Vậy nếu bạn đã là một trong số những người đang đứng ở ngã rẽ này, hãy cùng chúng tôi nhìn vào những điểm mạnh yếu giữa một bên là các công ty khởi nghiệp, còn bên kia là các công ty khủng. Tôi ví von và hỏi rằng: bạn muốn lựa chọn theo “chim sẻ” hay “đại bàng”?
Sinh viên mới ra trường hãy nghĩ về startup
Thứ nhất, hãy cùng nhìn vào những lợi ích của việc nhảy vào một startup khi bạn là một sinh viên vừa ra trường, tinh tươm như một tờ giấy trắng! Khi còn trẻ, việc được đứng cùng hàng ngũ với một đội ngũ sáng tạo và nhiệt huyết là một trong những điểm cộng đầu tiên cho lựa chọn của bạn. Bạn sẽ luôn được truyền cảm hứng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút và mỗi giây. Ở một khía cạnh khác, làm việc cùng những founder luôn có ngọn lửa khởi nghiệp cháy hừng hực trong huyết quản sẽ giúp cho bạn hiểu thế nào là đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Ngoài ra, khi đầu quân cho startup, bạn sẽ được có cơ hội nhìn thấy một công ty hình thành từ những giai đoạn sơ khai nhất, có khi chỉ là 2 thành viên với một cái laptop “thời đồ đá” ăn mì tôm cầm hơi, cho đến khi công ty họ nằm trên một toà nhà “bảnh” nhất thành phố với diện tích vài trăm m2. Được thấy ước mơ của một đời người trở thành hiện thực, cũng giống như chứng kiến một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, một trải nghiệm thú vị phải không?
Ở một công ty lớn, bạn sẽ ít khi được cùng những người lãnh đạo trải qua những thăng trầm và sóng gió kiểu “vạn sự khởi đầu nan”. Đây cũng là một cơ hội cực tốt để học cách giải quyết khủng hoảng của các “sếp” mà ít khi ở các công ty lớn bạn được dịp chứng kiến tận mắt. Hãy có niềm tin một ngày nào đó “chim sẻ” sẽ hoá “đại bàng”!
Không thể không nhắc đến điều này, khi quyết định ở với một startup, bạn sẽ có nhiều không gian để “thở” hơn, cũng như việc bạn có thể vùng vẫy và thể hiện tài năng của mình một cách khá thoải mái. Lý do chỉ đơn giản vì startup luôn cần sự toả sáng của từng cá nhân, điều đó cũng có nghĩa rằng, bạn sẽ được tự do phát triển hơn thay vì bị đóng khung trong một tổ chức lớn mà mọi thứ đã được sắp đặt chặt chẽ và khó lòng có thể thay đổi linh hoạt. Ở môi trường startup, ý kiến của bạn sẽ chắc chắn được lắng nghe và tôn trọng hơn rất nhiều, nếu không tin bạn có thể thử.
Nhiều người cho rằng ở những công ty lớn, nếu nhân viên có muốn đóng góp ý kiến cho các dự án lớn thì thường sẽ rơi vào trường hợp “cảm ơn em đã phát biểu, mời em về chỗ”, nhưng ở startup các ý kiến sẽ luôn được lắng nghe và được xây dựng đóng góp. Ít ra là tỉ lệ ý kiến được đón nhận cao hơn bội lần. Nếu bạn muốn được công ty đánh giá cao và trân trọng như khả năng của mình ngay từ những ngày đầu, có lẽ startup là một lựa chọn không chê vào đâu được. Dù gì thì làm vua nước nhỏ hơn là làm quan nước lớn, bạn có suy nghĩ khác không?
Và cuối cùng, điều quan trọng nhất cho sinh viên Việt Nam là trong startup, các bạn được có cơ hội làm nhiều loại việc khác nhau, để trải nghiệm cũng như mài dũa những kỹ năng mà chắc chắn cả 20 năm ngồi trên ghế nhà trường bạn cũng không thể tích góp cho mình sự hiểu biết sâu sắc và trải nghiệm tinh tế như vậy. Ở một startup bạn sẽ “tình nguyện bị giao” cho rất nhiều loại việc khác nhau. Ví dụ như có khi bạn sẽ vừa làm dev, có khi sẽ phải làm một ít việc của sale, rồi lại phải xắn tay lên làm một ít việc về truyền thông hay thậm chí là đi giao hàng.
Nghe có vẻ hơi cực nhưng nếu bạn là người muốn thử thách bản thân thì chẳng việc gì phải ngại cả, càng làm ở nhiều mảng bạn sẽ càng có được chiều sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không bổ chiều ngang cũng sẽ bổ chiều dọc.
Những khó khăn cần phải đối mặt khi chọn về với đội startup.
Thật ra, làm việc cho startup cũng có rất nhiều bất cập. Đó cũng là lý do vì sao các bạn trẻ thường lè lưỡi và lắc đầu khi nhắc tới startup. Dễ nhận thấy nhất là sự không ổn định trong công việc, nếu bạn là một người bị phụ thuộc toàn bộ vào đồng lương và những phúc lợi xung quanh như bảo hiểm, nghỉ lễ hoặc lương thưởng thì xin hãy nghĩ lại về việc chọn startup.
Khi làm việc cho startup, những bạn sinh viên trẻ sẽ có thể phải cắn răng để cùng chịu đựng sự thiếu thốn về mặt quản lý và chế độ chăm sóc cho nhân viên, vì mọi thứ vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu. Vì thế, nếu quyết định làm việc cho startup, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý để đối phó với những “bất tiện” trên.
Hơn nữa, việc trao thân gửi phận cho một startup cũng là một vấn đề rất phức tạp. Hiện nay cũng không có một tiêu chuẩn nào có thể giúp các bạn trẻ chọn lựa công ty startup để theo đuổi. Điều duy nhất các bạn có thể làm là tin vào cảm giác của mình khi tiếp xúc với founder cũng như các thành viên trong team, nếu bạn cảm thấy phù hợp và yêu thích thì có thể đó là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, không gì có thể đảm bảo rằng cảm giác của bạn đúng trong mọi hoàn cảnh và nó sẽ giúp bạn tìm được một startup vững mạnh để theo. Không phải ai cũng có thể tìm được một Facebook, một Google hay một Twitter để theo. Vì vậy, nếu đã biết một công ty lớn thành công, những bạn trẻ sẽ có được tâm lý ổn định vì tin tưởng và an tâm hơn khi làm việc. Họ sẽ không phải lo sợ công ty bị sụp đổ bất thình lình và kéo luôn công việc ổn định của mình xuống vực thẳm.
Nhìn đi thì cũng nhìn lại, không phải ngẫu nhiên mà nhiều sinh viên lại ôm mộng làm cho các “đại bàng” sừng sỏ ngay từ đầu chứ không dại gì chui vào tổ của các chú “chim sẻ” startup nhỏ và bấp bên từng ngày. Làm ở những công ty lớn lương cao, thêm vào là bộ CV đẹp trong tương lai, lại còn nở mày nở mặt với thiên hạ. Vậy sao lại không chọn đại bàng? Thậm chí tiền lương còn giúp gia đình hoàn vốn nhanh sau bao nhiêu năm mình dùi mài kinh sử. Đó cũng là một mindset mà nhiều người trẻ tại Việt Nam chưa thể thay đổi được. Mộ phần họ chịu áp lực gia đình, xã hội, phần khác chịu áp lực cuộc sống mưu sinh. Họ bắt buộc phải chọn một công ty “đàng hoàng” chỉnh chu ngay từ đầu để có thể ổn định. Đây cũng là điểm mà các startup không thể nào “đọ sức” với những công ty lớn.
Tuy nhiên, nếu có được nhiều cơ hội tiếp xúc và hiểu hơn về thế giới startup, có lẽ sẽ có nhiều sinh viên “liều lĩnh” hơn trong việc chọn lựa con đường startup cho mình. Đường dù có chông gai nhưng những thành quả kinh nghiệm và tầm nhìn của họ sẽ được thay đổi bởi những “gã điên” trong thế giới khởi nghiệp đầy màu sắc này.
Theo Trí thức trẻ