Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012 DIEM THI DAI HOC TI LE CHOI

Hầu như các trường ĐH quốc tế như Anh, Úc, Canada đều xử lý sinh viên theo 3 giai đoạn: nhắc nhở - cảnh cáo – gửi thư về gia đình chứ không tính lãi hoặc "phạt" 100 USD của sinh viên chỉ vì đóng chậm học phí.

Xung quanh vụ việc Trường đại học FPT đưa sinh viên nộp trễ học phí vào diện tự ý nghỉ học và bắt nộp 100 USD để được học tiếp, cộng đồng mạng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, một số thì ủng hộ cách làm của trường, nhưng đa số tỏ ra bức xúc. Những người phản đối cho rằng, Trường FPT quy định như vậy là thiếu tính nhân văn, việc thu tiền của sinh viên như thế hơn cả vay nặng lãi.

Để có cái nhìn khách quan hơn, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Anh Tuấn – Tổng thư ký Hội Marketing Việt Nam, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nguyễn Trãi.

-    Là người học và nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài, Tiến sĩ thấy ở các trường ĐH quốc tế có đưa ra quy định nộp phạt nếu sinh viên đóng học phí chậm?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Hơn 20 năm ở nhiều nước khác nhau như Anh, Canada, Úc... tôi chưa hề thấy trường nào phạt tiền khi sinh viên vi phạm và cũng không trường nào tính lãi cả.

-    Vậy họ quy định xử lý thế nào, thưa ông?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Mỗi trường có luật quy định rõ ràng về đóng học phí được in trên tờ ghi danh khi sinh viên vào trường quy định phải đóng tiền đúng hạn. Nếu sai hẹn đóng tiền thì họ cắt visa tức là sinh viên đó buộc phải về nước. Trên thực tế, trường xử lý theo ba giai đoạn: nhắc nhở, gửi thư về gia đình nói về tình trạng của sinh viên và cuối cùng nếu không có phản hồi từ gia đình thì nhà trường sẽ thông báo với bộ di trú để cắt visa của sinh viên đó. Tôi nghĩ đây là quy trình hợp lý.

-    Còn Trường ĐH Nguyễn Trãi, nơi Tiến sĩ đang giảng dạy thì xử lý như thế nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Trường cũng xử lý theo 3 bước: đầu tiên sẽ gửi thư nhắc nhở, giáo viên gọi điện về gia đình, thông báo gia đình phải gửi thư đảm bảo cho trường (không quá 10 ngày từ ngày nhận được thông báo). Nếu nhà trường không nhận được thư đảm bảo như đã thông báo thì sẽ có quyết định đình chỉ học sinh viên đó.

- Đại diện truyền thông của ĐH FPT cho hay, sinh viên đóng học phí trễ không cần biết vì lý do gì, đều bị liệt vào diện tự ý nghỉ học và phải nộp 100 USD mới được học tiếp. Quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này thế nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Là do người quản lý chưa có kinh nghiệm. Chắc chắn đến 90% lãnh đạo Trường ĐH FPT phải thay đổi quy định này vì nó không hợp lý. Môi trường giáo dục là để giáo dục chứ không phải là hình phạt. Nhà trường nhắc nhở, giáo dục rồi cuối cùng mới là đình chỉ. Và tôi cũng nhấn mạnh rằng: Môi trường giáo dục là không tính lãi.

-    Ông đánh giá như thế nào về ý kiến: “Càng phạt nặng thì tính nghiêm trị càng cao, tính răn đe và hiệu quả quản lý càng cao?”

TS. Hoàng Anh Tuấn: Nhà nước quy định học sinh, sinh viên phải đóng học phí, nhưng không có quy định thu phạt của sinh viên nếu nộp chậm học phí. Mục đích của môi trường giáo dục không phải là đưa ra hình phạt răn đe. Hơn thế nữa, học phí của trường đó cao hơn 5 - 7 lần so với trường khác, không dễ để sinh viên xoay xở được và không phải sinh viên nào cũng có điều kiện mới học trường đó. Tôi cho rằng, hình phạt đó quá nặng, nếu có thì 100 – 200 nghìn đồng là hợp lý.

-    Nhiều người cho rằng, không nên đặt ra mức phạt ấy vì nó thiếu tính nhân văn và nó mang tính thương mại quá nhiều vì đây là môi trường giáo dục. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Tôi không nói mức phạt thiếu tính nhân văn. Tôi nghĩ mức phạt này nặng, đối với sinh viên và chưa hợp lý. Tôi đánh cược rằng, người đưa ra quy định này không có kinh nghiệm, không có tâm lý giáo dục. Đến 90% họ phải thay đổi, tôi sẽ sẵn sàng trả cho người đưa ra quy định này ở Trường ĐH FPT 10 triệu đồng nếu họ dũng cảm không thay đổi. Tôi đã từng hợp tác với phía bên Trường ĐH FPT, tôi biết lãnh đạo bên đó là những người tốt, nên chắc chắn họ phải sửa.

Có nhiều gia đình hoàn cảnh như bố mẹ vỡ nợ, sinh viên phải đi bán trà đá. Mình là người làm giáo dục, nên cần phải có tính nhân văn. Như bản thân tôi, đầu tiên là nhắc nhở, gửi thư về gia đình, nếu họ có đơn hoãn hoặc nhận được phản hồi từ gia đình thì mình sẽ xem xét, chứ đừng để cho họ trở thành thất học. Chưa kể, việc sử dụng tiền đô trong giao dịch giáo dục là đã vi phạm rồi.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!


Tin liên quan đến xét tuyển:

 

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: Báo Giáo Dục)