn được hoàn thiện hơn.

 

1. Vui vẻ và khen ngợi

Khi tham dự một cuộc họp, gặp gỡ đồng nghiệp từ bộ phận khác, cách tốt nhất để mọi người nhớ đến bạn đó chính là sự khéo léo và duyên dáng của bạn. Khi bạn làm người khác bật cười, cảm thấy vui vẻ hay được yêu thích, họ tự nhiên sẽ đáp lại những cảm xúc đó với bạn; chẳng hạn như khi bạn khen một người nào đó vừa gặp, họ thường sẽ có ấn tượng tốt và cảm tình dành cho bạn. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn phải đi tâng bốc mọi người mà chính bạn phải thể hiện được thiện ý và sự chân thành trong quá trình giao tiếp của mình.

Trong một cuộc đối thoại, bạn có thể vận dụng những điểm mạnh vốn có của mình để có thể mang đến bầu không khí dễ chịu, đó có thể là óc hài hước, nụ cười thật tươi hoặc là tính lạc quan khiến cho mọi người cảm thấy vui vẻ… Tuy nhiên, đừng quá cố gắng để trở thành một người khác (bao gồm cả việc tỏ ra hài hước) vì làm thế bạn có thể trở nên lố bịch trong mắt mọi người, hoặc có thể vô tình động chạm đến người khác chỉ vì những câu chuyện cười “lạc quẻ”.

Và bạn hãy nhớ rằng cho dù có buồn bực vì những chuyện cá nhân, hay đồ ăn quá tệ, hay thời tiết thật khó chịu… bạn cũng đừng nên than vãn. Bạn không chỉ có thể làm hỏng đi tâm trạng của mọi người mà mọi người cũng sẽ có ấn tượng về bạn như một “cô gái u sầu” hay “cô gái hàng than” đấy.

Tạo ấn tượng tốt - bí quyết tạo thành công - Ảnh 1

2. Cân bằng

Bất kì ai đã từng phải ở thế im lặng trong một cuộc “nói chuyện một chiều” đều biết điều này khó chịu đến thế nào. Vì thế bạn nên chú ý đừng để mình trở thành người nói quá nhiều đến mức chẳng ai có thể xen vào nhé. Hãy nói về bản thân ít lại một chút, sau đó đặt những câu hỏi và chắc rằng người đối diện có thể nghe, hiểu, suy nghĩ và hồi đáp lại với bạn mà không bị xen ngang lời. Một cuộc hội thoại tốt nhất là cuộc hội thoại từ hai phía, có sự tương tác qua lại để tao ra thêm nhiều cơ hội kết nối và hiểu nhau hơn.

 

3. Trang phục phù hợp

Dù suy nghĩ của mọi người về bạn không chỉ dừng ở lần gặp đầu tiên nhưng cách bạn mặc đồ hoặc trang điểm ngay lúc đó cũng sẽ thể hiện một phần nào đó con người bạn. Do đó, nếu bạn muốn mang đến ấn tượng thật tốt đẹp, hãy chọn quần áo để thể hiện tốt nhất bản thân mình nhưng vẫn phù hợp với hoàn cảnh xung quanh.

Một chút tinh tế của cá nhân không chỉ có thể là mở đầu tốt cho cuộc nói chuyện, việc ăn mặc theo cá tính cũng ảnh hưởng đến cách bạn thể hiện mình. Khi bạn cảm thấy tự tin về những gì đang mặc trên người, bạn sẽ bớt nghĩ về chúng, sẽ không tự để ý mình nữa mà tập trung hơn vào việc giao tiếp với mọi người. Ví dụ như khi bạn không chắc chắn lắm về việc ăn mặc thế nào đến một sự kiện, hãy hỏi những người tổ chức hoặc xem những “dress code” chỉ điểm bạn nên mặc thế nào được in trên thiệp… Bạn hãy tự tin rằng ngay cả trước khi bạn mở lời, mọi người xung quanh đã có một ấn tượng tốt về bạn rồi.

Tạo ấn tượng tốt - bí quyết tạo thành công - Ảnh 2

4. Truyền tải sự quan tâm

Một cách hiệu quả để tạo ấn tượng tốt với một người bạn vừa gặp là hỏi han về họ trong suốt quá trình nói chuyện. Khi bạn cảm thấy hứng thú với người khác, người khác cũng sẽ hứng thú với bạn nên hãy thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề mà người khác đang nói đến bằng cách đặt câu hỏi hoặc bằng những phản ứng như gật đầu, thể hiện bằng ánh mắt… Tốt hơn nữa là bạn hãy tìm ra những đề tài có thể chia sẻ những ý kiến và sở thích riêng của mình. Khi bạn thể hiện niềm đam mê, bạn sẽ dễ dàng khiến mọi người thấy được những điểm tốt nhất của bạn, nói về đam mê có thế khiến bạn cười và trở nên phấn khởi, đó là những đặc điểm tự nhiên rất dễ hấp dẫn người khác.

 

5. Thực tế

Bí mật của phần giới thiệu bản thân đáng nhớ chính là ở cách bạn cho thêm một ít thông tin cá nhân theo kiểu” tự thú”. Yếu tố hàng đầu giúp mọi người liên kết với nhau đó là tính thực tế, điều này có thể xóa bỏ đi những ý nghĩ cạnh tranh dễ làm mọi người xa nhau. Ví dụ đơn giản như “Xin chào, tôi tên là A, và thú thật tôi chả biết ai ở đây cả”, hoặc “Xin chào, mình là A. Bạn có biết Ville Valo không? Mình có thể nghe anh ấy hát cả ngày mà không chán đấy!”, sẽ rất có hiệu quả vì nó khiến cho người bạn đang nói chuyện cảm thấy rằng họ cũng có thể bộc lộ bản thân như vậy, và nó sẽ giúp cho cuộc nói chuyện ngay lập tức trở nên có chiều sâu hơn.

 

6. Đóng góp

Mục tiêu của bạn không chỉ là trở thành một phần của cuộc nói chuyện, mà còn có thể thêm vào những giá trị cho cuộc nói chuyện đó. Khi bạn đưa một cuộc nói chuyện đi xa hơn bằng cách thêm những thông tin thú vị hoặc mang tính xây dựng, mọi người sẽ cảm thấy rằng bạn thật sự hiểu vấn đề, và có thể học hỏi được ở nhau nhiều điều. Có thể nghĩ rằng mỗi một cuộc trò chuyện là lúc chúng ta cùng nhau xây dựng một cái gì đó!

Một cách khác để mang lại ấn tượng tốt là chủ động giúp mọi người cảm thấy thoải mái; bạn có thể giới thiệu những người chưa quen biết với nhau, hoặc làm cho một người nào đó bớt thấy lạc lõng trong cả nhóm người… Những hành động này cho thấy bạn là một người thích cho đi hơn là cứ ngồi hưởng thụ, đồng thời cũng chứng tỏ được sự rộng lượng và khả năng dẫn dắt mọi người của bạn – một yếu tố được mọi người đánh giá cao.

 

7. Giao tiếp bằng mắt

Cho dù bạn đang nói chuyện với ai đi nữa thì việc nhìn thẳng vào mắt là chìa khóa để khiến người đó chú ý và hứng thú hơn. (Việc giao tiếp bằng ánh mắt trong khoảng 70 – 80% thời gian nói chuyện được xem là bình thường và đúng mực, dưới mức này có thể là dấu hiệu bạn không thành thật.) Thuyết trình là một việc đòi hỏi bạn phải giao tiếp khoảng 90% bằng mắt; ở đầu phần thuyết trình, nhiều người cảm thấy khá hồi hộp, và họ thường tìm lại “niềm tin” ở những khuôn mặt đang mỉm cười, gật gù, hoặc ánh mắt khích lệ. Đây là một chiêu hữu hiệu, nhưng nếu như bạn không thoải mái với việc nhìn thẳng vào mắt người khác khi đang nói chuyện trước đám đông, bạn có thể nhìn vào khoảng cách giữa hai người.

Tạo ấn tượng tốt - bí quyết tạo thành công - Ảnh 3

8. Kết thúc đúng lúc

Dù bạn đang vui chơi ở một buổi tiệc hay là đang tán tỉnh một ai đó, thì việc biết kết thúc câu chuyện đúng lúc là một phần quan trọng để giữ lại những ấn tượng tích cực. Mỗi một người nên biết giới hạn những gì mình cần nói, đủ để đối phương cảm thấy hài lòng và mong đợi nhiều hơn. Cách tốt nhất để biết được khi nào bạn nên dừng cuộc nói chuyện đó là duy trì việc giao tiếp bằng mắt và lắng nghe, bạn có thể bắt được những dấu hiệu cho thấy đối phương đang muốn dừng lại. Nếu người ta liên tục liếc mắt đi chỗ khác hoặc bắt đầu nói tóm tắt câu chuyện… thì đó là lúc bạn nên dừng. Việc bỏ qua các dấu hiệu này sẽ làm cho bạn giống một người chỉ biết quan tâm nói về bản thân và không tôn trọng người khác.

Tạo những ấn tượng tốt đẹp trong bất kì hoàn cảnh nào không chỉ giúp bạn được mọi người yêu quý mà còn tạo ra được nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc. Chúc bạn thành công!

Theo vietnamnet.vn