Sự kiên: Du học, tư vấn du học, học bổng du học

Cẩn thận trong từng bước và kiên nhẫn theo dõi hồ sơ du học

Để có thể tìm cho mình một suất học bổng du học tốt và phù hợp, bạn không chỉ cần một lý lịch học tập tốt mà cần chuẩn bị tốt một bộ hồ sơ tự giới thiệu về bạn. Để cho ngôi trường bạn hy vọng được học, hiểu được "Bạn là ai?", "Tại sao bạn xứng đáng hơn người khác?", "Tại sao học bổng này nên lựa chọn bạn?" làm được điều này, bạn đã đi được gần tới đích của hy vọng.

Nhìn chung phần lớn các chương trình học bổng đều yêu cầu thủ tục, hồ sơ du hoc cơ bản như sau:
- Bằng cấp, bảng điểm (bạn nên đi đến các trung tâm dich thuật công chứng để nhờ họ dich và công chứng sang tiếng Anh).
- Chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL hoặc IETLS).
- Sơ yếu lý lịch (CV): Bạn có thể tự thiết kế thật khoa học và bắt mắt. một số chương trình học bổng du học đòi hỏi bạn làm CV theo mẫu của họ, tuy nhiên nếu bạn đã có CV tự thiết kế thì việc copy và paste sang mẫu CV của họ cũng rất nhanh.
- Tuyên bố cá nhân (Personal Statement hoặc Statement of Purpose): Đặc biệt quan trọng với những bạn có ý định xin học bổng du học Đại học và Phổ thông, vì chưa có kinh nghiệm nghiên cứu.
- Đề cương nghiên cứu (Study Plan hoặc Research Proposal): Đây là yếu tố rất quan trọng với những người xin học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ.
- Thư giới thiệu: Thường thì các chương trình học bổng yêu cầu 2 đến 3 thư giới thiệu từ những Giáo sư cũ, thầy giáo cũ, Giám đốc của bạn, người hướng dẫn tốt nghiệp... bạn nên viết trước rồi nhờ họ xem lại và ký, và có dấu nữa thì tốt.

Ngoài ra tùy từng chương trình học bổng du học mà họ có thể đòi hỏi những giấy tờ khác như giấy khai sinh, hộ khẩu... cũng phải dịch sang tiếng Anh và công chứng. Bạn nên scan bộ hộ sơ này vì rất nhiều chương trình học bổng bạn có thể nộp đơn online. Và việc nộp đơn online sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí du học không nhỏ.

Nếu là học bổng du học tại Mỹ, một bộ hồ sơ đầy đủ sẽ có: Đơn xin nhập học, bảng điểm từ lớp 9 – 12, bảng tự thuật cá nhân về điểm mạnh và điểm yếu của mình, ít nhất hai thư giới thiệu và bài luận (essays). Trong đó bài luận cần được đầu tư nhiều nhất.

Ngoài ra, hồ sơ của bạn cũng phải làm hết sức cẩn thận, tránh sai sót, phải được nhiều người đọc và cho ý kiến trước khi gởi đi. Tránh việc chỉ có bạn là người duy nhất đọc vì sai sót là điều khó tránh khỏi.

Kiếm học bổng du học dễ dàng nếu chuẩn bị tốt

Hãy chịu khó đầu tư và thật cần trọng với khâu chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học.

Theo bạn Thanhegc, sinh viên trường Đại học Tổng hợp Tokyo – trên box Du học của diễn đàn TTVNOL thì bạn có thể hình dung như thế này: Đầu tiên hồ sơ du học của bạn sẽ được gởi đến thư ký, thư ký sẽ đọc hồ sơ của bạn, loại những hồ sơ không đạt tiêu chuẩn. Sau bước này, hồ sơ của bạn có thể được gởi đến người phụ trách chuyên ngành (thường là các trợ lý cho Giáo sư) xem xét để loại bớt và gởi những hồ sơ xứng đáng cho các Giáo sư xem. Tiếp đến, các Giáo sư sẽ xem xét hồ sơ, nếu họ chấp nhận thì coi như bạn có đến 90% cơ hội rồi, sau đó hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét và ra quyết định chính thức. Nếu bạn xin học bổng thì tổ chức cấp học bổng sẽ xem xét thêm lần nữa để đưa ra kết quả cuối cùng. Với việc phải qua rất nhiều vòng xét tuyển như vậy, hồ sơ của bạn sẽ khó được chấp nhận nếu có sai sót.

Một trong những phần cứng khá quan trọng trong hồ sơ là tìm người viết thư giới thiệu cho bạn. Theo các cựu du học sinh, nếu người viết thư giới thiệu có uy tín cao là một điều may mắn, tuy nhiên quan trọng nhất đó phải là người hiểu bạn, biết bạn là ai, biết rõ năng lực của bạn như thế nào và phải là người thực sự muốn bạn có được học bổng đó.

Cuối cùng, bạn nên thường xuyên theo dõi tình trạng hồ sơ sau khi đã gởi đi, chứ không nên chỉ ngồi chờ đợi kết quả. Cũng theo bạn Thanhegc: "Tôi kể ra đây những kinh nghiệm săn học bổng du học Nhật của mình với hy vọng các bạn nhận ra được vai trò quan trọng của việc liên lạc và theo dõi hồ sơ sau khi gởi đi. Thành thật mà nói, đây là quãng thời gian khó chịu, căng thẳng và hồi hộp nhất mà tôi từng trải qua. Tôi vào check mail từng ngày, bạn có thể tưởng tượng được là ngày 16/12 tôi nộp hồ sơ (deadline là 24/12), ngày 26/1 năm sau tôi được Trường Đại học Tổng Hợp Tokyo báo là mình vào danh sách shortlist và phải hoàn thành các thủ tục tiếp theo để gởi hồ sơ làm thủ tục xin học bổng Monbusho (họ cho thời gian có 14 ngày) trong đó gồm cả làm hồ sơ, liên hệ với giáo sư... (đúng vào dịp Tết Âm lịch bên mình). Vì thế tôi phải ba chân bốn cẳng mà chạy, xin dấu cũng vào dịp Tết. Sau đó tôi lại đợi từ 16/2 đến 1/7 mới có kết quả chính thức được học bổng. Trong suốt hơn bốn tháng, ngày nào tôi cũng check mail để xem hồ sơ đến đâu rồi, thỉnh thoảng lại còn liên hệ với Giáo sư. Như vậy bạn có thể thấy, nếu tôi không check mail và liên hệ với các giáo sư vào dịp Tết đó có lẽ tôi đã bỏ lỡ cơ hội có được học bổng Monbusho".

Khôn ngoan, tinh tế trong cách tự giới thiệu

Nói về kinh nghiệm săn học bổng, tại một hội thảo du học Anh, bạn Khắc Giang, người vừa giành học bổng Erasmus Mundus của Ủy ban châu Âu, cho rằng: "Xin học bổng chính là chào bán bản thân".

Còn chị Vũ Lan Hương, cựu sinh viên Đại học Northwestern, người từng được học bổng Fullbright của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2009, chia sẻ: "Điều quan trọng là bạn phải khiến người đọc hồ sơ cảm thấy bạn là một con người thú vị và khiến họ muốn gặp bạn ở vòng phỏng vấn để biết bạn là ai". Câu chuyện có thật mà chị Lan Hương viết trong hồ sơ của mình, đó là chuyện chị đã biết viết một bài báo "tố" người bán hàng làm kem có đỉa và phát miễn phí tờ báo ấy cho các bạn. Kết quả là chỉ trong 3 ngày, cả trường đều biết tin đó. Câu chuyện ấy khiến hội đồng tuyển chọn vô cùng ấn tượng về niềm đam mê báo chí của chị khi mới chỉ là một học sinh tiểu học. Mặc dù với chị thì: "Ngày đó, mình chưa biết báo chí là cái gì đó to tát nhưng mình biết rằng báo chí là nơi để những người không có tiếng nói được lên tiếng".

 

Kiềm học bổng du học dễ dàng nếu chuẩn bị tốt

Săn học bổng du học sẽ vô cùng dễ dàng nếu bạn có sự chuẩn bị tốt.

Việc viết bài luận khi nộp hồ sơ cũng sẽ giúp bạn thể hiện bản thân rất nhiều. Mỗi chủ đề của bài luận có nhiều cách diễn đạt, có thể ngắn gọn và súc tích, nhưng thông thường các bài luận mang dấu ấn của sự sáng tạo cá nhân sẽ được đánh giá cao hơn. Có thể lồng vào đó câu chuyện của bản thân mình, người thân, quê hương, cũng có thể là kèm theo file powerpoint với các hình ảnh minh họa sống động. Tuy nhiên, trước đó thì bài luận phải đảm bảo các chính xác về chính tả câu từ, cách diễn đạt.

Với Vũ Xuân Quỳnh Hương (học bổng 36.000 USD/ năm của ĐH St.Olaf – Minesota, Mỹ) thì "Bài luận là nơi mà bản thân bạn phải dùng giấy bút, giọng văn của mình để nói cho người ở bên kia nửa vòng trái đất hiểu về con người bạn, khát vọng được học của bản thân bạn". Còn Vũ Thị Ngoc Oanh trong bài luận gởi hội đồng tuyển sinh trường Đại học Grinnell, đã kể về niềm đam mê nghiên cứu Sinh học đến với em từ nhỏ như 1 duyên nghiệp.

Tìm học bổng du học từ các trang mạng

Theo ước đoán, những thông tin về các loại học bổng trên Internet hiện đang cung ứng một nguồn tài chính trị giá hơn 1 tỉ USD. Học bổng du học có nhiều loại, như: "Finacial aid" (gói hỗ trợ tài chính không hoàn lại bao gồm học phí, học bổng bán phần), "loan" (khoản cho vay có thế chấp với lãi suất thấp), "grant" (tài trợ không hoàn lại nhưng phụ thuộc vào điều kiện tổ chức tài trợ đặt ra)... Tùy ước muốn và khả năng kinh tế mà bạn chọn lựa các trang mạng cung cấp học bổng.

Với các trang mạng quốc tế, bạn có thể tìm ở web http://www.fastweb.com . Tại đây, có hơn 600.000 học bổng trị giá 1 tỉ USD của khoảng 4.000 trường đại học của nhiều nước.

Trang http://www.smexpress.com cũng là 1 kho thông tin phong phú về du học quốc tế, với 8.000 chương trình học; 150.000 học bổng trị giá 35 triệu USD. Những thông tin về việc cho sinh viên vay tiền ưu đãi để đi học cũng được lưu trữ tại đây.

Còn trang http://www.scholarship.com cũng được đánh giá là 1 trong những trang web tiện ích nhất cho những sinh viên có nhu cầu tìm kiếm học bổng qua mạng.

Muốn tìm kiếm thông tin hữu ích về các nguồn học bổng quốc tế, học bổng du học tại Anh hay Mỹ và nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, bạn có thể truy cập địa chỉ http://www.finaid.org .

Với những người đang đi làm, muốn nâng cao trình độ có thể vào website http://www.iievn.org để xem thông tin liên quan việc cấp học bổng. Hoặc có thể xem chương trình học bổng Japan – IMF do Nhật Bản cũng quỹ tiền tệ Quốc tế tài trợ, hoặc chương trình Asia Fellowship Program từ nguồn quỹ Ford.

Một cơ sở dữ liệu phong phú khác là 2003 Colleges, College Scholarship and Financial Aid Page ở http://www.college-scholarships.com có thông tin chi tiết về chương trình học bổng du học của tất cả các trường Đại học ở Mỹ.

Học bổng du học là ước mơ của không ít bạn trẻ để hỗ trợ thêm cho quá trình học tập cũng như mở ra một cơ hội học tập ở nước ngoài. Nếu bạn đang có một hồ sơ "đẹp" thì đừng bỏ lỡ những cơ hội để đón nhận những suất học bổng vô giá cho mình.


Kênh tuyển sinh (Theo Zing)