>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm sàn đại học 2013, điểm chuẩn đại học
Ngày 2-8 trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học cho rằng: "Chương trình sách giáo khoa (SGK) dù có đổi mới đến mấy nhưng người dạy và trang thiết bị không đáp ứng được thì không có ý nghĩa gì cả”.
Hiện có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông (THPT). Vậy quan điểm của ông về ý kiến này?
Ông Lê Văn Học: Các kỳ thi ở nước mình diễn ra rất căng thẳng, người học luôn luôn ở trong trạng thái lo lắng. Trong mấy năm vừa qua, đặc biệt là năm 2007 khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó là Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào "hai không” thì kỳ thi kết quả nói chung là thấp nhưng đến nay, cảm thấy lại bình thường khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao. Quan điểm của tôi thì kỳ thi ĐH là nghiêm túc nhất, đấy là kỳ thi cạnh tranh. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là kỳ thi kiểm tra kiến thức, đến một giới hạn nào đó thì tốt nghiệp, và không có quy định tỷ lệ là bao nhiêu. Những năm qua với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu chúng ta cứ ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi mà kết quả cứ 95 - 99%, có trường 100% thì kỳ thi đó không còn ý nghĩa gì lắm. Vì vậy có thể thực hiện việc "bỏ thi” hoặc là "phân cấp”. Nếu bỏ thi ngay sẽ khiến như xem thường việc đánh giá hai năm học cuối của phổ thông. Nên có thể phân cấp cho các tỉnh, thành phố.
Hiện nay chương trình, SGK của chúng ta vẫn "vừa nặng, vừa thấp”, nghĩa là sách dày nhưng lượng kiến thức ít. Trong khi đó Bộ GD&ĐT lại cho rằng phải đến năm 2015 mới đổi mới, thưa ông?
- Việc đổi mới chương trình, Sách giáo khoa phổ thông là theo nghị quyết của Quốc hội khóa X. Trong suốt hơn 10 năm vừa qua, giờ mới có điều kiện để Quốc hội giám sát lại chương trình đó. Qua giám sát cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng chương trình sách đã lâu rồi không còn cập nhật được, quá tải, rồi không phù hợp. Và dự kiến sau năm 2015 sẽ thay đổi vì còn có thời gian để chuẩn bị.
Đương nhiên là xu hướng chung của xã hội và rất nhiều chuyên gia cho rằng: Cần phải đổi mới, nhưng chương trình SGK mới chỉ thực hiện được trong điều kiện đảm bảo đội ngũ giáo viên phù hợp để dạy được chương trình đó. Thứ hai, cũng phải đảm bảo cơ sở vật chất. Dù có chương trình SGK đổi mới đến mấy nhưng người dạy và trang thiết bị không đáp ứng được thì không có ý nghĩa gì cả.
Cần thay đổi chất lượng giáo viên
Nếu như vậy thì trước mắt chúng ta phải đổi mới ngay chất lượng giáo viên, thưa ông?
- Đúng là cần phải chuẩn bị trước nhưng chuẩn bị như thế nào thì cũng cần phải biết sơ bộ SGK đổi mới như thế nào chứ. Phải biết dạy cái gì? Tích hợp hay phân hóa? Rồi cơ cấu của chương trình phổ thông thế nào? Do vậy chỉ cập nhật những kiến thức mới của nhân loại chứ không thể cơ cấu lại toàn bộ được. Tức là phải có "đầu bài” trước thì mới thiết kế được "chương trình” để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Chứ năm nào cũng đào tạo giáo viên nhưng chương trình cứ đều đều thì năm nào cũng thế. Ôn lại cái cũ, cái mới thì bổ sung thêm. Có tiền thì bổ sung được thiết bị nhưng con người để sử dụng thiết bị thì không thể ngày một, ngày hai. Do vậy cần phải có thời gian để đào tạo giáo viên phù hợp với chương trình thay đổi của SGK.
Trong Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” vừa được Chính phủ thảo luận xác định cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học (NCKH) và công nghệ. Ông đánh giá thế nào về định hướng này?
- Ở nước ta hệ thống đào tạo sau phổ thông như trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, ĐH, thạc sỹ, tiến sĩ là do Bộ GD&ĐT quản lý. Còn trung cấp nghề và cao đẳng nghề là do Bộ LĐTB&XH quản lý. Nhưng lâu nay hai hệ thống này đang bị cát cứ. Chúng ta lại chưa có điều kiện tiếp nhận hết học sinh ra trường có việc làm ngay. Học phải đi đôi với hành nên tôi cảm giác học sinh ở các trường dạy nghề có ưu thế hơn, bởi được thực hành nhiều. Cần đẩy mạnh đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng các ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao... Còn NCKH nước mình cũng chưa phát triển nên kết quả nghiên cứu của các trường ĐH còn rất hạn chế, một phần do kinh phí. Nhiệm vụ chính của các trường ĐH là đào tạo và NCKH nhưng chủ yếu là đào tạo, vì đào tạo là có tiền, còn NCKH chẳng được bao nhiêu nên không phát triển được.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Daidoanket - Tin bài gốc