Chuyên gia Tâm lý Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM chia sẻ cách khơi gợi sự sáng tạo ở trẻ nhỏ.
Ở phương Tây, thời gian các em tương tác với thiên nhiên được xem là nhân tố quan trọng để phát triển óc sáng tạo. Nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em ở các thành phố lớn, lại chưa được bố mẹ tạo điều kiện cho tiếp xúc nhiều với không gian bên ngoài. Trẻ thường xuyên gắn chặt với các thiết bị công nghệ (trong đó có smartphone) và tivi.
Kết quả nghiên cứu "Đánh giá mối liên hệ giữa các hoạt động ngoài thiên nhiên và các tác động tâm lý tích cực" do các giáo sư tâm lý học tại trường đại học Kansas (Mỹ) thực hiện vào năm 2012 cho thấy, các nhóm người được nghiên cứu đều đạt điểm sáng tạo cao hơn 50% so với lúc đầu, sau 4 ngày vui chơi, khám phá trong rừng.
Lợi ích khi cho trẻ tương tác với thiên nhiên
Nguyên liệu sống, kiến thức của bé sẽ dần dồi dào hơn. Bé sẽ dung nạp thông tin phù hợp vào não bộ và có xu hướng diễn đạt lại theo góc nhìn mới mẻ của mình, không phụ thuộc vào người lớn hay sách văn mẫu. Do đó, nếu xa rời thiên nhiên, trẻ gặp nhiều bất lợi trong việc tự tổng hợp, tư duy.
Khi có khả năng sáng tạo, trẻ linh hoạt trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ học tập nói riêng và các vấn đề khác trong cuộc sống nói chung khi mai này rời xa vòng tay bố mẹ và bước ra thế giới bên ngoài.
Sự sáng tạo cũng mang đến cho trẻ cảm giác hạnh phúc, vui vẻ và hình thành những cách nghĩ mới mẻ thoát khỏi sự rập khuôn. Điều này góp phần lý giải vì sao nhiều trẻ em phương Tây chưa chắc có điểm số ở trường tốt bằng trẻ em Việt Nam ở cấp một. Tuy nhiên, lên đến bậc đại học và bước ra đời, chúng càng lúc càng gặt hái nhiều thành công.
Lứa tuổi nào nên khơi gợi sự sáng tạo ở trẻ
Mầm non và cấp một là lứa tuổi mẹ nên quan tâm để kích hoạt sức sáng tạo cho con. Ở tuổi này, trẻ tràn ngập xúc cảm, sự tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, có khả năng liên tưởng mạnh… Vì vậy, phụ huynh đừng chờ bé lớn thêm chút nữa mới gieo mầm sáng tạo.
Nhiều mẹ khi nghĩ tiếp xúc thiên nhiên thì hình dung cần cho trẻ về quê, ra vườn, đi biển… Thực tế thiên nhiên ở đây gần gũi hơn. Ngay trẻ em thành thị vẫn có thể có buổi sáng cuối tuần tung tăng chạy nhảy ngoài công viên, đến với các sự kiện tổ chức dành riêng cho trẻ.
Ngay tại nhà, mẹ cũng dễ tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên. Ví dụ mẹ có thể cho trẻ cùng chuẩn bị một bữa cơm gia đình, cho con gọt thử một củ cà rốt, bóc vỏ quả trứng gà luộc xong, cho trồng giá đỗ trong chậu cây, phơi quần áo với mẹ ngoài ban công để hiểu vì sao nắng và gió làm khô quần áo…
Dành thời gian chơi cùng con, mang đến cho con cơ hội tiếp xúc không gian bên ngoài mọi lúc mọi nơi, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi đầy ngộ nghĩnh của trẻ hoặc khuyến khích trẻ tìm hiểu, mẹ sẽ trao cho con món quà vô giá. Đó chính là sức sáng tạo được kích hoạt trong quá trình tiếp xúc với thiên nhiên.
Theo VnExpress