>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Những lưu ý khi làm hồ sơ vào đại học

Bộ GDĐT và các trường ĐH cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu để TS có lựa chọn đúng đắn nhất các nguyện vọng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cân nhắc các nguyện vọng

Bộ GDĐT cho biết, với các trường ĐH tốp trên, TS nên lưu ý những điểm sau: Thời gian đăng ký xét tuyển của đợt 1 dự kiến là 20 ngày, sau đó, các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Những TS đã trúng tuyển sẽ không được xét nguyện vọng bổ sung. Trong 20 ngày của thời gian đăng ký xét tuyển, các em được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.

Để thuận lợi cho việc rút hồ sơ, cũng như đăng ký vào các trường khác, Bộ GDĐT quy định 3 ngày một lần các trường phải công bố công khai danh sách học sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo trật tự từ cao xuống thấp của kết quả thi.

Cân nhắc hàng đầu của TS là cần lựa chọn ngành, trường phù hợp để bảo đảm khả năng trúng tuyển là cao nhất. Căn cứ kết quả thi, TS có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Hiện nay, hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các TS có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.

Theo lời khuyên của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), có hai tham chiếu quan trọng để TS lựa chọn trường, ngành phù hợp. Nếu điểm thi vượt trên 2 điểm so với điểm chuẩn của ngành năm ngoái thì TS hoàn toàn yên tâm. Ngược lại, thí sinh phải cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ” khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số những người cùng đăng ký vào ngành.

Nếu TS có thể chọn được nhiều ngành phù hợp nguyện vọng của mình trong một trường, sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ” và cơ hội trúng tuyển của TS sẽ lớn hơn rất nhiều.

ĐH tốp đầu: Điểm chuẩn tăng

Đây là khẳng định của một số trường ĐH tốp trên sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi. Căn cứ vào phổ điểm, do mặt bằng chung của nhiều môn thi tự nhiên tăng nên nhiều trường dự định sẽ tăng điểm trúng tuyển vào trường, tùy theo từng ngành. Ông Hoàng Minh Sơn - PGĐ ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, “dựa vào phổ điểm có thể dự đoán, điểm chuẩn năm nay giữa các trường, ngành học không chênh lệch nhau nhiều như những năm trước. Mọi năm, các trường lấy từ điểm sàn đến 26 - 27 điểm, nhưng năm nay sẽ từ 17-18 điểm đến 24 - 25 điểm. Nghĩa là, dải điểm chuẩn các trường sẽ hẹp hơn mọi năm”.

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ tăng hơn 1 - 2 điểm. Những ngành điểm chuẩn thấp sẽ tăng; ngành cao sẽ chững lại, nếu có tăng thì chỉ ở một số ít ngành và tăng không nhiều. ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu xét tuyển trong đợt 1. TS nên cân nhắc theo năng lực của mình để lựa chọn trường. Các em cũng nên đăng ký đủ 4 nguyện vọng để tránh trường hợp phải rút hồ sơ.

Bộ GDĐT cũng lưu ý, với các nguyện vọng bổ sung, nếu TS chưa trúng nguyện vọng 1, cần lưu ý thời gian: Đợt I nhận hồ sơ từ 25.8 đến 15.9, công bố điểm chuẩn trước 20.9. Đợt II nhận hồ sơ từ 20.9 đến 5.10, công bố điểm chuẩn trước 10.10. Đợt III nhận hồ sơ từ 10.10 đến 25.10, công bố điểm trúng tuyển trước 31.10. Đợt IV nhận hồ sơ từ 31.10 đến 15.11, công bố điểm trúng tuyển trước 20.11.

Mỗi TS có ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt xét tuyển, TS có thể dùng đồng thời ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào ba trường. Mỗi trường, TS được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn.

Điểm chuẩn vào trường top giữa sẽ cao hơn năm trước

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tương đối đẹp, trừ hai môn Toán và Ngoại ngữ. Phổ điểm này tạo nhiều thuận lợi cho các trường đại học trong việc xét tuyển khi mà lượng thí sinh có mức điểm trung bình khá từ 5,5-7,5 chiếm tỷ lệ khá lớn.
Đặc biệt là các trường đại học top giữa, nơi sẽ tiếp nhận một lượng lớn thí sinh có mức điểm trung bình khá “đầu quân” vào. Tuy nhiên, nguồn tuyển dồi dào nên điểm chuẩn vào các trường top giữa năm nay được dự báo sẽ cao hơn năm ngoái. Do vậy, tính toán như thế nào để có thể đạt được đúng nguyện vọng, hạn chế rủi ro cũng là một vấn đề mà các thí sinh cần phải cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ.

TS. Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Nhìn vào phổ điểm thấy môn Toán và Ngoại ngữ điểm thấp hơn, khác hẳn mọi năm, nếu không phải là do đề thi có vấn đề thì là do giảng dạy có vấn đề.

Nhiều trường đại học dự kiến sẽ đưa thêm tiêu chí phụ để xét tuyển khi có hàng ngàn thí sinh bằng điểm nhau.

Đề thi được thiết kế 60% kiến thức cơ bản, 40% phân hóa mà điểm Toán thấp như vậy rất đáng phải suy ngẫm. Phổ điểm năm nay cho thấy, điểm ở mức trung bình, khá chiếm phổ rộng, do đó, các trường tốp giữa nguồn tuyển rất dồi dào, nhưng ngay cả với ĐH Công nghiệp Hà Nội thì sẽ gặp khó khăn trong xây dựng điểm chuẩn.

Theo TS. Kiều Xuân Thực, có thể Bộ GD & ĐT đã tính trước tình huống này rồi nên quy định năm nay không làm tròn điểm, như thế thì sẽ phần nào hạn chế được số lượng lớn thí sinh bằng điểm nhau, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. “Tuần tới, chúng tôi mới họp và chốt phương án nhưng cũng đã tính đến phương án nếu có nhiều thí sinh bằng điểm thì sẽ phải lấy một môn làm chuẩn để xét theo môn đó”.

Liên quan đến khâu xét tuyển sắp tới, theo TS. Kiều Xuân Thực, phức tạp sẽ dồn cho các trường, đặc biệt là trường top giữa vì bộ cho phép thí sinh rút nguyện vọng, trong khi mỗi thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng thì những ngày cuối, áp lực nguyện vọng rất lớn. Vì vậy, TS. Thực khuyên thí sinh nên thận trọng khi đăng ký nguyện vọng 1 và các nguyện vọng bổ sung. Việc đăng ký phải theo năng lực, sở thích, tuyệt đối không theo phong trào, thí sinh cũng nên tham khảo điểm chuẩn năm trước và năm nay, dự kiến điểm chuẩn có thể sẽ nhích lên.

Về điểm sàn, theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Việt Nam dự báo có thể sẽ cao hơn năm trước. PGS Tuấn băn khoăn vì thời điểm này chưa biết thí sinh của mình đang ở đâu, được bao nhiêu em đăng ký để lên phương án xét tuyển. Năm nay, có một thuận lợi là phổ điểm lệch về bên phải nên lượng thí sinh qua sàn sẽ nhiều hơn.

Nhưng PGS Tuấn cảnh báo, “ảo” sẽ rất nhiều, vì ngoài giấy chứng nhận số 1, thí sinh còn được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả nữa. “Nhất là những ngày cuối, khả năng sẽ xảy ra hiện tượng “làn sóng” rút hồ sơ, có khi chỉ vài tiếng, số lượng hồ sơ sẽ biến động rất mạnh nên thí sinh phải theo dõi chặt chẽ thông tin trên mạng”. Một số chuyên gia tuyển sinh khác cảnh báo, phần mềm đã được thiết kế để bao quát 16 nguyện vọng rồi, nhưng vì chưa vận hành trên thực tế nên chưa biết thế nào. Đây cũng là một vấn đề mới phát sinh trong năm nay mà các trường cần phải tính.

TS. Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cũng cho biết: Phổ điểm năm nay cho thấy, số lượng thí sinh đạt điểm trung bình từ 5-7 điểm khá dồi dào. Đây sẽ là nguồn tuyển sinh chính cho các trường top giữa như ĐH Hồng Đức. Tuy nhiên, “do khá dồi dào nên các trường sẽ khó khăn trong việc đưa ra một mức điểm chuẩn phù hợp. Nếu đưa cao quá, thí sinh sợ không đạt, không dám nộp hồ sơ thì nhà trường dễ không chọn đủ chỉ tiêu. Nhưng nếu đưa ra mức điểm sàn thấp, sẽ đảm bảo an toàn cho nguồn tuyển sinh của nhà trường nhưng lại gây khó khăn cho thí sinh trong việc rút hồ sơ. Đây đang là băn khoăn của nhiều trường top giữa”-ông Sỹ cho hay.

Cũng theo TS. Hoàng Dũng Sỹ, đối với các trường ĐH top đầu, nhiều khả năng sẽ tuyển đủ thí sinh trong đợt xét tuyển đầu tiên, còn đối với các trường top giữa việc tuyển sinh chắc chắn sẽ kéo dài cho đến hết thời gian xét tuyển. Do vậy, trước khi nộp đơn, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ về thông tin các ngành, các trường đã định hướng từ trước. Nếu cảm thấy có mức điểm hợp lý thì nộp đơn xét NV1, còn nếu điểm non quá so với mặt bằng chung thì cần lựa chọn các trường xét tuyển các nguyện vọng bổ sung nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro “điểm cao nhưng vẫn trượt”.

Từ phía Bộ GD&ĐT, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục nhận định: Với phổ điểm năm nay khá thuận lợi cho các trường top đầu và top giữa vì nguồn tuyển dồi dào song sẽ là thách thức cho thí sinh vì điểm chuẩn dự kiến sẽ cao hơn, tỷ lệ các thí sinh có cùng một mức điểm có thể sẽ lên tới con số hàng ngàn nên nhiều trường có thể sẽ phải đưa thêm tiêu chí phụ để xét tuyển.

Theo phân tích của ông Nghĩa, từ trước đến này, quy luật chung là ngành nào điểm đầu vào cao thì vẫn cao, còn thấp thì vẫn thấp, cao hẳn là 23 - 24 điểm trở lên, khá là 19 - 22 điểm, trung bình khoảng 15 - 17 điểm. Năm nay cũng thế, quy luật này không thay đổi. Theo ông Nghĩa, ngoài thông tin tham khảo là điểm chuẩn năm ngoái, thí sinh cần chú ý thêm lượng đầu vào của từng ngành để cân đối nguyện vọng một cách hợp lý. Ngoài ra, cũng cần phải tham khảo phổ điểm mà bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp.

Theo Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/giao-duc/nhung-luu-y-khi-lam-ho-so-vao-dai-hoc-357809.bld