Kinh hoàng những vụ giáo dục cho trẻ… biết mặt
Ngay những ngày đầu năm, thông tin cậu học trò lớp 7 ở Hải Phòng bị cha lột trần truồng trói vào cột điện trước cửa nhà dưới cái rét 15 độ C khiến không ít người bàng hoàng. Nguyên nhân là cậu bé trốn học đi chơi game, trong lúc tức giận ông bố đã áp dụng hình phạt trên với mục đích khi mọi người nhìn thấy như vậy, cháu sẽ xấu hổ để tiến bộ hơn.
Không khỏi xót xa khi một đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, đang ở giai đoạn hình thành nhận thức về thân thể, giá trị của mình lại bị chính người sinh thành “hạ nhục” như vậy. Nhất là việc bôi nhọ lại được rêu rao trước bàn dân thiên hạ.
Cậu bé tâm trong nước mắt, biết mình đã sai nhưng giá như bố bắt nằm trên gường đánh một trận cũng được và đã van xin bố đừng cởi truồng, trói ở trước nhà nhưng lời cầu khẩn không được chấp nhận.
Việc cha mẹ áp dụng hình phạt thân thể, bôi nhọ con trước mặt người khác không hề hiếm, không vụ việc từng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Cách đây không lâu, ở Đăk Nông, một ông bố cũng vì quá bực tức việc hai con trai mê chơi game, kết quả học hành sa sút đã bắt hai con bò lết giữa đường cả cây số, có đoạn băng qua chợ nơi rất đông người.
Một vụ việc khác diễn ra tại TPHCM, một cháu bé 13 tuổi sau khi được người chú bảo lãnh từ đồn công an về vì có hành vi định ăn cắp xe đã được… chú “dạy cho biết mặt” bằng cách bắt đeo tấm biển có dòng chữ “Tôi là thằng con cắp” rồi đứng ở ngoài đường phố.
Đây là những vụ việc được phản ánh, còn theo các chuyên gia về giáo dục, việc người lớn dạy con trẻ bằng phương pháp bôi nhọ trẻ trước mặt người khác khá phổ biến mà không ít ông bố bà mẹ phạm phải. Hành vi này của cha mẹ thường xuất hiện trong lúc tức giận, do vấn đề nhận thức, phụ huynh vẫn nghĩ rằng với cách giáo dục “bôi nhọ” này, đứa trẻ sẽ xấu hổ, sợ hãi nên sẽ không lặp lại sai phạm của mình.
Hiểm họa khó lường với những cách dạy con này
Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi biết thông tin cháu bé bị bố lột trần trói trước nhà, ThS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TPHCM, Phó giám đốc Công ty Kỹ Năng Sống) cho hay, cách xử phạt của người cha vừa phản giáo dục vừa vi phạm luật phòng chống bạo hành trong gia đình. Ở đây, ông vừa bạo hành về thể xác lẫn tinh thần của con trai.
Bà Thúy nhấn mạnh, cha mẹ dùng biện pháp giáo dục con kiểu bôi nhọ, làm nhục trước đông người là việc làm rất không có tác dụng, gây cho con những ảnh hưởng lớn là sự tổn thương thể xác, tinh thần trước mắt và lâu dài. Về thể xác, khi bị bạo hành gây cho các em phải chịu đựng sự đau đớn, có thể khiến trẻ bệnh tật, thậm chí có trường hợp trẻ có thể tàn tật suốt đời.
Giữ giá trị bản thân cho trẻ là một trong những điều cần thiết nhất trong việc giáo dục.
Sự tổn thương tâm lý còn kinh khủng hơn rất nhiều vì đây là cách hạ giá trị bản thân trẻ nhanh nhất. Đứa trẻ sẽ thấy xấu hổ, nhục nhã, bị bố mẹ và mọi người xung quanh kinh trẻ, thấy bố mẹ không yêu thương. Từ đó, các em sẽ có mặc cảm về bản thân, có thể mất niềm tin vào chính mình, mất niềm tin vào cha mẹ và mọi người xung quanh. Đặc biệt, sự hoài nghi về tình yêu thương, sự tử tế của con người sẽ làm các em mất phương hướng khi lớn lên.
“Khi một đứa trẻ không thấy mình có giá trị sẽ không còn muốn phấn đấu, không muốn làm người con tốt. Trẻ sẽ mặc cảm, tự ti, bất cần đời, nổi loạn... Những đứa trẻ có tuổi thơ bị bạo hành sẽ khó lớn lên với một nhân cách tốt, nguy cơ trở thành người tự ti, thu mình không dám làm gì, dễ bị bắt nạt hay lỳ lợm, bất chấp quy định chung của tập thể, bất chấp pháp luật rất cao”, chuyên gia Phạm Thị Thúy cảnh báo.
Bà Trần Thị Ái Liên, người sáng lập Công ty Bạn Của Bé, nổi tiếng với các chuyên đề kỷ luật không nước mắt cho hay, việc dùng bạo lực với trẻ trong bất kỳ tình huống nào là điều không thể biện minh, điều này chỉ làm cho tình trạng của đứa trẻ tệ hại hơn. Những đứa trẻ bị tổn thương về thể chất hay mang nỗi đau trong lòng sẽ lớn lên trong sợ hãi và giận dữ, thiếu tự tin và chúng cho rằng bạo lực là cách duy nhất để xử lý vấn đề.
Các chuyên gia nhấn mạnh, giúp con sửa sai phải bằng cách phân tích phải trái, khiển trách hành vi sai, phê phán hành vi chứ không làm nhục con người, nhân cách của con. Đó cũng là cơ sở giúp trẻ chủ động theo đuổi cái tốt, tránh xa cái xấu.
Xem thêm: Kinh nghiệm giúp trẻ tránh xa nguy hiểm
Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới! |
Theo: Dân Trí