1. Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ dân chủ và tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Mình đã có những buổi học 4 môn liên tục từ 11 giờ trưa tới 5 giờ chiều mà chỉ được nghỉ 15 phút để chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác, ăn đồ ăn nhanh ở trong lớp thường là giải pháp cho các bữa trưa. Không những được phép ăn uống, mà mình còn có thể nhắn tin bằng di động hay dùng máy tính xách tay trong lớp. Không có chuyện giáo sư gọi sinh viên trả lời như một điều trừng phạt khi sinh viên đang suy nghĩ đâu đó. Sinh viên được tranh luận thẳng thắn mà không bị đánh giá thái độ mỗi khi phản bác ý kiến của thầy cô.
Một điều hết sức bình thường ở Mỹ là giáo sư vui vẻ cảm ơn mỗi khi sinh viên chỉ ra điểm sai trong bài giảng. Mình thậm chí có lần còn được cộng điểm vì chỉ ra được những lỗi như thế. Thế mới hiểu tại sao sinh viên Mỹ có phong cách rất tự tin, vì họ nhận được sự khuyến khích thực sự từ các thầy cô mỗi khi phát biểu, ngay cả việc yêu cầu giáo sư nhắc lại câu vừa mới nói. Ngoài giờ học chính thức, các giáo sư thường dành khoảng 2- 4 tiếng mỗi tuần để sinh viên có thể dễ dàng tới trao đổi hay giải đáp thắc mắc ở văn phòng riêng của họ. Sinh viên cũng có thể học qua gia sư của từng môn học. Đây là những bạn học sinh giỏi của các lớp trước được nhà trường thuê và trả lương khoảng $9/giờ, 10 giờ một tuần.
Hình minh hoạ
Một điều khác làm cho nhiều du học sinh bỡ ngỡ đó là không có sự phân biệt về tuổi tác trong lớp học. Mình có cậu bạn học cùng lớp tiếng Anh trong kỳ đầu tiên 28 tuổi và có những bạn trong lớp năm thứ ba nếu so về số tuổi có lẽ nhiều gấp đôi của mình. Ngay cả học sinh cấp ba ở Mỹ cũng không tuân theo chuẩn mực đứng lên chào khi thầy cô bước vào và ra khỏi lớp. Sinh viên được nhận kết quả thi tuyệt đối riêng tư. Nếu không hỏi nhau thì bạn bè không ai biết kết quả của ai. Việc học là cho mình chứ không phải học vì nỗi sợ bị bạn bè đánh giá. Ở Mỹ, phụ huynh chỉ có quyền biết điểm của con mình nếu như họ là người đóng tiền học cho con họ.
2. Chương trình học ở đại học Mỹ linh hoạt hơn ở nước mình. Sinh viên được chọn môn, chọn thầy, và chọn giờ học theo ý muốn. Mình có một cô bạn nhà ở cách trường một tiếng lái xe nên học dồn tất cả các lớp học vào ba ngày đầu tuần. Thật sự mình đã từng bất ngờ khi cô giáo hỏi có những ai đi làm thêm trong giảng đường? Hơn 200 sinh viên năm thứ nhất có tới 3/4 lớp giơ tay lên. Thậm chí, mình có cô bạn vừa đi học 5 môn một kỳ vừa đi làm 32 tiếng một tuần.
Mặc dù học sinh phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường, nhưng sinh viên có thể thay đổi ngành học trong hai năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp. Sinh viên chọn ngành Văn học vẫn có thể chuyển sang nghành Kiểm toán chẳng hạn. Trong 2 năm đầu tiên, hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau. Tất cả sinh viên bất kể chuyên ngành nào, dù Kiểm toán hay Văn học, đều phải hoàn tất chương trình cơ bản với nhiều môn trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử, Xã hội học, Chính trị), Tiếng Anh (học lối viết trong nghiên cứu), đến các lớp như Âm nhạc hay Sân khấu. Đương nhiên là sinh viên được quyền chọn môn học mình yêu thích trong số những nhóm môn ấy. Chương trình đại học được thiết kế trong vòng 4 năm, nhưng vì học theo tín chỉ nên sinh viên có thể học nhiều lớp trong hai kỳ chính cũng như có thể học cả ba kỳ hè để rút ngắn thời gian học.
3. Về cách dạy ở trường đại học Mỹ, không bao giờ có tình trạng thầy đọc trò chép. Thầy cô trình chiếu bài giảng hoặc phát bài rồi nói về những vấn đề đó. Những điều cần giải thích thêm thầy cô mới ghi lên bảng. Sinh viên có thể lên website của thầy cô xem lại bài trình chiếu để bổ trợ trong quá trình tự học. Thời khóa biểu được phát đầu kỳ, và các bài giảng cứ thế răm rắp tuân thủ theo từ tuần đầu tiên đến tuần cuối cùng. Và đặc biệt các giáo sư rất đúng giờ, hầu như họ đều vào lớp trước giờ học, khó có thể tìm được buổi học nào mà thầy cô lên lớp muộn, dù là chỉ một phút.
4. Điều khác biệt nữa là cách thức đánh giá sinh viên. Ở Mỹ trong một kỳ, một sinh viên thông thường học 5 môn. Mỗi môn có từ 3 đến 6 bài kiểm tra, với phần trăm điểm được phân bố. Kỳ vừa rồi với 5 lớp học, tuần nào mình cũng có ít nhất một bài kiểm tra như thế, có tuần có tới 4 bài kiểm tra, bài viết phải nộp, và bài thuyết trình trên lớp. Còn ở Việt Nam, nếu như không có kiểm tra giữa kỳ thì chỉ có duy nhất một bài kiểm tra cuối kỳ. Như vậy là sinh viên ở Mỹ phải học liên tục, chứ không như ở Việt Nam, lịch thi tạo điều kiện cho sinh viên có thể thong dong đầu kỳ rồi cuối kỳ học gấp rút trong vài ba ngày cho bài thi cuối kỳ rồi cũng xong. Và tất nhiên, kiến thức được xây dựng từ bài cơ bản đến bài nâng cao như mưa dầm thấm đất, sinh viên sẽ nắm được vấn đề một cách chắc chắn.
Hơn nữa, ngoài các bài kiểm tra, có môn mình còn phải làm bài trắc nghiệm trong vòng 15 phút trên mạng hàng tuần. Hay có lớp cứ hai tuần có một bài về nhà trên mạng, mình lại phải dành ra khoảng 4 tiếng để hoàn thành 30-50 câu hỏi trắc nghiệm. Học ở Mỹ, quả thật mình phải viết rất nhiều. Nhiều khi mình phải tự tìm chủ đề và tìm tài liệu tham khảo trong thư viện. Có những bài dài đến gần 30 trang. Đặc biệt, sinh viên có thể bị đánh trượt nếu phạm lỗi đạo văn, dù chỉ là lỗi sao chép trong một bài luận.
5. Ở Mỹ mỗi trường đại học có cả hàng chục đến cả trăm hội sinh viên chứ không phải mỗi trường chỉ có một vài hội sinh viên như ở Việt Nam. Nếu sinh viên muốn tham gia tình nguyện thì có thể tham gia chương trình tình nguyện của rất nhiều câu lạc bộ sinh viên. Có câu lạc bộ về chuyên nghành (như Tài chính, Kiểm toán, Kinh tế học, Hóa học, Công nghệ thông tin), về văn hóa (hội sinh viên các quốc gia và vùng lãnh thổ), hay về giải trí (Nhiếp ảnh, Bóng bàn, Cờ vua). Bên cạnh đó có rất nhiều lớp học ngoại khóa (Yoga, nhảy Latin).
Hoạt động của các câu lạc bộ trong trường đại học Mỹ rất năng động. Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp mình học hỏi nhiều điều trong cách giao tiếp. Năm ngoái, mình từng được gặp thị trưởng thành phố trong một buổi trò chuyện do hội sinh viên nghành Tài chính của trường tổ chức. Mới cách đây 2 tuần, mình lại cùng với thành viên hội này được đến thăm quan chi nhánh ngân hàng Frost National Bank ở trung tâm thành phố. Trong buổi đó, chúng mình được giao lưu với chủ tịch, phó chủ tịch, cũng như nhiều trưởng các bộ phận trong ngân hàng như đầu tư, tín dụng, và quỹ. Thậm chí, sau khi qua hai lớp cửa an toàn, nhiều sinh viên được tận mắt nhìn thấy kho tiền của ngân hàng.
Nói thêm về chuyến tham quan này, mình là thành viên trong ban quản trị của hội và là người chịu trách nhiệm tổ chức buổi thăm quan này. Một lần tình cờ khi nói chuyện với giáo sư, mình có đề đạt nguyện vọng của hội muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của một ngân hàng trong thành phố, thầy vui vẻ mở facebook của thầy và gửi tin nhắn cho một sinh viên cũ đang làm việc tại ngân hàng. Chỉ hai ngày sau anh sinh viên cũ gửi chương trình buổi thăm quan kèm theo ngày giờ cụ thể qua thư điện tử cho tôi. Sự nhiệt tình của thầy tôi, tinh thần trách nhiệm của anh sinh viên cũ của thầy, và sự thân thiện của các nhân viên trong ngân hàng đã khiến tôi, một sinh viên quốc tế, không khỏi ngỡ ngàng.
Sau chuyến thăm quan ngân hàng Frost National Bank, chúng mình cùng ngẫm nghĩ phép so sánh nho nhỏ sau: công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là ngân hàng Vietcombank có tổng tài sản (12,7 tỷ USD) chỉ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản của ngân hàng Frost National Bank (17,7 tỷ USD) - ngân hàng lớn nhất ở tiểu bang Texas, Mỹ. Chúng ta đi sau cả về kinh tế và giáo dục. Như một quy luật trong cuộc thi chạy đường trường, một khi ta xuất phát sau thì phải tăng tốc, và tốc độ phải nhanh hơn đối thủ đằng trước mới có cơ về đích trước.
Được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao ở Mỹ như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu du học sinh dũng cảm quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, áp dụng những kiến thức tiên tiến vào tình hình riêng của nước ta, để nghĩ lớn và làm lớn?
Đăng ký nhận thông tin về du học Mỹ tại ô bên dưới.