Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Phải đào tạo người thầy, làm cho đội ngũ giáo viên thay đổi căn bản nhận thức về cách dạy học, nhận thức về mục tiêu giáo dục, phương pháp dạy học là vấn đề tiên quyết của đổi mới.

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm đổi mới nền giáo dục được cho là “chắp vá” hiện nay. Là người theo sát đề án này, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh đề án lần này có tư tưởng rất mới, đổi mới hoàn toàn từ một nền giáo dục chữ nghĩa và ứng thí sang nền giáo dục thực học và thực nghiệm.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Thưa GS, nội dung đổi mới được đưa ra trong đề án lần này rất toàn diện. Tuy nhiên, theo ông, chúng ta nên bắt đầu đổi mới từ đâu?

+ Đây là một câu hỏi rất trúng. Trong bất kỳ sự nghiệp đổi mới nào, việc trước tiên cần làm là xác định bắt đầu từ đâu.

Có người nói bắt đầu từ chương trình, sách giáo khoa (SGK). Tôi nghĩ điều này chưa đúng vì bao năm nay, kể từ thời phong kiến đến giờ, chương trình, sách vở ở nước ta không phải chương trình tiên tiến mà vẫn đào tạo được những người tài cao, đức trọng. Ví dụ chương trình Nho học thời xưa không đào tạo về toán nhưng Trạng nguyên Lương Thế Vinh vẫn viết cuốn Toán pháp đại thành với tư duy toán học xuất sắc, trong sách trình bày một số phép đo đạc, tính toán không khác gì toán học phương Tây lúc bấy giờ.

đổi mới phương pháp dạy học

Đổi mới phương pháp dạy học mới là điều quan trọng nhất để chấn hưng nền giáo dục.

Hiện nay cả xã hội dồn mắt vào chương trình, SGK phổ thông. Điều đó có ý nghĩa nhất định nhưng chưa trúng. Nhất là nếu chúng ta chỉ loay hoay sang sửa chương trình, SGK bậc học này mà coi nhẹ đổi mới giáo dục đại học và dạy nghề như trong cả bốn lần cải cách và đổi mới giáo dục từ sau cách mạng đến nay.

Có người nói phải đổi mới về quản lý. Tôi cho rằng đây là ý kiến xác đáng vì quản lý là khâu quan trọng. Nhưng có lẽ nó cũng không phải là khâu quan trọng nhất để thay đổi giáo dục.

Quan trọng nhất là người thầy. Và vì vậy, phải đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, làm cho đội ngũ giáo viên thay đổi căn bản nhận thức về mục tiêu, phương thức giáo dục, phương pháp dạy học. Giáo dục thời gian qua đổi mới chưa thành công là vì chưa chú trọng công tác này.

**Đổi mới giáo dục, cần cơ chể đặc thù cho giáo viên

GS có thể phân tích sâu hơn về vấn đề này?

+ Theo quan sát của tôi, chương trình phổ thông năm 2002 đã đề ra nhiều tư tưởng tiến bộ, như áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động, phát huy tính tích cực của học trò, chấm dứt phương pháp thuyết giảng một chiều. Nhưng những tư tưởng mới đó không vào được nhà trường. Có phần do hạn chế về cơ sở vật chất (lớp chật, học sinh đông) nhưng nguyên nhân lớn nhất là giáo viên vẫn chưa nhận thức được đúng mục tiêu giáo dục, sứ mạng của giáo dục và con đường đổi mới giáo dục. Tôi chỉ nói một ví dụ: Môn ngữ văn cấm dạy văn mẫu nhưng giáo viên vẫn dạy theo lối mòn, có thể vì chưa nhận thức được tác hại của văn mẫu nhưng chủ yếu là vì dạy như vậy nhàn hơn.

Mặt khác, trong cả mấy lần cải cách và đổi mới giáo dục, trường sư phạm của ta bao giờ cũng đi sau, đổi mới chương trình phổ thông chán rồi mới chạy theo. Đặc biệt, phương pháp dạy học cho sinh viên sư phạm rất cũ, giáo trình cũng cũ. Thêm vào đó, hoạt động đào tạo ở trường sư phạm tách rời thực tế dạy học ở trường phổ thông. Việc bồi dưỡng giáo viên đương chức tuy có làm nhưng làm chưa đạt yêu cầu. Bởi vậy, những tư tưởng mới của chương trình không phát huy được tác dụng.

Từ bây giờ, chúng ta nên nghĩ tới phương án thay đổi căn bản cách dạy ở trường sư phạm, đặc biệt là làm sao gắn trường sư phạm với trường phổ thông, ít nhất là như gắn trường y với bệnh viện: Sinh viên được đào tạo ở trường nửa thời gian, còn nửa thời gian thì thực tập ở trường phổ thông.

Phát huy tối đa năng lực cá nhân

Chúng ta sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc chín năm, bảo đảm sau chín năm học sinh sẽ có những tri thức nền tảng. Theo ông, tri thức nền tảng mà chúng ta trang bị là những gì?

+ Giáo dục phổ thông của chúng ta đang làm thay công việc của đại học. Có nghĩa là chúng ta đang đào tạo nhân lực chứ không phải trang bị tri thức. Chương trình của chúng ta đang dồn từ các khối cao hơn xuống, đại học dồn xuống THPT, THPT lại dồn xuống THCS. Tôi cho rằng kiến thức phổ thông cao siêu quá.

***Đổi mới giáo dục: Thiếu nguồn lực, thiếu động lực

Theo tôi, chương trình phổ thông nên dừng ở mức nền tảng, có tính chất phổ cập mọi người phải biết. Đó là những kiến thức cơ bản cần phải biết để sống, để làm việc.

Tiểu học cần nhất biết đọc, biết viết, biết phương pháp học hợp lý, biết cách sinh hoạt tập thể trong nhà trường. Có kiến thức sơ khai, khả năng tư duy ban đầu để nhận thức ban đầu về thế giới tự nhiên. Ở THCS học sinh phải biết khai thác tài liệu, phục vụ cho việc học của mình. Về mặt kiến thức, học sinh phải có được những phân tích ban đầu, hiểu được cái hay, cái đẹp của nó về một vấn đề đưa ra. Kết thúc THCS, học sinh sẽ được phân hóa, hoặc là đi học nghề, hoặc là học tiếp lên THPT để thi ĐH-CĐ.

Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục mà học sinh sau khi ra trường sẽ làm được cái gì sau khi học chứ không phải học được cái gì. Ông có thể hình dung xem con người của 12 năm khác gì với con người chúng ta đang đào tạo?

+ Tôi nghĩ chắc chắn đó phải là những con người hoàn toàn khác, những con người có cá tính, có năng lực thực thụ và được phát huy tối đa khả năng của mình. Như tôi đã nói, chúng ta đang đào tạo giáo dục theo cách hàng loạt, vì vậy sản phẩm của giáo dục do chúng ta tạo ra không phát huy được cá tính, tiềm năng của mỗi cá nhân.

Chín giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục

Sáng 29-10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết Đề án Đổi mới giáo dục đã đề ra chiến lược thay đổi cho từng cấp, bậc học một cách cụ thể, rõ ràng. Để thực hiện được những quan điểm và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đề án đề ra chín nhiệm vụ, giải pháp mấu chốt.

Từ lâu nay, việc học hành và thi cử luôn được người dân gắn với các kỳ thi. Tư duy coi trọng bằng cấp đã tồn tại khá lâu trong tiềm thức của người dân. Vì vậy, thay đổi lại tư duy và từ bỏ những thói quen cũ trong nhân dân về giáo dục là cả một hành trình thử thách.

Bên cạnh nhiệm vụ trên thì trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng đến đổi mới thi cử, đánh giá chất lượng học tập sao cho chất lượng, đảm bảo các kỳ thi nghiêm túc, công bằng và khách quan.

Ngoài ra, mỗi cán bộ quản lý giáo dục cần chú trọng tới nhiệm vụ chuyển từ giáo dục chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Để thực hiện có hiệu quả đề án, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ cấu trúc lại các trường sư phạm sao cho phù hợp với mô hình mới của các trường học.

Theo tác giả Huy Hà, phapluattp