Văn hóa giao tiếp nơi công sở: Cái duyên cần gìn giữ
Nói về văn hoá giao tiếp công sở thì rất dài. Ở đây, tôi xin nêu một vài ví dụ thực tế hay xảy ra trong giao tiếp nơi công sở bị thiếu “cái duyên” mà tôi thấy được hiện nay.
- Ví dụ thứ nhất, trong phòng làm việc của tôi không đông người, thường khá yên tĩnh. Nhiều hôm, đúng lúc tôi cảm thấy rất hứng thú với công việc, ngồi nghiêm túc suy nghĩ, viết lách ý tưởng của mình, thì một bạn đồng nghiệp ở phòng khác vào gặp một bạn của phòng tôi. Từ đó, bầu không khí trong phòng sôi động hẳn lên, vì họ nói chuyện rất to, cười đùa rất tự nhiên, thoải mái, có vẻ như họ không nhận ra sự có mặt những người khác, chỉ có họ với nhau ở trong phòng. Và điều đó không phải chỉ diễn ra một lần, những lúc như vậy, chắn rằng ai ở địa vị của tôi cũng khó hài lòng, do đó, đã có lần tôi lên tiếng nhắc nhở. Nhưng điều “đáng quý” ở họ là sự “vô tư”, không để bụng nên điều đó vẫn được lặp lại. Có thể trong số chúng ta, ai cũng đã từng vấp phải lỗi đó vì sơ ý. Qua đây, rất mong chúng ta nên phát huy khả năng quan sát, nhạy cảm, để đừng sơ ý nhiều lần, làm mất “cái duyên” trong kỹ năng giao tiếp đáng quý.
- Ví dụ thứ hai, có nhiều lần, tôi đang ngồi nói chuyện với một bạn đồng nghiệp ở phòng tôi hoặc ở phòng khác thì có một người thứ ba bước vào (chắc chắn họ muốn được gặp một trong hai người). Vì vậy, sau khi bước vào phòng, họ bắt chuyện ngay với người họ muốn gặp một cách tự nhiên (tất nhiên, nếu câu chuyện không bí mật) như không có người kia, mà không có một biểu hiện ái ngại (có lời đề nghị, xin lỗi) cắt ngang câu chuyện, hoặc có nhã ý chờ đợi đề được tiếp chuyện. Trong trường hợp đó, một trong hai người kia phải nhường lời, hoặc phải tự rút lui. Điều đó cũng làm cho chúng ta suy nghĩ về “cái duyên” giao tiếp phải không???
- Chỉ xin nêu thêm một ví dụ nữa thôi. Đó là hiện tượng nói chuyện điện thoại về việc riêng trong giờ làm việc, trong phòng làm việc. Hiện nay, hầu như mọi người đều có điện thoại di động, điều đó làm cho việc giao tiếp của chúng ta thuận lợi hơn trước đây nhiều. Nhưng mặt khác, cũng có những cái bất tiện. Đó là khi bạn phải nghe hơi dài những điều riêng tư của người khác mà mình không quan tâm, không mong muốn và bị chi phối sự tập trung trong công việc. Liệu chúng ta có thể tập kiềm chế cái mong muốn chia sẻ, tâm sự về những việc riêng tư trong giờ làm việc công, hoặc nếu không thể “hãm lại cái sung sướng” đó thì cũng nên tìm nơi phù hợp, với giọng nói phù hợp để giữ “cái duyên” giao tiếp nơi công sở???
5 sai lầm phổ biến khi giao tiếp trong công việc cần chú ý
Ngoài những ví dụ thực tế ở trên, nhiều bạn sẽ mắc phải một trong 5 sai lầm trong giao tiếp ở công sở sau đây. Đây là những lỗi có thể cản trở hiệu suất trong công việc của bạn.
1. Không giao tiếp với đồng nghiệp
Công ty là nơi bạn đến để làm việc nhưng không có nghĩa lúc nào bạn cũng ôm khư khư đống tài liệu hay ngồi dán mắt vào màn hình máy vi tính. Đôi khi bạn cũng nên dành thời gian để nói chuyện, thảo luận với các đồng nghiệp và tham gia các hoạt động tập thể. Xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở chính là một trong những bí quyết giao tiếp hiệu quả giúp bạn thành công với công việc hiện tại và cả tương lai của mình.
2. Ngồi lê đôi mách
Đây là sai lầm phổ biến của rất nhiều nhân viên công sở, đặc biệt là các với nhân viên nữ. Những người này thường tụ tập, soi mói, nói xấu sếp và các đồng nghiệp, tạo ra những lời đồn thổi làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần đoàn kết của công ty. Nếu không muốn bị xếp vào danh sách nhân viên \'cá biệt\' thì bạn nên tránh xa thói quen này.
Bạn đã biết cách giao tiếp hiệu quả trong môi trường công sở?
3. Ăn mặc, trang điểm không đúng cách
Các công ty thường có quy định về trang phục mà nhân viên cần tuân thủ. Nhưng ngay cả khi bạn không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào thì việc lựa chọn trang phục lịch sử, chuyên nghiệp khi đi làm vẫn là điều rất quan trọng. Đừng đến công ty với một chiếc váy hở hang hay một chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ, đồng nghiệp và khách hàng có thể nhìn bạn với ánh mắt thiếu thiện cảm.
4. Không dám bày tỏ quan điểm
Khi phát hiện cấp trên mắc sai lầm, bạn không dám nói vì sợ sếp phật ý. Khi có một ý tưởng thú vị, bạn giấu kín vì sợ nói không đúng sẽ bị mọi người cười chê...Có thể bạn nghĩ đó là giải pháp an toàn nhưng thực chất thói quen này đang \'cướp\' mất đi cơ hội phát triển và thăng tiến của bạn.
5. Không chịu nhận lỗi
Bất kỳ ai cũng có thể phạm phải sai lầm và bạn cũng không ngoại lệ. Do đó, thay vì tìm mọi cách biện minh thì hãy thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết vấn đề.
8 ghi nhớ vàng giúp bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp nơi công sở
Ghi nhớ 1: Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng với các đồng nghiệp
Đây chính là nguyên tắc cốt lõi đầu tiên bạn cần nắm khi giao tiếp trong công việc. Khi đó, mọi cuộc trò chuyện, trao đổi đều xoay quanh công việc hay chỉ đơn giản là chia sẻ thêm về quan điểm và lối sống của bản thân mới đem lại sự gắn kết thực sự giữa mọi người với nhau. Ngoài ra, tuân thủ các nguyên tắc sau đây sẽ giúp bạn giao tiếp tốt hơn nơi làm việc của mình:
Ghi nhớ 2: Luôn lắng nghe đồng nghiệp
Môi trường làm việc là môi trường ai cũng muốn thể hiện mình, đặc biệt là những người có tinh thần cầu tiến. Dù sao đi nữa, hãy học cách lắng nghe trước khi học cách thể hiện. Sự lắng nghe và chia sẻ chân thành của bạn sẽ được chào đón hơn là một kẻ suốt ngày chỉ ba hoa về chuyện của anh ta và ngắt lời bất kỳ ai đang nói. Cách ứng xử này cực kỳ không tốt nơi công sở nhưng tiếc thay, có nhiều người lại mắc phải và thậm chí họ không biết là mình đang phạm phải một sai lầm cực kì nghiêm trọng. Hãy lắng nghe nhiều hơn, khi đó những gì bạn nhận được sẽ rất bất ngờ và thú vị đó.
Ghi nhớ 3: Lễ phép, lịch sự nhưng không xu nịnh
Nhiều người bước vào môi trường làm viết hết sức bỡ ngỡ và không biết phải nói chuyện như thế nào để tạo ấn tượng tốt trong lòng người khác mà không phải nói ra những lời không thật với lòng mình để rồi cảm thấy áy náy và cắn rứt lương tâm. Cách tốt nhất là hãy lịch sự với tất cả mọi người, từ cấp trên đến những người ngang cấp bậc và thậm chí là những người có vị trí thấp hơn bạn. Hạn chế đưa ra lời chê bai, song khen ngợi thái quá cũng không phải là một cách hay ho. Chỉ nên khen ngợi một người đúng lúc, đúng thời điểm, đúng chỗ cần khen. Kỹ năng giao tiếp thông minh ở nơi công sở, nên khen về chuyên môn, tính cách, khả năng làm việc hơn là khen về vẻ bề ngoài, cách ăn mặc của một người nào đó. Những lời khen về bề ngoài rất hời hợt và nếu lạm dụng, bạn dễ bị đánh giá là đang xu nịnh họ.
Ghi nhớ 4: Đặt câu hỏi tại sao cho những nhiệm vụ bất thường của sếp
Thỉnh thoảng cấp trên sẽ giao cho bạn những việc nằm ngoài chuyên môn của bạn hoặc không có trong kế hoạch chung của công ty. Thay vì răm rắp làm theo, hãy chủ động nhờ sếp giải thích lý do bạn cần làm việc đó nếu bạn thực sự không biết nguyên nhân. Điều này sẽ khiến cấp trên đánh giá bạn cao hơn vì thấy được sự chủ động trong công việc của bạn và rất hoan nghênh tinh thần độc lập, tự chủ của bạn, chứ không phải là một người chỉ biết nghe theo sự sắp đặt của người khác.
Ghi nhớ 5: Đừng đem định kiến cá nhân đánh giá lời nói của người khác
Đôi khi, bạn sẽ ghét một đồng nghiệp vì tính xấu nào đó của anh ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi lời anh ta nói ra đều đáng bị lên án, bác bỏ. Bạn nên khách quan trong việc đánh giá ý kiến của đồng nghiệp, đừng để cảm xúc cá nhân lấn át. Cũng có người năng lực chỉ tầm trung nhưng đôi khi lại đưa ra những ý kiến đáng giá. Hãy vui vẻ tiếp thu và nhờ họ hướng dẫn thêm về những vấn đề khác trong công việc. Như vậy bạn mới được tôn trọng và tin tưởng trong mắt người khác. Biết đâu, những người bạn ghét hoặc có định kiến đó sau này sẽ trở thành những người anh em tốt, những đối tác tin cậy thì sao. Hãy nhớ luôn đánh giá người khác dựa trên năng lực thực sự của họ, đừng vì một chút định kiến cá nhân mà hạ thấp uy tín, danh dự của người khác. Vì làm như vậy chẳng khác nào bạn đang hạ thấp bản thân mình trong mắt người khác.
Ghi nhớ 6: Đặt lịch hẹn gặp mặt
Đã là môi trường của công việc, chắc hẳn chẳng có ai rảnh rỗi cả ngày để chờ nói chuyện với bạn. Vì vậy, trước khi muốn trao đổi chuyện gì đó, hãy gửi email hoặc gọi điện hay nhắn tin nói trước với họ. Nếu cuộc trao đổi của bạn sẽ kéo dài thì bạn nên thông báo trước cho họ một khoảng thời gian vừa đủ để họ thu xếp. Dù họ không phải là người quá bận rộn nhưng cách hẹn này sẽ khiến bạn được đánh giá cao hơn và đồng nghiệp cũng cảm thấy thời gian của họ được coi trọng. Đặc biệt nếu bạn là cấp trên, bạn cũng cần tuân theo nguyên tắc này vì nó thể hiện tính dân chủ của người lãnh đạo. Khi đó, bạn sẽ giành được thiện cảm tốt từ những nhân viên cấp dưới của mình.
Ghi nhớ 7: Không đem muộn phiền ở nhà vào nơi làm việc
Rất nhiều người, đặc biệt là người đã lập gia đình, thường tâm trạng bị ảnh hưởng nhiều từ chuyện gia đình. Dù bạn đang gặp rắc rối gì, muộn phiền như thế nào, đừng đem nỗi bực dọc đến nơi làm việc. Các đồng nghiệp của bạn không có nghĩa vụ phải gánh chịu sự tức tối, phiền muộn đó của bạn. Bạn có thể chia sẻ, kể lể với họ, nhưng tuyệt đối không “giận cá chém thớt” khiến người khác bực mình lây từ bạn. Hơn nữa, khi làm việc mà tâm trạng của bạn cứ vướng bận những chuyện không hay ở nhà thì chắc chắn rằng năng suất làm việc của bạn sẽ không cao và tất nhiên là mọi người sẽ đánh giá thấp năng lực của bạn.
Ghi nhớ 8: Mềm mỏng trong ứng xử và quyết đoán trong công việc
Khi trò chuyện xã giao bình thường, bạn có thể mềm mỏng và nhường nhịn đồng nghiệp nhưng trong công việc, hãy thể hiện năng lực của bạn bằng các nhận định rõ ràng, đúng đắn. Không nhất thiết bạn phải ăn thua với đồng nghiệp khi thảo luận về công việc, chỉ cần bạn tỏ rõ lập trường, quan điểm đúng đắn của mình – đó mới là biểu hiện của người có năng lực. Dĩ nhiên, nếu bạn sai thì cũng đừng ngại tiếp thu ý kiến của người khác nhé.
Bài viết có tham khảo từ cuocsongdungnghia
Kết luận:
Công sở như một xã hội thu nhỏ tập hợp nhiều mẫu người khác nhau. Những người làm trong môi trường này đều là dân trí thức vì thế họ cũng sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khắt khe hơn các môi trường khác. Nếu bạn không có kỹ năng giao tiếp ứng xử khéo léo nơi công sở, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong công việc. Tuy nhiên, thật may là kỹ năng sống này hoàn toàn có thể học tập và rèn luyện. Vì thế, đừng phung phí thời gian từ bây giờ mà hãy trau dồi kỹ năng giao tiếp của mình thật hiệu quả bằng các phương pháp ở bài trên. Chúc các bạn sớm thành công!
Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp nơi công sở, văn hóa giao tiếp công sở, ứng xử nơi công sở, kỹ năng giao tiếp trong công việc, sai lầm trong giao tiếp ở công sở, bí quyết giao tiếp hiệu quả.