"Con tôi 5 năm liền là học sinh giỏi. Sao lên lớp 6 lại xuống còn học sinh khá vậy cô? Để họp về, tui phải đánh cho nó một trận mới được" - trích lời của một phụ huynh.
Phụ huynh đừng áp lực cho con phải đạt học sinh giỏi
Rất nhiều phụ huynh lớp 6 đã thốt lên như vậy khi biết kết quả học tập học kỳ 1 của con. Trong câu nói có chứa sự thất vọng và cả giận dữ. Đối với họ, việc con đạt loại khá là việc không thể nào chấp nhận được. Bởi trước đây, khi con còn học tiểu học, họ đã quen con mình là học sinh giỏi.
Không chấp nhận kết quả của con, nhiều phụ huynh quay sang đổ lỗi cho giáo viên đã không tận tình dạy dỗ. Trút sự tức giận lên con trẻ bằng những đòn roi và lời lẽ nặng nề. Sau cùng là nháo nhào cho con đi học thêm.
Điều đó có nghĩa là rất nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến thành tích học tập của con mà quên mất con đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ tiểu học lên THCS. Chương trình học thay đổi. Cách học thay đổi. Con phải học cách làm quen. Có trẻ rất nhanh có thể theo kịp “guồng quay” nhưng cũng có trẻ sẽ “lỡ nhịp”.
Hơn nữa, ở tiểu học cách kiểm tra, đánh giá không giống THCS nên học giỏi ở tiểu học chưa hẳn đã học giỏi ở THCS.
Vậy nên, dù biết rằng ba mẹ nào cũng mong con học giỏi và sẽ thật buồn, thật khó để quen với việc con không đạt kết quả như mình hằng mong, nhưng những phản ứng gay gắt, cách xử lý nặng về đe nẹt, đòn roi của nhiều phụ huynh khi nhận kết quả của con là không nên. Bởi lẽ đổ lỗi không giải quyết được vấn đề. Và đòn roi chỉ càng làm con thêm áp lực. Lời mắng nhiếc càng làm con thêm tự ti, mất niềm tin vào bản thân. Từ đó con càng sợ học, sợ thi và sợ cả kết quả sau mỗi kỳ thi.
Muốn con tốt hơn, phụ huynh nên thay đổi cách nghĩ. Quên đi những “hào quang” con từng có ở tiểu học. Học cách chấp nhận kết quả của con ngay thời điểm hiện tại.
Xin hãy nhớ rằng con đang bắt đầu một hành trình mới và khi không đạt kết quả như mong muốn có thể con đang hoang mang, lo lắng, khổ sở. Con đang cần có sự đồng cảm, thấu hiểu và đồng hành của bố mẹ chứ không phải là những lời trách móc, những đòn roi.
Xin hãy trao đổi, thảo luận với giáo viên xem con đang ở mức độ nào. Con đang gặp khó khăn, vướng mắc ở đâu. Từ đó, tìm giải pháp giúp đỡ con thay vì trách cứ, đổ lỗi cho giáo viên.
Có như vậy, cha mẹ mới mong con tiến bộ từng ngày. Và mỗi ngày đến trường của con không nặng nề, áp lực.
> Trang bị cho bé kiến thức về giáo dục giới tính, bảo vệ bản thân khi còn từ 3-5 tuổi
> Người lớn tranh luận, trẻ nói gì về sách Công nghệ giáo dục?
Theo Thanh Niên