>> Giáo dục, tuyển sinh, tuyển sinh thạc sĩ, thạc sĩ, mba

Đội ngũ giảng viên tăng chậm, một số trường tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ thấp hơn mức bình quân chung cả nước nên việc tăng chỉ tiêu đào tạo sau ĐH là một trong những giải pháp làm tăng chất lượng giáo dục bậc học này nói chung. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng về số lượng tiến sĩ mà chất lượng các công trình nghiên cứu của họ còn kém thì có giải quyết được vấn đề?

Nhiều luận án dính nghi án “đạo”

Liên tiếp các thông tin thời gian gần đây cho thấy, nhiều công trình luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ vướng phải nghi án “đạo văn” – điều cấm kỵ đối với các công trình nghiên cứu khoa học.

Vụ việc ầm ĩ nhất trong năm qua là của Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Tài chính - ngân hàng thuộc ĐH Kinh tế quốc dân.  Trước đó, Bộ GD&ĐT nhận được tố cáo về việc ông Hoàng Xuân Quế, tác giả luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo” tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của tiến sĩ Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”.

Tăng chỉ tiêu sau đại học: Lo nạn đạo văn

Tăng chỉ tiêu sau đại học: Lo nạn đạo văn

Sau thời gian thẩm tra, Bộ GD&ĐT phát đi thông cáo thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước  cũng có quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đối với ông Hoàng Xuân Quế - Sau khi có quyết định này, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

>>Toàn bộ thông tin vụ giảng viên Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng bộ giáo dục

Gần đây, ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên bộ môn tiếng Hàn Quốc (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã gửi đơn “tố” phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội là ông Nguyễn Cảnh Lương đạo luận án phó tiến sỹ. Theo đơn tố cáo thì luận án phó tiến sĩ khoa học Toán - Lý của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ năm 1996, gần như đã chép lại 100% nội dung trong luận án Phó tiến sĩ khoa học của phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Khải, được bảo vệ trước đó 10 năm.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Năm 2013, sau khi tiến hành thẩm định hồ sơ quá trình đào tạo và chất lượng luận án tiến sĩ của các cơ sở đào tạo với khoảng 500 hồ sơ và 150 luận án, cho thấy khoảng 50% chưa thực hiện đầy đủ quy trình đào tạo, một số luận án chất lượng thấp.

Tăng chỉ tiêu, có tăng chất lượng?

Theo Bộ GD&ĐT, 2013 là năm đầu tiên tất cả chỉ tiêu đào tạo các hệ bậc ĐH  đều giảm, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 9,3%. Điều này phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ.

Cũng trong những năm qua, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ tăng trong khi đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư chưa tăng với tỷ lệ tương ứng về số lượng và chuyên ngành đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau ĐH của các trường trực thuộc Bộ nói riêng và toàn ngành nói chung. Đội ngũ giảng viên tăng chậm, một số trường tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ thấp hơn mức bình quân chung cả nước...

Đào tạo sau ĐH hiện nay đang nảy sinh thực trạng: Bậc thạc sĩ đang “phình to” , thậm chí dư thừa trong khi đào tạo tiến sĩ lại ít. Để đảm bảo chất lượng, những năm gần đây, Bộ đang siết đầu vào của các ngành đào tạo sau ĐH, đặc biệt là  đào tạo bậc thạc sĩ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Năm 2013, Bộ đã tiến hành kiểm tra rà soát đào tạo thạc sĩ và xử lý các trường hợp đào tạo ngoài cơ sở chính của trường không đúng quy định, dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ do không đáp ứng được điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Vì vậy, Đề án 911 của Chính phủ đưa ra tham vọng phải đào tạo 20.000 tiến sĩ  tới năm 2020. Ông Bùi Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện tại, Đề án 911 mới đi được 1/3 chặng đường và kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch của giai đoạn này do nguồn tuyển từ các trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, vấn đề được nói đến nhiều hơn ở đây là các con số. Trong khi chất lượng của các tiến sĩ và công trình nghiên cứu khoa học của họ vẫn là một vấn đề khó quản lý. Ông Bùi Anh Tuấn cho rằng: Tình trạng đạo luận văn, học hộ tiến sĩ là có trong thực tế nhưng hiện tượng này là cá biệt. Thời gian qua, việc kiên quyết xử lý những trường hợp đạo văn, học hộ tiến sĩ đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân có ý định tiêu cực.

Theo Phan Thủy, phapluatxahoi