Sự kiện: DU HỌC MỸ
Rào cản về ngôn ngữ, sốc văn hóa hay cám dỗ từ những việc làm thêm có mức lương cao... là những yếu tố làm các du học sinh bị sao nhãng việc học.
Với phần đông sinh viên Việt Nam, ngoại ngữ là một trong những vấn đề lớn nhất khi đi du học. Hoàng Ngọc Thanh Thảo, sinh viên năm nhất khoa kinh doanh (Diploma of Business) tại ĐH James Cook, Brisbane, Australia cho biết, khi còn ở Việt Nam đã học 2 năm tại trường quốc tế, em vẫn gặp khó khăn về ngôn ngữ khi đến Australia.
Du học Mỹ
"Khi giao tiếp với người bản xứ, tôi vẫn không hiểu họ nói những gì, nhất là những người lớn tuổi. Hơn nữa, có những từ dùng trong đời sống hằng ngày, rất hiếm khi thấy trong sách vở nên nghe lần đầu sẽ không biết là gì", Thanh Thảo chia sẻ.
Nữ sinh này đưa ra ví dụ từ "top up" là nạp tiền điện thoại, xe buýt. Hay từ "dine in" là dùng cho việc "ăn tại chỗ", mà người Việt ít khi sử dụng như từ "take away" là "mang đi"... Để giải quyết khó khăn, Thảo chọn cách nghe radio thường xuyên, lân la làm quen với mọi người xung quanh, trao đổi, trò chuyện càng nhiều càng tốt.
Bạn Phạm Quang Dũng, sinh viên năm nhất chuyên ngành Marketing ĐH James Cook có cùng ý kiến. Dũng cho rằng, những khó khăn mà bạn gặp khi sang xứ sở chuột túi đều do hạn chế về khả năng tiếng Anh. "Sinh viên Việt Nam thường thích ở chung với nhau, làm cho các bạn chậm tiến bộ về ngoại ngữ".
Quốc Duy, nghiên cứu sinh ngành quản ký giáo dục tại ĐH Queensland, Australia lý giải, chính rào cản về ngoại ngữ khiến người Việt bị hạn chế khả năng hòa nhập với cộng đồng bản xứ và sinh viên quốc tế. Anh kể, có bạn do không thể hòa nhập với xung quanh đã trở nên trầm cảm.
Thói quen sinh hoạt là vấn đề không nhỏ đối với du học sinh Việt Nam. Khi còn ở trong nước, các bạn quen với việc bước ra đường là có xe hoặc có người chở, nhưng khi sang nước ngoài, phương tiện chủ yếu là xe buýt và đi bộ. Điều này khiến các bạn phải mất thời gian dài mới làm quen được.
"Việc phải đi bộ quá nhiều hay khó khăn trong việc bắt xe buýt khiến em từng cảm thấy rất đuối và nản. Ngay cả khi đã thích nghi rồi cũng không thể di chuyển nhanh nhẹn như người bản xứ", nữ sinh Thanh Thảo chia sẻ.
Thảo cũng lưu ý thói quen không có lợi của một số sinh viên Việt Nam là ngại ngùng, không biết cũng không dám hỏi, bởi như thế người bản xứ không biết và không thể giúp đỡ.
"Một số bạn còn giữ thói quen ở trong nước là giúp người. Nhưng sang Australia, đó là điều không nên vì văn hóa và pháp luật của họ rất khác. Ví dụ khi nhìn thấy một bé gái bị té giữa đường mà không thấy bố mẹ của chúng, theo phản xạ, bạn sẽ đi tới và đỡ em bé đứng lên. Nhưng điều đó sẽ làm hại chúng ta, vì phụ huynh của em bé đó có thể kiện bạn làm té em bé", Thảo nói.
Các du học sinh cũng rút được kinh nghiệm, nếu đã quyết định du học thì cần chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết. Đơn giản nhất là việc nấu ăn, vì điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Thứ hai là phải rèn luyện tính tự lập. Khi sống một mình ở nước lạ, mỗi người luôn sẵn sàng ở tư thế chủ động, nhanh nhẹn ứng biến mọi hoàn cảnh.
Sau khi đã thích nghi được với môi trường mới, đa phần du học sinh đều đối mặt với trở ngại về tài chính. Lúc này, công việc làm thêm để trang trải tiền học, chi phí sinh hoạt trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bạn.
Du học sinh có thể kiếm được trung bình 15 đến 30 đôla Australia/giờ, số tiền khá cao so với thu nhập ở Việt Nam. Đây là những công việc phổ thông như phục vụ nhà hàng, tiệm cà phê, phụ giúp việc trong nông trại... và thường dễ xin được. Thậm chí, một số bạn đi làm thêm vượt số giờ quy định của Chính phủ Australia dành cho sinh viên. Sa đà vào việc kiếm tiền mà buông lơi việc học làm không ít sinh viên không theo kịp khóa học, đành phải bỏ nửa chừng.
"Có bạn đi làm thêm không phải vì thiếu tiền học mà vì muốn có thật nhiều tiền để mang về Việt Nam sinh sống", anh Hùng nghiên cứu sinh tại ĐH Sunshine Coats cho biết. "Thay vì dành nhiều thời gian đi làm thêm, các bạn sinh viên nên tập trung nhiều hơn cho việc học để có kết quả cao và lấy học bổng của nhà trường. Điều đó có lợi hơn vì được cả kiến thức lẫn kinh phí trang trải cho sinh hoạt", anh nói.
Một số trường hợp, du học sinh đã lập gia đình thì thêm gánh nặng về trách nhiệm. Chị Hoa, giảng viên ĐH Ngân hàng TP HCM chia tay con gái mới 2 tuổi để theo học bằng tiến sĩ. Dù được mọi người trong gia đình động viên ủng hộ, mối lo lắng về chồng con thường xuyên chi phối chị.
"Ngày chuẩn bị lên đường, con bé không buông mẹ ra nửa bước. Phải đợi đến lúc cháu đi ngủ, tôi mới trốn đi được. Nghĩ cũng thương con nhưng đâu dễ gì có cơ hội được du học bằng học bổng của Nhà nước. Đến khi sang Australia rồi, tôi lại cứ trăn trở, nhớ con và lo không biết gia đình có chăm sóc tốt cho bé hay không", chị chia sẻ.
Trường hợp của anh Lê Tấn Phùng là cán bộ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, anh du học ngành Y tế cộng đồng khi đã 50 tuổi. Anh cho biết, quyết định đi học cũng khiến anh mất thời gian suy nghĩ khá lâu bởi ở độ tuổi này, anh biết sẽ rất khó để hòa nhập vào môi trường mới. "Trong khi ở nhà còn cả một gia đình lớn mình phải có trách nhiệm", anh nói.
>> Trường quốc tế, Trường đại học quốc tế
Đăng ký nhận thêm thông tin trường quốc tế qua email tại ô bên dưới
Kênh Tuyển Sinh