Nhiều khoản thu trái quy định khiến phụ huynh bức xúc
Bất chấp các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở GD&ĐT về các khoản thu đầu năm học 2012-2013, nhiều trường học ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều khoản thu trái quy định đối với học sinh. Vấn đề đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cũng như phụ huynh học sinh.
Nợ nần...vì vay tiền cho con đi học
Với thu nhập quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cuộc sống bấp bênh nhưng gia đình anh Dương Văn Công và chị Phạm Thị Ánh Ly (thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng để nuôi 3 người con ăn học. Cứ vào mỗi năm học, gia đình anh chị phải chạy vạy vay mượn tiền anh em, hàng xóm để đóng tiền học cho 3 người con. Anh Dương Văn Công kể, có năm để gom góp đủ số tiền học cho các con, gia đình anh chị phải bán hết số thóc mùa làm được trong nhà. Để có cái ăn và trang trải hằng ngày, anh chị phải đi làm thêm bất cứ việc gì người ta thuê mướn. Anh Công cho biết: “Đầu năm học này, gia đình phải vay mượn gần 4 triệu đồng để đóng tiền cho 3 đứa con. Ngoài các khoản đóng đầu năm học, trong suốt thời gian qua gia đình còn đóng thêm nhiều khoản “lai rai” khác” mà vợ chồng tôi cũng không nắm được đó là những khoản gì. Cứ nghe cháu đi học về báo lại là vợ chồng tìm cách xoay xở tiền để đóng kịp thời cho con”. Thấy bố mẹ vất vả, đứa con trai đầu của anh chị là Dương Văn Đức đã quyết định bỏ học giữa chừng khi đang học lớp 11 (Trường THPT Lương Thúc Kỳ), để đi làm thêm phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học.
Bức xúc về các khoản thu khó hiểu đầu năm học này mà gia đình vừa đóng cho các con, anh Dương Văn Công cho chúng tôi xem các biên lai thu tiền mà nhà trường không ghi rõ nội dung thu khoản gì, đặc biệt các biên lai thu không ghi đơn vị thu và người trực tiếp thu tiền của học sinh. Anh Công bức xúc: “Năm nào gia đình cũng đóng khoản thu tu sửa cơ sở vật chất mà con tôi vẫn ngồi học bàn ghế cũ kỹ đó, phòng học thì không thấy tu sửa gì. Năm học trước mức đóng mà nhà trường đưa ra là 100 ngàn đồng, nhưng sang năm học này tăng lên 150 ngàn đồng”.
Cũng như gia đình anh Dương Văn Công, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến và chị Dương Thị Vận (khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) cũng chật vật không kém khi phải nuôi 3 đứa con ăn học. Anh Tiến cho biết, đầu năm học này gia đình phải đóng tiền học cho các con gần 8 triệu đồng. Là gia đình cận nghèo, anh đi làm bảo vệ cho một đơn vị, còn chị Vận tất bật chạy chợ từng ngày trang trải cuộc sống nghèo khó.
Anh Dương Văn Công (thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bức xúc với nhiều khoản thu “khó hiểu” mà gia đình phải đóng trong thời gian qua
Trường biết sai...vẫn làm
Khi đến làm việc với các trường học trên địa bàn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), lãnh đạo các trường đều cho biết rằng, ngay từ đầu năm học trường đã nhận được công văn của UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và công văn hướng dẫn về các khoản thu, chi đầu năm học của Sở GD&ĐT. Đồng thời, phòng GD&ĐT huyện cũng đã họp bàn, thông báo và chỉ đạo về vấn đề này. Tuy nhiên, các trường vẫn tự ý đề ra nhiều khoản thu trái với quy định và sự chỉ đạo từ cấp trên.
Đối với ở bậc học Mần non, ngoài các khoản thu học phí, bảo hiểm tự nguyện theo quy định, đa số các trường còn thu thêm các khoản như: tiền bán trú, tiền thu theo thỏa thuận (tiền chăm sóc, tiền ăn, tiền học thứ 7, điện, nước), tiền thu phục vụ học sinh (đồ dung học tập, vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học). Đặc biệt, có nhiều khoản thu “trái khoáy”, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh như: tiền mua sắm sửa chữa nhỏ, tiền hồ sơ, quỹ trường chuẩn, hỗ trợ dạy và học.
Cô Trần Thị Cận, Hiệu trưởng Trường MN Đại Hiệp cho biết, các khoản thu nhà trường đều thực hiện theo quy định và được sự thống nhất của ban đại diện hội cha mẹ học sinh với chính quyền địa phương xã. Tuy nhiên, theo thông báo các khoản thu đầu năm của trường thì có khoản thu “sửa chữa nhỏ trong trường” đối với học sinh đang học ở cụm Tích Phú và Đông Phú có mức thu là 150 ngàn đồng, học sinh ở cụm Phú Bắc phải đóng 100 ngàn đồng.
Cũng như trường MN Đại Hiệp, nhiều trường MN khác trên địa bàn triển khai thu tiền học sinh nhằm “mua sắm sửa chữa trường học” như: MN Đại Sơn (thu 100.000 đồng), MN Đại Lãnh (165.000đ), MN Đại Hồng (350.000đ), MN Đại Đồng (100.000đ), MN Đại Quang (200.000đ), MN Đại Minh (300.000đ), MN Đại Thắng (150.000đ), MN Đại Thạnh (100.000đ), MN Đại Chánh (150.000đ). Riêng Trường MN Đại Tân có thêm hai khoản thu “lạ lùng” khác nữa là tiền hỗ trợ dạy và học (65.000 đồng) và tiền quỹ trường chuẩn (120.000 đồng).
Trao đổi với lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Đại Lộc về các khoản thu này, ông Huỳnh Ngọc Ánh khẳng định đây là khoản thu trái với quy định, không có trong nội dung các khoản thu đầu năm của ngành và chính quyền chỉ đạo.
Ở cấp Tiểu học, thì hầu hết 25 trường đều triển khai thu khoản “phục vụ học sinh” mà đa phần phụ huynh học sinh khi đóng tiền không hiểu nhà trường dùng phục vụ học sinh như thế nào? Một điều băn khoăn nữa là, mức thu này có sự chênh lệch nhau khá lớn giữa các trường từ 4.000 đồng đến cao nhất là 216.000 đồng. Trong đó, một số trường có mức thu cao như: Trường TH Nam Trân (123.000 đ), TH Hồ Phước Hậu (136.000đ), TH Trần Đình Tri (148.000đ), TH Hứa Tạo (152.000đ), TH Nguyễn Văn Bổng (188.000đ), TH Đoàn Nghiên (161.000đ), TH Nguyễn Ngọc Bình (216.000đ).
Cô Phan Thị Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Ngọc Bình cho hay, do tình hình bàn ghế học sinh xuống cấp lâu năm nên đầu năm học này nhà trường đã đóng mới 100 bộ bàn ghế (mỗi bộ có trị giá 1 triệu đồng). 50% số tiền dùng chi trả cho 100 bộ bàn ghế này sẽ được thu từ phụ huynh học sinh.
Theo đó, có 12 trường tổ chức thu tiền sửa chữa nhỏ và xây dựng thư viện với mức thu cao từ 15.000 đồng đến 180.000 đồng. Đặc biệt, điều gây bức xúc hơn nữa khi phụ huynh học sinh (gồm 8 trường: TH Nguyễn Văn Bổng, TH Trần Phước, TH Nam Trân, TH Hồ Phước Hậu, TH Lê Thị Xuyến, TH Nguyễn Thái Húy, TH Nguyễn Thị Bảy, TH Trần Đình Tri) phải đóng thêm khoản tiền “quỹ trường chuẩn” với mức rất cao từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Tình hình cũng xẩy ra tương tự ở cấp THCS, đồng loạt các trường trên địa bàn huyện tổ chức thu các khoản trái với văn bản quy định và hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT. Ngoài khoản thu thỏa thuận khác, 13/17 trường triển khai thu thêm khoản tiền “phục vụ cơ sở vật chất” và 11/17 trường thu khoản tiền “phục vụ học sinh”. Các khoản này đều có mức thu cao và chênh lệch nhau khá lớn giữa các trường.
Một vấn đề khác nữa là việc thu “quỹ đoàn, đội” đã quy định mức thu chung nhưng hầu hết các trường ở các cấp học đều thu ở nhiều mức khác nhau, không theo quy định. Bên cạnh đó, các khoản “quỹ đại diện cha mẹ học sinh”, “tiền điện, nước” mỗi trường tự ý thu “mỗi kiểu”. Tình trạng này càng làm người dân bức xúc, phụ huynh học sinh tỏ ra băn khoan vì không hiểu được vấn đề và cách thu, chi của nhà trường.
Ông Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, các khoản thu theo thỏa thuận phải được sự nhất trí và đồng thuận của phụ huynh học sinh thì nhà trường mới được thu. Nhà trường phải công khai với cha mẹ học sinh để thống nhất mục đích thu, chi và sau khi thực hiện phải được quyết toán đảm bảo tính dân chủ, công khai theo quy định.
Nói về mức thu của “quỹ đại diện cha mẹ học sinh”, ông Huỳnh Ngọc Ánh khẳng định, các trường chỉ nên thu khoảng 50.000 đồng là vừa đủ. Hiện nay, có nhiều trường học triển khai thu ở mức quá cao. Trong thời gian tới, phòng GD&ĐT sẽ trực tiếp xuống làm việc với các trường có mức thu cao và kiên quyết xử lý nếu phát hiện việc các trường tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
Ông Huỳnh Ngọc Ánh cho biết thêm, về các khoản thu trái với quy định mà các trường trên địa bàn tổ chức thu của phụ huynh, học sinh, Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Tài chính tiến hành kiểm tra, nắm bắt và kiên quyết xử lý, chấn chính kịp thời những trường hợp sai phạm. Nhằm trả lại môi trường lành mạnh cho giáo dục địa phương và giải quyết nỗi bức xúc, trăn trở cho phụ hunh học sinh.
Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là địa phương có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế khó khăn lại thường xuyên hứng chịu các đợt mưa lũ, thiên tai tàn phá. Trong khi đó, đa phần người dân làm nông, thu nhập bấp bênh nên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, người dân vùng quê nghèo khó này luôn mong muốn cho con em mình sẽ được đi “học đến nơi, đến chốn” để tương lai bớt lam lũ. Vì vậy, việc một một số trường học đã tự ý đề ra nhiều khoản thu trái với quy định gây bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm lý của người dân, cần được chính quyền và các cơ quan chức năng, ban, ngành địa phương nhanh chóng tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kênh Tuyển Sinh
Theo: báo Giáo dục Thời đại