Trong một hội thảo, ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc công ty cổ phần giáo dục sớm (GK.s) hỏi các phụ huynh: “Ai đến đây vì muốn biết cách làm con mình trở thành thiên tài?” Một số cánh tay của các phụ huynh vươn cao.

Nhìn những cánh tay giơ lên đầy quyết tâm, ông Trung nói: “Tôi rất tiếc vì có thể làm các bạn thất vọng vì ở đây chúng tôi chỉ giúp các phụ huynh biết một phương pháp kích hoạt tiềm năng não bộ của con cái bạn.”

GDS là xây dựng “phần cứng”

Câu chuyện giám đốc công ty cổ phần phát triển GDS Nguyễn Thành Trung chia sẻ với chúng tôi là khát vọng có thực của nhiều phụ huynh khi tìm đến dịch vụ của công ty ông.

Nhưng điều đáng nói là những phụ huynh này hoàn toàn có cơ sở để hi vọng. Các nhà GDS, dựa trên những thành tựu nghiên cứu về khoa học thần kinh não bộ, nói rằng giai đoạn từ 0-6 tuổi là thời kỳ lý tưởng để kích thích não bộ phát triển tối đa năng lực của nó. Đây cũng là thời kỳ vàng để đặt nền móng cho mọi năng lực vượt trội khác của trẻ.

Là một người nghiên cứu và giảng dạy GDS, thạc sỹ Trần Thị Ái Liên so sánh: nếu ví khả năng mà não trẻ tiếp nhận thông tin và tri thức như một chiếc máy tính thì giai đoạn 0-3 tuồi giống như sự hoàn thiện về phần cứng (hardware), còn sau giai đoạn đó chỉ như cài đặt phần mềm (software) vào mà thôi.

Vì thế, GDS thực chất là việc cha mẹ hiểu và nắm bắt được giai đoạn phát triển của con cái để có những phương pháp kích thích phù hợp, cho não trẻ có thể phát triển tốt nhất.

Nhưng thực tế, GDS đang được tiếp thị ra cộng đồng bằng cách xoáy sâu vào những thành tựu đỉnh cao là câu chuyện về các thiên tài như một cách tuyệt đối hóa vai trò quan trọng của GDS để hấp dẫn phụ huynh. Trong khi đó, đường dài của các em đang còn ở thì tương lai và phụ thuộc vào rất nhiều khả năng đồng hành của cha mẹ trong mỗi giai đoạn phát triển ngày càng phức tạp về tâm sinh lý.

Ngay ở công ty GK.s, biểu ngữ “ Trẻ em là thiên tài” luôn được hiện rõ nhất trên website và tại phòng tiếp tân. Hay như trong tờ thông tin giới thiệu khóa học của Công ty cổ phần Cuộc sống thịnh vượng cũng ghi rõ “Khai phá tiềm năng của con. Đây là cơ hội duy nhất hoặc không bao giờ”.

Kênh sách với những lời đề tựa hấp dẫn hoặc những trích dẫn có khả năng đánh mạnh vào tâm lý phụ huynh để thổi vào họ một niềm hi vọng mạnh mẽ rằng con mình sẽ phát triển vượt trội. Mỗi cá nhân viết đề tựa tâm đắc một phương pháp nào sẵn sàng dành những lời vàng ngọc cho phương pháp đó.

Vì vậy, hiện tượng các bậc cha mẹ nuôi kì vọng dạy con thành thiên tài nhờ GDS đang là điều khiến các nhà chuyên môn nghiên cứu giáo dục sớm lo ngại nó sẽ biến thành sự thúc bách đối với trẻ. Đây là môt trong những điều quan trọng nhất dẫn đến nhận thức và cách làm sai lầm của cha mẹ khi giáo dục con từ sớm.

Bên cạnh đó, Viện IPD cho biết, thị trường Giáo dục sớm đang có những hỗn độn thật giả trong việc truyền bá GDS, đặc biệt là phương pháp Glenn Doman. Vì vậy, sẽ thật sự nguy hại nếu cha mẹ được tiếp nhận sai phương pháp và mang về áp dụng cho con.

Một thói quen thường thấy của phụ huynh đó là việc cóp nhặt kinh nghiệm và chạy đua với nhau về thành tích của con cái. Các chuyên gia GDS khuyến cáo, nếu thực sự muốn áp dụng GDS cho con, bố mẹ cần tiếp cận một cách nghiêm túc và đầy đủ về nội dung của phương pháp họ muốn theo đuổi.

GS Glenn Doman trong cuốn sách Dạy trẻ thông minh sớm đã từng cẩn trọng phát đi thông điệp cảnh báo đối với phương pháp của ông: “Nếu thực hiện điều gì đó mà bố mẹ không hiểu, có thể bé sẽ thực sự đối diện với nguy hiểm.”

Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người IPD Nguyễn Đình Hiếu cho biết, với giáo dục trong thời kỳ tiếp nhận tốt nhất của đứa trẻ lại đi sai phương pháp thì hậu quả của nó vô cùng tai hại. Đã có nhiều trường hợp trên thế giới giáo dục sớm sai phương pháp mà dẫn tới hại cả số mạng tâm lý của cháu bé được các chuyên gia GDS cảnh báo.

GDS có cao xa?

 

giáo dục sớm, nuôi con, thiên tài, kỳ vọng, cha mẹ

Anh Nguyễn Đình Hiếu và con gái Mỹ Anh đang tìm hiểu về cây xấu hổ trong buồi dã ngoại ở Đại học Nông nghiệp I của Câu lạc bộ cha mẹ dạy con từ sớm

Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi trong gia đình đang được chú trọng chăm sóc sức khỏe, thể chất mà có rất ít hoạt động giáo dục. Thậm chí, nhiều người quan niệm, đây là giai đoạn vô nghĩa nhất của đời người! Cách ứng xử của người lớn trong giai đoạn này thường là đối phó với những nhu cầu nhận thức, tình cảm bộc lộ trong quá trình phát triển của trẻ hơn là dạy dỗ và hi vọng trẻ lớn lên sẽ ít gây phiền nhiễu. Người lớn cũng nhàn, khỏe hơn.

Theo luật sư Phạm Danh Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư và phát triển giáo dục sớm VSK thì ở lĩnh vực này, GDS đã có công rất lớn làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ và thói quen giáo dục trẻ nhỏ từ xưa tới nay ở nước ta. Ông Tín rất đồng tình với thông điệp của GS Phùng Đức Toàn, người khởi xướng và xây dựng Phương án 0 tuổi rằng GDS đã biến sự vất vả của việc nuôi dạy con thành niềm vui vô bờ của cha mẹ. Những giá trị mà GDS mang lại cho mỗi gia đình sẽ biến gánh nặng dân số thành sức mạnh của nguồn nhân lực.

Vì thế, Giáo dục sớm nằm trong khả năng của mỗi ông bố, bà mẹ. Chuyên gia Nguyễn Thị Nhỏ, Viện nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người nhận xét: “Đối với giáo dục sớm, trình độ của một người nông dân vẫn dạy cho con mình rất tốt và trình độ của một giáo sư cũng không hề thừa.”

Chẳng hạn, vào thời kỳ đầu những năm 80 của thế kỷ trước ở Trung Quốc, mẹ của Lưu Diệc Đình, nhân vật trong cuốn tự truyện nổi tiếng “Em phải đến Harvard học kinh tế”, bằng vốn kiến thức và sự học hỏi của mình đã nuôi dạy con gái thành công. Vào thời kỳ đó, bà Lưu Vệ Hoa chưa biết đến Glenn Doman, chưa từng được hàm thụ Phương án 0 tuổi hay Montessori …Thế nhưng bà Lưu đã gặp các nhà GDS trong cách tri nhận về phương pháp giáo dục: Giáo dục sớm thực chất là việc chơi với con một cách cực kỳ thông minh. Ngày nay, các trường phái GDS mang đến cho phụ huynh một điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều, đó là một hệ thống các phương pháp làm việc với trẻ một cách khoa học.

Và điều kì diệu là các nhà GDS cùng gặp nhau ở một quan điểm: hứng thú, niềm yêu thích của trẻ nhỏ và bố mẹ là khở đầu của mọi hoạt động học tập.

 

Theo: Vietnamnet