Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh
Lĩnh vực khoa học cơ bản ngày càng ít sinh viên thì ngành kinh tế ngày càng phình ra so với nhu cầu thực tế", Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận định.
Đề nghị giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành kinh tế năm 2014
Trong chuyến thăm Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nêu nhiều trăn trở đối với ngành giáo dục.
Là nhà giáo ưu tú, từng 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, Phó chủ tịch nước yêu cầu các thầy cô giáo và người làm quản lý giáo dục cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng giáo dục, nhất là trong việc định hướng học sinh. Bà Doan cho rằng khi học sinh bước vào cấp 3 thì các giáo viên ngoài dạy về chuyên môn còn cần gần gũi và định hướng cho các em về nghề nghiệp sau này. Giáo viên phải đánh giá được năng lực, khả năng của từng em để giúp chọn được trường, ngành phù hợp thay vì để các em chạy theo "ngành hot", để rồi ra trường thất nghiệp...
Phó chủ tịch nước đề nghị giảm chỉ tiêu ngành kinh tế 2014
Theo Phó chủ tịch nước, chương trình dạy học cũng phải được xây dựng trên tiêu chí vừa học vừa chơi, đừng để "đè nặng" các em, nhất là ở học sinh thành phố. "Đừng biến học sinh thành những con mọt sách chỉ học để thi", bà nhắc nhở.
Phó chủ tịch nước cho rằng các ngành thuộc khối kinh tế, nhất là ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán đang đào tạo quá nhiều sinh viên trong khi các ngành về khoa học cơ bản như Ngôn ngữ, Lịch sử, Xã hội học... đang thiếu vắng người học. Những năm gần đây các ngành thuộc khối kinh tế đang phải cắt giảm nhân sự, sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều. Bà Doan cho rằng trong kỳ tuyển sinh sắp tới cần cắt giảm chỉ tiêu của những ngành này.
**Tỉ lệ chọi các trường khối Kinh tế vẫn "căng"
Chú trọng đào tạo đạo đức học sinh
Một vấn đề khác được Phó chủ tịch nước quan tâm đó là giáo dục đạo đức cho học sinh. Bà Doan nhận định có một bộ phận học sinh không nhỏ đang suy đồi đạo đức nghiêm trọng khi ăn chơi đua đòi, đánh nhau, bất hiếu... Thế nhưng vấn đề giáo dục đạo đức lại bị xem nhẹ trong trường học. Việc giáo dục đạo đức thông qua môn Giáo dục công dân, mỗi tuần chỉ có một tiết. Cách bố trí, giảng dạy môn này ở các trường cũng khô khan, nghèo nàn. Đa số học sinh không thích học. Bất cập nữa theo bà là ở nhiều trường chính giáo viên không thích dạy Giáo dục công dân vì không thể dạy thêm để tăng thu nhập. Học sinh lại lười học nên trường phải luân chuyển thầy cô các môn khác dạy cho... đủ.
Phó chủ tịch nước nhấn mạnh, cần lồng ghép dạy đạo đức cho các em trong tất cả các môn học chứ không chỉ dừng lại ở môn Giáo dục công dân. Cần phải tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tham quan, cách dạy phải sinh động, thực tế hơn. "Phải dạy các em bằng những tình huống rất thật, đời thường chứ không phải là những câu chuyện cao xa, khó hiểu", bà nhận xét.
Trước những lời dặn dò của Phó chủ tịch nước, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM đã hứa sẽ cố gắng thực hiện tốt, chỉ đạo ngành giáo dục của TP HCM đi đúng hướng và ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như học tập.
Theo tác giả Nguyễn Loan, Vnexpress