Tin tưởng vào kinh nghiệm
Khi thực hiện một kế hoạch hay quyết định một vấn đề gì đó nhưng bạn không cần suy nghĩ, tìm giải pháp tốt nhất mà cho rằng những việc đó mình đã làm cả trăm lần rồi, không có gì phải suy nghĩ, đắn đo khi quyết định. Chính sự chủ quan, quá tin tưởng vào kinh nghiệm đó vô tình giết chết tư duy sáng tạo của bạn. Vì thế, nếu bạn muốn làm một việc gì hay quyết định vấn đề gì đó dù rất quen thuộc cũng đừng vội vàng, tin tưởng vào những kinh nghiệm có sẵn mà hãy đặt ra những câu hỏi cho vấn đề và thử tìm cách giải quyết khác xem thế nào?
Chấp nhận sự sẵn có
Đó là bạn đang đi theo một lối mòn đã được nhiều người đi trước đó hoặc chính bạn là người cũng đã nhiều lần đi trên con đường đó. Bạn không muốn sáng tạo ra một con đường mới vì nhiều lý do khác nhau, hơn nữa sự có sẵn lúc nào cũng mang lại cảm giác an toàn cho dù nó có cũ đến mức nào. Nếu bạn là người có tư tưởng chấp nhận sự có sẵn như vậy, hãy nhanh chóng thay đổi, nếu không đó sẽ là rào cản rất lớn đối với việc tư duy sáng tạo của bạn sau này.
Tự mãn và chủ quan với kiến thức
Bạn cho rằng mình có thừa kiến thức về kinh nghiệm sống, công việc, xã hội… và tự mãn với những điều đó, tự cho mình cái quyền không cần phải học hỏi thêm ở bất kỳ đâu, bất kỳ người nào. Đó là suy nghĩ sai lầm, kiến thức mênh mông không bao giờ bạn có thể học hết được, nếu bạn là người thật sự muốn học hỏi, có tư duy sáng tạo bạn sẽ luôn nhìn thấy được cái hay, cái mới, cái mình còn thiếu ở khắp mọi nơi.
Theo đuôi
Bạn ngại tư duy, mà chỉ thích làm theo người khác, chỉ bám theo đuôi của những ý tưởng có sẵn trước đó của người khác mà không muốn động não, tư duy ra những sáng kiến mới cho công việc cũng như trong cuộc sống. Bạn luôn giải quyết mọi việc theo hướng mà người khác đã làm, điều đó thật tệ hại nếu không may bạn gặp phải một vấn đề khó mà không có bất kỳ cái đuôi nào để bạn bám vào.
Sợ thất bại
Sợ thất bại cũng là nguyên nhân chính gây cản trở tư duy sáng tạo của bạn. Những cách nghĩ mới, cách làm mới thường phải đối mặt với nhiều rủi ro và sự thất bại cao. Vì thế, nhiều người chọn cách an toàn là cứ theo kinh nghiệm sẵn có mà làm. Chính suy nghĩ như vậy sẽ biến bạn trở thành kẻ lười biếng, nhát gan, không dám khám phá, thử những cái mới, dần dần sẽ làm thui chột sự tư suy sáng tạo của chính mình.
Không có tầm nhìn
Nếu bạn là người có tầm nhìn, bạn sẽ biết cách vạch ra cho mình những kế hoạch dài hạn và có hướng giải quyết cho kế hoạch đó, đó cũng là động lực để bạn tư duy sáng tạo. Nhưng đối với những người không có tầm nhìn, cứ làm theo kiểu “nước tới đâu bắc cầu tới đó” thì sẽ khó được sự sáng tạo trong công việc.
Không muốn chấp nhận những ý tưởng khác thường
Sáng tạo nghĩa là bạn phải có những suy nghĩ khác về những việc quen thuộc, hoặc hướng giải quyết công việc không giống ai. Tuy nhiên, không phải ai cũng dám thử sức với những ý tưởng khác thường đó. Việc không muốn chấp nhận những ý tưởng khác thường đồng nghĩa với việc bạn đang tự ngăn cản khả năng tư duy sáng tạo của bản thân.
Sợ bị chê cười
Những người có sáng tạo là những người hay có những ý tưởng không giống ai và ít được sự chấp thuận của mọi người xung quanh. Bởi những ý tưởng bạn nêu ra sẽ bị cho ra ngớ ngẩn, điên rồ, không có thật… Chính vì tâm lý sợ bị người khác chê cười nên nhiều ý tưởng chỉ được dừng lại ở suy nghĩ và không giám nói ra, lâu dần nó khiến bạn trở nên tự ti với chính những ý tưởng, sáng tạo của mình, không muốn nghĩ đến những ý tưởng được cho là điên rồ đó nữa.
Không dám vượt ra ngoài những quy tắc
Những người có tư duy sáng tạo là những người dám vượt qua những quy tắc, chuẩn mực có sẵn trước đó. Còn những người chỉ dám thu mình lại trong cái vỏ ốc chỉ để đảm bảo an toàn cho mình sẽ không thể có những ý tưởng hay, khác lạ, không dám đột phá vượt ra ngoài những quy tắc. Những người đó sẽ khó có được những ý tưởng hay, hướng giải quyết công việc khác cho dù họ có thể đã nghĩ đến nó.
Hãy một lần dám vượt qua chính mình, vượt qua nỗi sợ bị cười nhạo, bỏ qua những lối mòn cũ kĩ để đi sang một con đường mới theo ý của bạn. Có thể bạn sẽ phải nhận lấy sự thất bại vì ý tưởng điên rồ của mình, nhưng đó lại là động lực để bạn rèn luyện cho mình kỹ năng tư duy sáng tạo. Đừng sợ thất bại, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Theo careerlink.vn