>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Rối loạn xét tuyển: trường cũng phải xem lại mình!
Phụ huynh và thí sinh theo dõi, ghi chép và tính toán để loại ảo thí sinh từng ngành nhằm biết được cơ hội của mình. Ảnh: Ngọc Tuyền.

Cháu tôi năm nay thi tổ hợp toán - lý - tiếng Anh được 20,25 điểm và muốn nộp đơn xét tuyển vào ngành luật dân sự - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Điểm chuẩn năm 2014 của ngành này là 18. Thấy điểm của mình cao hơn năm trước 2,25 điểm nên cháu muốn nộp vào. Thăm dò và nhờ tư vấn, tôi được biết là có khả năng.

Thầy có lượng được điểm thi không?

Tuy vậy, tôi chưa dám nộp hồ sơ mà theo dõi diễn biến điểm của trường. Những ngày gần cuối, điểm chuẩn tạm thời ngành này lên cao ngất trời và cuối cùng chốt ở mức 22,75, cao hơn điểm chuẩn năm 2014 đến 4,75 điểm. May mà tôi có quen biết, có hỏi dò được nên chưa nộp hồ sơ chứ không cũng đã phải chạy ngược chạy xuôi đi rút rồi. Một cán bộ tuyển sinh của trường chia sẻ: trường cũng bất ngờ, không ngờ điểm lại cao như vậy.

Trong đợt tư vấn xét tuyển do báo Tuổi Trẻ tổ chức đầu tháng 8, nhiều thí sinh hỏi về điểm thi của mình như vậy, có khả năng vào ngành A, ngành B của trường hay không. Không thầy cô nào dám trả lời chính xác điểm chuẩn vào trường mình là bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng hồ sơ, điểm thi của thí sinh.

Các thầy đều nói rằng, điểm thi năm nay cao hơn năm trước nên thí sinh cần căn cứ vào điểm chuẩn năm trước, sau đó cộng thêm từ 1 đến 2 điểm thì sẽ có cơ hội (tức là điểm thi năm nay phải cao hơn điểm chuẩn năm trước từ 1 đến 2 điểm).

Cuối cùng thì sao? Dự đoán đó phần lớn đều trật lất. Điểm chuẩn dự kiến hầu hết đều tăng từ 2 đến 5 điểm. Các thầy cô làm tuyển sinh ít thì vài năm, nhiều thì chục năm còn không dự tính được điểm thì những thí sinh, nhất là ở vùng sâu vùng xa ít thông tin, lấy căn cứ nào, tài thánh đâu mà biết chắc nhiêu điểm thì nên nộp hay chỉ cần cộng thêm 1, 2 điểm?

Thêm một điểm nữa, nhiều trường đưa ra mức sàn nhận hồ sơ 15. Nhiều thí sinh thấy điểm thi của mình cao hơn điểm sàn nhận hồ sơ và quan trọng hơn, điểm thi đó cao hơn điểm chuẩn năm trước của trường từ 1, 2 điểm, họ vẫn có quyền hy vọng chứ?

Thực tế họ đã tự lượng sức mình rồi. Như tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), kiếm đâu ra thí sinh 15 điểm nộp vào trường, phần lớn là 20 điểm trở lên. Điều đó cho thấy rằng không ít thí sinh đã biết tự lượng sức mình rồi đấy, không thì còn loạn nữa chứ không chỉ như vừa qua đâu.

Những năm trước, kỳ thi ĐH được tổ chức riêng, Trường ĐH Y dược TP.HCM hay Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có những thí sinh dưới 10 điểm. Đó là những thí sinh không biết lượng sức, đôi khi nghĩ rằng thi ĐH lớn rớt cho oai.

Trong khi đó, phần lớn đã lượng sức khi đăng ký vào những ngành, những trường phù hợp với khả năng của mình.Ai rớt là do không cạnh tranh được với thí sinh cùng trong ngành đó có điểm cao hơn. Thí sinh khả năng thấp hơn đăng ký dự thi vào những ngành điểm thấp hơn và vẫn trúng tuyển đúng ngành mình thích.

Năm nay thì sao? Có một điều trớ trêu khi cho thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng. Điều này giúp cho thí sinh điểm cao không rớt ĐH chứ không phải giúp đa số thí sinh chọn nghề đúng. Thí sinh A biết thân biết phận, 19 điểm nên đăng ký vào ngành thấp nhất trường. Như mọi năm thí sinh này đậu. Năm nay những thí sinh rớt nguyện vọng 1, 2 (ngành điểm cao chót vót) có đăng ký nguyện vọng 3, 4 (chưa hẳn là ngành họ thích) vào ngành của thí sinh A. Chính những thí sinh rớt nguyện vọng 1, 2 kia đã không lượng sức từ đầu, đăng ký vào những ngành cao và bị rớt. Thí sinh đó được đẩy vào ngành của thí sinh A làm thí sinh này bị văng ra ngoài ngành mình đăng ký. Chính những thí sinh không biết lượng sức ngay từ đầu này đã đẩy những thí sinh biết lượng sức ra ngoài “vòng chiến đấu”.

Đừng đỗ vấy hết cho thí sinh

Ngoài 2 điểm nói trên, một vấn đề nữa mà không ít người cho rằng thí sinh không biết lượng sức, cá nhân tôi thấy điều này không thỏa đáng. Có thể có trường hợp thí sinh chưa lượng sức mình, nộp vào các trường điểm cao nhưng không phải tất cả.

Như đã nói ở trên, cụ thể là cháu tôi đã tự lượng sức mình rồi. Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rằng, sự hỗn loạn và nháo nhào cực khổ đó nguyên nhân chính và chủ yếu do Bộ GD-ĐT và các trường chứ không phải do thí sinh như lời thầy Đỗ Văn Dũng nói.

Mỗi thí sinh được đăng ký đến 4 nguyện vọng, tức ảo gấp 4 lần. Đã biết ảo như thế nhưng các trường vẫn cứ nhởn nhơ để ảo như vậy, thậm chí trường cũng không biết thí sinh ảo ở mỗi ngành là bao nhiêu, không thống kê loại ảo. Trường nắm toàn bộ dữ liệu trong tay mà còn “mù” như thế thì thí sinh lấy thông tin ở đâu ra mà loại ảo, biết được khả năng của mình tới đâu?

Tôi thấy có nhiều trường thống kê loại ảo từ sớm, đưa ra điểm chuẩn tạm thời sớm nên thí sinh và phụ huynh sớm biết khả năng của mình nên rút hồ sơ, không dồn vào những ngày cuối gây nên tình trạng hỗn loạn.

Trường có dám từ chối?

Xin hỏi, khoảng 15 ngày đầu, khi hồ sơ xét tuyển chưa đủ chỉ tiêu, giả dụ điểm sàn của trường là 18, thí sinh đạt 20 điểm đến nộp hồ sơ, trường có tư vấn thí sinh nên nộp vào trường khác thấp điểm hơn hay không? Trường có tư vấn cho thí sinh rằng trường đưa ra điểm sàn vậy nhưng sẽ lấy điểm chuẩn trên 20 không hay vẫn cứ nhận hồ sơ? Hoàn toàn không.

Các trường cũng chăm chăm lo cho cái chỉ tiêu của mình trước, mong càng nhiều thí sinh điểm cao nộp vào, điểm chuẩn vào trường tăng lên cho danh giá?

Các trường có biết nhiều thí sinh và phụ huynh tự in danh sách thí sinh nộp hồ sơ vào ngành của mình rồi ngồi đếm thủ công, loại ảo ở các nguyện vọng hay không dù việc đếm thủ công đó nhiều khi không chính xác.

Đó là chưa kể có thí sinh điểm cao nhưng do ảo lớn, một ngành cả ngàn hồ sơ nộp vào đủ các loại nguyện vọng trong đó khiến cho thí sinh thấy rằng mình đã văng ra khỏi ngưỡng an toàn, vậy là họ rút hồ sơ trong khi nếu loại ảo, họ vẫn an toàn. Chẳng lẻ họ không muốn đậu ĐH sao?

Những ngày gần cuối, nhiều trường mới bắt đầu loại ảo, công bố điểm chuẩn tạm thời. Con em quý vị không đạt ngưỡng điểm chuẩn này trong khi chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ, các vị có chạy đôn chạy đáo không nay chỉ ngồi yên đó chờ rớt ĐH?

Ngày cuối cùng, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chỉ cần tăng lên 0,25 điểm đã có hàng trăm thí sinh bị loại khỏi cuộc đua. Cả trăm phụ huynh và thí sinh chầu chực ở trường để xem biến động điểm thi thế nào để còn xử lý kịp thời. Nếu không tới trường, khi bị loại làm sao rút và nộp sang trường khác? Điểm giữ nguyên, hạnh phúc vỡ òa, điểm tăng lên - nhiều người khóc vì hạnh phúc như báo Tuổi Trẻ đăng nhưng bao nhiêu người khác khóc đau đớn.

Một kỳ xét tuyển quá sức mệt mỏi cho phụ huynh và thí sinh, kể cả các trường. Có thể trường tuyển được thí sinh điểm cao bị dạt từ những trường cao hơn nhưng chưa chắc họ thực sự thiết tha với ngồi trường mà họ nộp vào sau này.

Những hình ảnh mệt mỏi, những lo toan miệt mài ấy diễn ra từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược chứ chẳng phải chỉ tập trung vào một vài trường. Nếu các trường làm tốt việc loại ảo và cho chuyển đổi nguyện vọng trực tuyến thì liệu thí sinh và phụ huynh có phải hoang mang lo lắng, đùm túm đến trường chầu chực, nháo nhào chạy từ trường này qua trường kia hay không?

Như vậy, các trường cũng cần phải xem lại mình đã góp phần gì đề ổn định tâm lý phụ huynh cũng như của kỳ xét tuyển hay lại là nguyên nhân chính gây nên sự rối loạn này?

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/roi-loan-xet-tuyen-truong-cung-phai-xem-lai-minh/956415.html