Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh
Tin liên quan:
Hiện nay tại các quận: Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) vẫn còn nhiều trường mầm non có đến 40 trẻ/nhóm lớp, trong khi quy định của Bộ GD-ĐT chỉ 15-25 trẻ/nhóm lớp. Ở bậc tiểu học, các quận: Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình vẫn còn 35/57 trường có sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường học không theo kịp nhà cao tầng
Trường tiểu học Nam Thành Công ở P.Láng Hạ, Q.Đống Đa có tới 62 lớp, sĩ số trung bình là 54,5 học sinh/lớp. Riêng khối lớp 1 năm học này hầu hết các lớp đều có sĩ số từ 60-62 học sinh/lớp. Tính bình quân chỉ 2,66m2/học sinh, trong khi quy định tối thiểu là 6m2/học sinh. Bà Hà Thị Lê Nhung, phó chủ tịch UBND Q.Đống Đa, cho biết P.Láng Hạ có hai khu chung cư 27 tầng. Ngoài ra còn có từ 5-7 dự án chung cư cao tầng sắp triển khai trên địa bàn phường. Dân chuyển về phường đông thì số lượng học sinh sẽ tăng đột biến nhưng trường thì không thể nới được.
Hình minh hoạ, chủ đề giảm tải giáo dục
Theo bà Nhung, P.Láng Hạ cần có thêm một trường tiểu học quy mô 30 lớp nữa với diện tích khoảng 5.000m2. Láng Hạ là phường có số trẻ trong độ tuổi mầm non đông nhất Q.Đống Đa nhưng hiện nay chỉ có một trường mầm non công lập.
Ở P.Kim Liên, Q.Đống Đa, sau khi khu chung cư cao tầng mới thay thế khu tập thể cũ, sĩ số học sinh đúng tuyến vào tất cả các trường học trên địa bàn đều tăng đột biến. Một lãnh đạo ngành GD-ĐT Q.Đống Đa cho rằng khi các khu nhà cao tầng mọc lên trong khu dân cư cũ thì việc gia tăng dân số khó lường và trường học không thể ngay lập tức tiếp nhận hết học sinh.
Tại Q.Cầu Giấy, theo bà Vân Khanh - phó chủ tịch quận, Trường tiểu học Dịch Vọng A với sĩ số khoảng 60 học sinh/lớp nhưng hiện nay đang xây nhà cao tầng Indochina Plaza. Dự kiến khi khu nhà này có dân về ở, sẽ phải có thêm một trường tiểu học tại đây nữa mới có chỗ học cho các em.
Nhận định về việc trường học không theo kịp nhà cao tầng, bà Vân Khanh nói: “Việc đầu tư cho trường học không được coi trọng đúng mức. Phần lớn chủ đầu tư chỉ chú tâm vào các công trình hái ra tiền mà ngó lơ những cam kết dành cho giáo dục khi bắt đầu lập đề án quy hoạch. Nhiều công trình quy hoạch cả trường học và nhà ở, văn phòng nhưng khu nhà ở, văn phòng đã đi vào hoạt động 5-7 năm mà trường học đến giờ vẫn không thấy đâu!”.
Có thể gặp cảnh bất cập như trên ở nhiều nơi khác tại các quận nội thành Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy...khi những dự án xây cao ốc được phê duyệt và mọc lên như nấm.
Cấp thiết giải quyết nạn quá tải
Trong cuộc họp giao ban mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội khẩn thiết kêu gọi các quận nỗ lực để “mỗi phường có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS” nhằm giải quyết việc “trắng” trường công. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều lãnh đạo các quận, giải quyết chuyện quá tải ở các trường hiện hữu còn cấp thiết hơn việc giải quyết phường “trắng” trường.
Có nghịch cảnh xảy ra ở ngay trong một quận, ví dụ Q.Ba Đình, có những nơi học sinh hai phường dồn lại một trường vẫn thênh thang, nhưng có phường có tới hai trường/cấp học vẫn không chứa nổi số học sinh đúng tuyến. Ông Nguyễn Phong Cầm, phó chủ tịch UBND Q.Ba Đình, cho biết P.Thành Công A có tới hai trường mầm non công lập nhưng vẫn xảy ra chuyện phụ huynh “xếp hàng trắng đêm” để đăng ký chỗ học cho con do số dân cư ở phường tăng quá nhanh trong những năm gần đây. Hiện phường có 2,7 vạn dân, với gần 2.500 trẻ ở độ tuổi mầm non, mà trường thì không nới được. Trường mầm non Thành Công A chỉ thiết kế cho 250 học sinh, giờ đã nhận tới 1.000 học sinh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu...
Tương tự, ở P.Vĩnh Phúc (Ba Đình) có hơn 1,8 vạn dân nhưng chỉ có một trường mầm non Sao Mai quy mô 500 học sinh, P.Vạn Phúc hơn 2,1 vạn dân nhưng chỉ có một trường mầm non quy mô khiêm tốn 290 học sinh...
Tại Q.Cầu Giấy, bà Vân Khanh cho biết có tám phường nhưng có đến 25 vạn dân, trung bình 3 vạn dân/phường. Để đáp ứng nhu cầu học của người dân, các phường của Q.Cầu Giấy không thể chỉ có một trường công lập/cấp học, thế nhưng hiện tại còn có những phường chưa có đủ số trường theo quy định tối thiểu áp dụng đối với mức 1 vạn dân/phường.
Kênh Tuyển Sinh ( Tuổi trẻ)