>> Giáo dục, tuyển sinh, đào tạo, tuyển sinh đại học
Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện đang được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 8. Nếu đề án được thông qua, Giáo dục Việt Nam sẽ có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới.
Trong đề án, triết lý giáo dục đã được xác định lại theo hướng: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học, từ mục tiêu đào tạo lấy số lượng sang chú trọng nhiều về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Với triết lý giáo dục đó, toàn bộ phương thức, mô hình đào tạo, cấu trúc chương trình, sách giáo khoa, công tác kiểm tra đánh giá, công tác quản lý giáo dục sẽ thay đổi.
Đối với bậc học phổ thông, đề án nêu rõ: chương trình cần giảm tính hàn lâm, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Mô hình trường phổ thông Việt Nam cũng sẽ hoàn toàn đổi mới: lấy mốc lớp 9 để phân hóa. Học sinh sẽ được đào tạo các kiến thức cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 để các em có thể học lên tiếp hoặc nếu không thì chuyển qua học nghề, hoặc lao động giản đơn. Từ lớp 10 đến lớp 12, các học sinh có mong muốn học cao hơn như Đại học chẳng hạn, sẽ chỉ học một số môn bắt buộc, còn lại là các môn tự chọn theo nhu cầu. Công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng sẽ thay đổi.
GS Hoàng Tụy, một chuyên gia tâm huyết trong ngành giáo dục đánh giá, Đề án lần này là nghiêm túc và có chất lượng. Ông cho rằng, việc đổi mới mô hình trường phổ thông và đổi mới việc kiểm tra, thi cử sẽ tạo ra bước chuyển lớn. GS Hoàng Tụy cũng cho rằng, để đề án có thể thành công thì việc đổi mới chính sách cho giáo viên rất quan trọng.
Theo Kim Hải, VTV