Khi mọi người tìm thấy được “tiếng nói bên trong” của họ, họ có thể đạt tới những cống hiến rất độc đáo, rất riêng biệt mà không ai giống ai cả. Khi con người sử dụng được “năng lực tối ưu” này của bản thân, họ có thể vươn tới những thành công lớn, có thể hoàn thành một cách xuất sắc nhất!
Chỉ khi chúng ta thực sự tin tưởng vào chính mình, chúng ta mới có thể chia sẻ những điều “độc đáo, những điều vẫn còn nằm trong bóng tối mà nhiều người đã vô tình bỏ qua”.
Quản lý tâm trí: Tiếng nói bên trong
Đó là, hãy đối diện và sống với hiện tại, khi bạn đã quen với ý niệm “ngay lúc này”, bạn sẽ bắt đầu càng lúc càng tập trung hơn vào giá trị chân thực cùng sự phù hợp (hoàn cảnh) của chính công việc mà bạn đang thực hiện... rồi dần dần bạn sẽ bớt ý tưởng lo lắng cho kết quả công việc nào đó trong tương lai...
Để học cách quản lý tâm trí, thì phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để hiểu về chính mình và từ đó có được hành động phù hợp hoàn cảnh, bởi không thể nhờ ai khác.
Quan sát, dõi theo tâm trí của mình
“Dõi theo” khác với “theo dõi”, quan sát một cách ung dung để nhận biết tâm trí đang như thể nào chứ không rình rập, không bình luận, không phê phán, không khuyến khích mà cũng không ngăn cản nó. Để dễ hình dung việc quan sát tâm trí của mình, bạn hãy ghi ra giấy tất cả ý tưởng (và cảm xúc) của mình trong 5 phút, sau đó đọc lại rồi đốt bỏ bởi nó có thể là khá ngớ ngẩn và bạn cũng đừng kinh sợ nếu như nó là những điều kinh khủng… - Cách này sẽ giúp bạn làm quen với việc tự nhận biết tâm trí là như thế nào. Nhưng cái khó lúc mới thực hành là thường dễ bị tràn ngập bởi những ý tưởng này nọ, nên người ta thường dùng cách “dõi theo” hơi thở để luyện tập.
Bắt đầu bằng tập thở
* Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. (Hiện nay, phương pháp đơn giản không tốn kém này ngày càng được phổ biến ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới đễ phòng và chữa stress, căn nguyên các bệnh không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gout…)
Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất. Đó là Thở - Thở bụng. Trước hết là nhận biết về cái hơi thở đang vào đang ra kia! Lợi ích bất ngờ là sự dõi theo này giúp ta cắt đứt dòng nghĩ tưởng, cảm xúc linh tinh, gom thân tâm ta về một mối là hơi thở của chính mình, ở đây và bây giờ, dứt bặt những âu lo phiền muộn. Thần kinh của ta trong cùng một lúc không thể nghĩ đến hai việc. Đã nghĩ việc này thì quên việc kia. Khi ta dõi theo hơi thở, tập trung quan sát nó, thì ta đã hòa giải nhẹ nhàng những nghĩ tưởng khác. Nói khác đi, nó làm ta được “thảnh thơi”, nó giải stress, nghĩa là mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc.
Hàng ngày, chúng ta dõi theo hơi thở hoặc ung dung quan sát tâm trí của mình để trải nghiệm, khám phá ra những gì đang xảy ra bên trong ta. Ở một mức độ sâu xa hơn, người ta thấy rằng tâm và thân gắn kết nhau qua các cảm xúc.
Nếu không nhận biết cảm xúc tức thì của tâm trí (ngay lúc phát sinh), thì ta chỉ đối phó với nó trên lý thuyết. Bạn có thể nói, “Sân hận là không tốt”, hay “Tham là không tốt”, “Sợ hãi là không tốt…” và bạn tiếp tục lại sẽ sợ hãi, lại nóng giận… cứ như thế, chẳng có gì thay đổi cả. Nhưng quản lý được tâm trí, nhận biết ngay được cảm xúc đang có, bạn sẵn sàng cho hành động phù hợp đúng với hoàn cảnh thay vì là phản ứng “không kiểm soát” theo cảm xúc căng thẳng.
Bạn có thể quan sát tâm trí bất kỳ lúc nào và ở đâu… đi đứng nằm ngồi gì cũng có thể được. Có rất nhiều phương pháp để bạn chọn lựa cách nào là phù hợp nhất cho bạn. Nó là phương thuốc đơn giản giúp điều trị các “bệnh căn” hùng hục, lăng xăng, căng thẳng… của đời sống bận rộn; để biết ngồi yên, biết thở vào, thở ra thật sâu, thật tỉnh thức và biết mỉm cười cám ơn cuộc sống. - Và bạn chỉ có thể khám phá ra điều này bằng sự thực hành, tự mình thực hiện mà thôi!
Theo Tri thức trẻ