Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Từ ngày 20/12 giá điện tiêu dùng sẽ tăng 5%, từ đó các chủ trọ cũng ào ào tăng theo chóng mặt
EVN tuyên bố tăng giá điện. Nhiều chủ trọ té nước theo mưa. Sinh viên chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
“Nhà nước tăng giá, thì phải tăng”
Đang ăn cơm, nhóm sinh viên Tuấn Anh, Minh (Cổ Nhuế, Từ Liêm) giật thót mình khi chị chủ nhà đi khắp các phòng thông báo bắt đầu tháng này điện tăng lên 4.000 đồng/Kwh. Mặc dù đã quen với việc tăng giá nhà, điện, nước, nhưng Tuấn Anh bức xúc khi điện lại tiếp tục tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/ Kwh trong khi giá cả thực phẩm, tất cả mặt hàng đang đua nhau tăng chóng mặt.
Chưa hết bất ngờ, chị chủ nhà thêm vào: “Có xem trên ti vi không, vừa thông báo giá điện tiêu dùng tăng thêm 5% đấy. Nhà nước tăng thì chị cũng phải tăng chứ”.
Nghe thông tin tăng giá điện tiêu dùng, nhiều nhà trọ “hét giá” sẽ tăng 10 – 15 % chứ không phải 5%. Lý giải điều này, chị Hà (chủ nhà trọ đường Trần Cung, Cổ Nhuế) thản nhiên nói: “Chẳng lẽ lại tăng 200 đồng/kwh? Nên tăng 500 – 1000 đồng cho thuận tiện?!”.
Còn chủ nhà trọ ở làng Hậu (Xuân Thủy, Cầu Giấy) thì nói: “Nếu tăng như thế thì chắc chắn tôi sẽ tăng giá điện phòng rồi, nhưng sang đầu năm 2012 thì sẽ thông báo”.
Chưa biết thông tin về tăng giá điện, chủ nhà ở ngách 67, ngõ Gốc Đề cho biết: “Ở khu trọ, hiện giờ tôi thu giá 3.000 đồng/ 1 số điện. Tôi sẽ điều chỉnh xem tháng này có tăng đáng kể không, nếu không thì không cần thu thêm vì chẳng đáng là bao. Nếu có tăng thì lên khoảng 3.200 – 3.500 đồng/ kwh”.
Theo thông báo, giá điện tiêu dùng tăng 62 đồng/1 Kwh là không nhiều, nhưng nó cũng tác động không nhỏ đến đời sống người dân, đặc biệt là đối với sinh viên thì đó là cả vấn đề, thêm nhiều nỗi lo nghĩ cách cắt giảm chi tiêu hàng tháng.
Sinh viên kêu ca, chật vật đối phó cơn bão tăng giá
Lê Văn Hà (SV năm 3, ĐH Kinh tế), trọ ở Trương Định biết thông tin tăng giá điện rồi nhẩm tính nếu điện tăng từ 500 – 1.000 đồng/ kwh tức là hàng tháng sẽ mất thêm 50 nghìn – 100 nghìn đồng tiền điện.
Bình thường Hà cùng ba người bạn ở căn phòng 18 mét vuông cả gác xép là 2 triệu, thêm tiền điện nước là 800 nghìn đồng/3 người. Trung bình mỗi tháng dùng 65 số điện với giá 3.000 đồng/ 1 số vào mùa đông.
Hà tặc lưỡi nói: “Nếu tăng như thế thì mỗi tháng 3 đứa tăng thêm gần 100 nghìn tiền điện. Tăng thì chỉ biết chuyển nhà, nhưng nhà nào chẳng tăng, mà tìm nhà giờ khó khăn hơn lên trời…”.
Kể về thời gian tìm nhà trọ đầu năm học, Hà ngán ngẩm chia sẻ: “Mất cả tháng đầu tìm nhà trọ. Những chỗ ưng ý phù hợp với tiêu chí ở gần trường, nhà tàm tạm, giờ giấc thoải mái, an ninh tốt thì đắt, khu trọ xa thì rẻ. Mà khi tìm được, không chớp thời cơ đặt tiền cọc là mất ngay”.
Nếu vào mùa hè, dùng quạt nhiều số điện nhiều hơn, đặc biệt Hà có thói quen ngồi lướt web và sử dụng máy tính khá nhiều cho công việc học tập nên có tháng lên đến gần 100 số điện, nên chủ nhà hô giá điện tăng, Hà phản ứng mạnh.
Hiện giờ mỗi tháng Hà được bố mẹ “trợ cấp” cho 1,9 triệu đồng/ tháng để chi trả tiền ăn ở, phí tiêu ngoài. Tính ra trung bình mỗi tháng Hà mất 790 nghìn đồng vào chi trả tiền điện nước, nhà trọ. Giờ tăng giá điện lên như thế, mặc dù không đáng là bao nhưng Hà vẫn chật vât cắt giảm chi tiêu ăn uống, bớt ăn ngoài tụ tập bạn bè, sinh nhật… để tiết kiệm.
Giờ năm thứ 3 rồi, nên Hà chẳng muốn chuyển đi đâu. “Kêu thì kêu thế thôi, chứ chủ trọ tăng thì đành chịu thôi, vì đâu chẳng thế”, Hà thở dài nói.
Khác Hà, đôi bạn Lê Thị Nga (SV trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp) chọn trọ xa xa để bớt chi phí ăn ở. Căn phòng trọ của Nga tầm 10 m2 ở Thanh Oai, Thanh Trì có giá 900 nghìn/ tháng cả điện nước.
Nhắc đến giá điện sẽ tăng, Nga phản ứng: “Nếu tăng như thế, hết tháng này mình sẽ phải chuyển về nhà bác để ở cho rẻ. Tăng 1 nghìn đồng đã thấy sợ rồi, chưa kế các thứ khác cũng tăng theo”.
Nga cho biết cứ mỗi lần chủ nhà xuống bảo tăng giá điện, tiền nhà là ba đứa lại phản ứng bằng cách dọa chuyển nhà. “Thực ra lên trên này học là phải chấp nhận dù nhà trọ, cái gì tăng đi nữa. Họ tăng thì mình vẫn phải chấp nhận, phải chịu thôi”, Nga cho biết.
Với việc chi tiêu tiết kiệm như Nga và Hà không phải hiếm khi sinh viên lên đất Hà Nội học. Họ sẽ nghĩ cách đối phó với “bão giá” trăm thứ từ học phí, thực phẩm, giá nhà… cho đến giá điện tiêu dùng hàng tháng. Đối phó bằng cách xin thêm trợ cấp từ gia đình, cắt giảm chi tiêu một cách triệt để hoặc kiếm việc làm thêm.
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ không đến được với sinh viên
Được biết, từ năm 2009, Bộ Công thương đã ban hành thông tư quy định về việc người thuê trọ sẽ được hưởng giá điện ưu đãi từ cơ quan phân phối điện. Cũng theo thông tư 11/2010/TT - BCT của Bộ Công thương quy định những hộ gia đình, sinh viên thuê nhà trọ sẽ được hưởng mức giá điện theo hệ bậc thang nếu có đầy đủ giấy tạm trú, tạm vắng và hợp đồng thuê nhà có thời hạn trong vòng từ một năm trở lên.
Mặc dù, mức giá điện cao nhất của Nhà nước tại bậc thang cuối cùng chỉ có 1.790 đồng/kWh nhưng các chủ nhà cho thuê đã tăng giá điện cho người thuê nhà tới 3.000 đồng/kWh – 4.000 đồng/kWh điện, thậm chí có nơi là 5.000 đồng/kWh.
Mặc dù thông tư đã ban, đã rà soát xử lý các trường hợp chủ nhà trọ kinh doanh điện trái phép, nhưng đâu vẫn hoàn đấy, nhiều sinh viên chẳng hưởng được giá điện ưu đãi mà lại còn chịu cái giá “trên trời”. Thiết nghĩ, cần phải có cơ chế quản lý hợp lý và siết chặt việc kinh doanh điện ở các khu trọ hơn nữa.
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (giaoduc.net.vn)
Bài: Tăng giá điện làm khổ sinh viên