Với một số doanh nghiệp thì người quản lý trực tiếp có thể trao đổi về vấn đề tăng lương, trong khi đó nhiều công ty khác phải chuyển thông tin để phòng nhân sự xem xét. Vì thế, bạn nhất định phải hiểu đúng và đầy đủ về cách thức hoạt động của công ty mình thì mới mong việc đề nghị tăng lương diễn ra nhẹ nhàng và gặt hái thành công.
Bài viết sau đây là một số chia sẻ một vài phân tích về việc nên trao đổi vấn đề tăng lương với sếp trực tiếp hay với nhân sự. Cùng xem ngay bây giờ nhé!
Nói với sếp thì như thế nào, còn với phòng nhân sự sẽ ra sao?
Với mỗi đối tượng sẽ có những lợi thế và khó khăn khác nhau. Trong khi sếp trực tiếp là người phân công việc, theo dõi và giám sát mọi hoạt động của bạn nên sẽ gần gũi và hiểu bạn rõ nhất, thì các chuyên viên quản lý nhân sự lại là người nắm quỹ lương của công ty, rành rẽ quy trình và biết chính xác thời điểm nào thích hợp nhất để trao đổi và “chốt hạ” việc lương thưởng.
Trừ khi bạn là “ngôi sao” vừa ghi một thành tích siêu ấn tượng tầm công ty và được ban giám đốc đề bạt cấp tốc lên vị trí cao hơn, tất cả chúng ta đều biết chuyện lương bổng thường chỉ được đề cập vào những đợt đánh giá năng lực và hiệu suất công việc định kỳ. Như đã nói, tất cả đã có quy trình, đôi khi bạn khó có thể lựa chọn người thương lượng với mình theo ý riêng. Thế nên, nếu đã quyết tâm được tăng lương, việc có thể làm là luyện tập kỹ năng phân tích tình huống và đàm phán, đặc biệt trong trường hợp đề nghị tăng lương đột xuất.
Hãy thử hình dung trước một vài tình huống thường xảy ra để tự cân nhắc và chọn phương án đối phó nếu bản thân bạn gặp phải trong tương lai!
- Với tính chất nhạy cảm, mọi người thường được yêu cầu không tiết lộ mức lương thực tế nơi công sở, nhằm tránh phản ứng tiêu cực. Thế nhưng nếu tình cờ biết lương đồng nghiệp cùng cấp cao hơn mình, phải cư xử thế nào để không phải chịu nỗi ấm ức này?
- Bạn đang phải đảm nhiệm quá nhiều công việc, nhưng mức lương không tương xứng. Sếp cũng công nhận sự thật đó sau khi lắng nghe bạn trình bày. Với đề nghị tăng lương, sếp bảo rằng sẽ có câu trả lời chính thức sau khi trao đổi với nhân sự. Rồi dường như câu chuyện bị lãng quên dần từ thời điểm đó?
- Đến đợt xét tăng lương hàng năm, công ty chỉ muốn tăng cho bạn 5% thay vì mức 10% như bạn và sếp trực tiếp đã tổng hợp kết quả đánh giá theo chính sách công ty quy định. Đại diện nhân sự giải thích rằng “công ty đang khó khăn, cần nhân viên thông cảm và chia sẻ”.
Rõ ràng là không có hướng đi chung cho cả 3 tình huống. Trường hợp thứ nhất, nếu có đủ cơ sở vững chắc và không gian phù hợp, bạn có thể tìm cách trò chuyện chân thành để chia sẻ tâm tư cùng sếp trực tiếp. Hãy hiểu rằng khoảng cách khác biệt thu nhập đó có thể do bạn không giỏi thương lượng lương lúc vào công ty, hoặc lịch sử làm việc của bạn chưa được đánh giá cao bằng người kia. Khi rơi vào tình huống này, chỉ nên tập trung vào mục tiêu có mức lương tốt hơn trên cơ sở thang lương thị trường. Hết sức lưu ý đừng để sếp cảm giác bạn đang trở nên tỵ nạnh, hơn thua và thích xâm phạm riêng tư của đồng nghiệp.
Trong khi đó, tình huống thứ 2 cho thấy cần có sự nhắc nhở khéo léo và thái độ quyết liệt hơn để cấp trên nhận ra kỳ vọng của bạn mà không phớt lờ hoặc bỏ quên nữa. Nghệ thuật đàm phán tốt sẽ khiến người nghe không thấy phiền toái và bực mình trong trường hợp này. Hãy cố gắng chứng minh bằng thực tế và tìm sự đồng thuận của sếp, bởi sau đó chắc chắn sếp của bạn cũng phải đấu tranh rất dữ dội với nhân sự lẫn ban giám đốc mới có thể giành quyền lợi cho bạn.
Tình huống thứ 3, tuỳ thuộc vào mức độ cảm thông và gắn bó của bạn. Giả thiết rằng sếp trực tiếp hoàn toàn chấp thuận bạn nên được tăng lương 10% và con số đó không quá ảnh hưởng đến tình trạng khó khăn của công ty. Câu chuyện ở đây sẽ là cuộc đàm phán giữa một bên là bạn cùng sếp và bên còn lại là phòng nhân sự. Hãy hiểu đúng quy trình, vững lý lẽ và minh chứng đầy đủ! Bạn là nhân viên giỏi, chắc không công ty nào muốn mất bạn, hoặc chí ít họ phải đưa thêm những lý do thuyết phục hơn.
Lời khuyên và sai lầm cần tránh khi đàm phán lương
Sau tất cả những điều vừa phân tích, rất khó để kết luận công thức thành công chung cho mọi trường hợp đàm phán lương bổng. Nhưng điều quan trọng chung là hãy xác định cho được người có quyền ra quyết định sau cùng. Thông thường để đi đến kết quả tăng lương, dù ít hay nhiều, cả sếp trực tiếp lẫn phòng nhân sự đều sẽ tham gia. Trong bối cảnh công ty cụ thể, nếu đủ tinh ý nhận ra giới hạn “quyền lực” thuộc về ai thì chắc chắn bạn sẽ biết cách chuẩn bị cho mình lý lẽ và tâm thái phù hợp nhất để bước vào phòng đàm phán.
Lời khuyên cuối là bạn phải luôn hợp lý, kiên quyết và nhất quán. Đừng bao giờ bắt đầu câu chuyện tăng lương khi thậm chí bạn cũng không tự chứng minh được vì sao công ty phải làm thế cho mình. Quên ngay những câu nói như “em xứng đáng được tăng lương vì rất chăm chỉ/ đã làm với công ty lâu rồi”, lý do phải đủ mạnh! Cũng đừng vội vàng bỏ cuộc ngay khi vừa nhận được thái độ mang “màu sắc” từ chối lần đầu tiên. Tất nhiên rồi, đa số trường hợp bạn sẽ nhận về lời hứa hẹn hoặc điều đình chờ đợi đến tương lai, ngân sách công ty có giới hạn và yêu cầu tăng lương luôn là nhiệm vụ khó khăn mà!
Không có gì phải bàn cãi, đàm phán lương luôn gây một chút lo lắng và hồi hộp cho những ai đang tìm kiếm công việc mới. Mà không chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ còn trải qua cảm giác này vài lần nữa trong suốt các chặng đường sự nghiệp của mình. Một trong số đó có thể kể đến những dịp đề nghị tăng lương.
Sau tất cả, có lẽ đàm phán với sếp trực tiếp hay người quản lý nhân sự không phải là vấn đề, bởi luôn có cách để bạn ứng phó. Muốn nhận được trải nghiệm dễ chịu và kết quả như mong muốn, quan trọng nhất là tìm hiểu đầy đủ và chuẩn bị phù hợp.
Có thể chủ động lựa chọn người mình muốn gặp mặt thương lượng thì rất tốt, nhưng nếu không thì bạn cũng đừng lo sợ! Hãy xác định lý do thuyết phục nhất, đồng thời tham khảo kỹ càng mọi thông tin cần thiết về lương thưởng theo ngành nghề, cấp bậc, địa phương rồi sau đó cứ tự tin bước vào cuộc chiến “cân não” mà giành thắng lợi nhé!
CareerBuilder Vietnam