Ở Quảng Ngãi hiện vẫn chưa tuyển đủ giáo viên các cấp. Do vậy, tỉnh này đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép bố trí giáo viên có thể dạy 2 trường trên cùng một địa bàn.
Quảng Ngãi thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn tiếng Anh và tin học
Giải quyết bài toán thiếu, thừa cục bộ
Thực ra, H.Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đã từng triển khai cho giáo viên (GV) dạy hai trường trong một địa phương. Theo Phòng GD-ĐT H.Tư Nghĩa, cách làm này xuất phát từ việc thiếu GV cục bộ ở một số bộ môn, trường.
Năm học 2019 - 2020, H.Tư Nghĩa đã điều nhiều GV dạy cùng lúc hai trường. Điển hình như Trường THCS Nghĩa Phương: thừa GV dạy môn mỹ thuật nhưng lại thiếu tới hai GV môn lịch sử và một GV tin học. Dù trường này có bố trí GV dạy liên môn như văn - sử, sử - giáo dục công dân nhưng trường có 16 lớp học nên GV không thể đảm đương được tất cả.
Trước tình trạng trên, Phòng GD-ĐT H.Tư Nghĩa bố trí một GV dạy lịch sử và một GV tin học từ Trường THCS Nghĩa Lâm và Trường THCS Nghĩa Thuận về tăng cường cho Trường THCS Nghĩa Phương.
Theo cô Bùi Thị Thuật, GV dạy môn lịch sử Trường THCS Nghĩa Lâm, dù đi xa 70 km nhưng vì khó khăn chung của ngành nên vui vẻ chấp nhận sự điều động của Phòng GD-ĐT H.Tư Nghĩa, để hoàn thành tốt công việc ở 2 trường. Còn cô Huỳnh Thị Tường Vy, GV tin học của Trường THCS Nghĩa Thuận, cho rằng về tăng cường trường thứ hai cũng gặp nhiều khó khăn, GV phải bắt đầu lại từ đầu, làm quen với học sinh mới, phải mất nhiều thời gian để theo dõi học sinh mà truyền đạt kiến thức phù hợp…
Ngày 11.3, ông Trương Quang Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Tư Nghĩa, xác nhận: “Năm học 2018 - 2019, Phòng đã tham mưu cho UBND H.Tư Nghĩa thực hiện thí điểm điều động một GV dạy hai trường. Trong học kỳ 1 của năm học 2019 - 2020, do thiếu GV nên đơn vị phải điều động 17 GV dạy hai trường. Khi hết thời gian điều động, GV về lại trường được biên chế để công tác.
Theo ông Dũng, năm học 2020 - 2021, do GV không còn thiếu cục bộ như năm học trước nên không điều động GV dạy hai trường nữa. “Trường hợp các năm học tiếp theo nếu thiếu GV, chúng tôi cũng sẽ điều động như vậy. Cách làm này giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ các bộ môn và các trường học”, ông Dũng nói.
Không phải là giải pháp căn cơ
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết qua rà soát cả tỉnh, tính đến cả năm học 2022 - 2023, địa phương này thiếu nhiều GV, nhất là GV tiểu học dạy Anh văn và tin học. Cả tỉnh có 354 GV tiếng Anh tiểu học, hiện thiếu 146 người, số đang hợp đồng là 30 người. Môn tin học cấp tiểu học, cả tỉnh có 168 GV, còn thiếu 107 người, hợp đồng là 18 người.
Lý do thiếu GV là do hai kỳ tuyển chọn GV các năm vừa qua đều bị dịch Covid-19 nên các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi phải hoãn lại. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cho biết khi thực thi luật Giáo dục, GV dạy tiểu học phải có trình độ đại học, nên nhiều địa phương có số hồ sơ nộp vào thi tuyển còn ít hơn cả số lượng tuyển dụng.
Trước thực trạng thiếu GV, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi cho Bộ GD-ĐT nói rõ về việc này. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng sẽ tuyển dụng GV Anh văn và tin học cho năm học 2022 - 2023 sắp đến. Trường hợp tuyển nhưng vẫn thiếu, tỉnh sẽ ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm còn thiếu; chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã bố trí một GV dạy ở hai trường trên cùng địa bàn có địa lý không xa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, việc bố trí một GV dạy hai trường có rất nhiều khó khăn liên quan đến sức khỏe, chuyên môn... cho GV. Vì vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết bài toán thiếu GV, còn về lâu dài thì đây không phải là giải pháp căn cơ. “Với GV được phân công dạy hai trường thì phải là hai trường ở lân cận và GV dạy không đủ tiết theo quy định nếu dạy ở một trường”, ông Thái nói.
> Hà Nội: Sách giáo khoa được lựa chọn như thế nào?
> ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật mở ký túc xá miễn phí cho nữ sinh viên khó khăn
Theo Thanh Niên