Sự kiện: Thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2011
Giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra với TS
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong ba ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2007-2008, cả nước xảy ra trên 60 vụ tai nạn giao thông liên quan đến TS, làm nhiều em bị chết, bị thương nặng, không thể tiếp tục kỳ thi được nữa.
Hình minh hoạ, Nguồn tienphong.vn
Nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất là tâm lí TS, người nhà điều khiển phương tiện xe máy, có phần hồi hộp, vội vàng, sợ bị trễ, muộn thi...
Bốn năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm, thi liên trường. Nhiều em nhà ở khá xa các Hội đồng thi, có TS phải đi đến 20, 30 cây số. Nhiều em chủ quan, không bố trí được thời gian chuẩn nên nảy sinh việc vội vàng đi tới điểm thi, dẫn tới rủi ro không tránh khỏi.
Trong trường hợp nhà ở xa điểm thi, các TS cần sắp xếp, lường tính được thời gian để đi lại hợp lý. Tốt nhất, mấy ngày thi, các em nên tìm nhà người quen, một chỗ trọ, gần, cạnh điểm thi. Việc chủ động được thời gian đi lại vừa tạo tâm lý thoải mái, không áp lực, vừa an toàn cho bản thân, tránh được tình trạng trễ thi, thậm chí tai nạn giao thông, tắc đường...
Kiểm tra các giấy tờ quan trọng
Năm nào cũng xảy ra tình trạng TS lơ đãng, thiếu chu đáo, kỹ lưỡng với các dụng cụ, giấy tờ cần thiết khi vào phòng thi. Hàng chục năm đi làm công tác thi tốt nghiệp ở nhiều nơi, tôi nhận thấy, tình trạng TS hay quên thẻ dự thi, giấy chứng minh nhân dân, quên com-ba, bút chì để tô làm bài môn trắc nghiệm cũng không phải hiếm. Có em hoảng hốt, mặt mày tái xanh, tái lét, chạy đi hỏi lung tung. Các giám thị, lãnh đạo Hội đồng thi phải thêm phần việc, lo chỉ dẫn, xác nhận cho những em thiếu giấy tờ ấy.
Một việc rất đơn giản là các phụ huynh có con em đi thi chỉ cần ngày hoặc tối hôm trước cần kịp thời quan tâm nhắc nhở và kiểm tra các giấy tờ, dụng cụ cần thiết, bắt buộc của TS đã đầy đủ, sẵn sàng cho các môn thi, buổi thi hay chưa.
Giữ tâm lý tốt trong đợt thi
Buổi học quy chế trước ngày thi, TS nên có mặt đầy đủ để nghe hướng dẫn thời gian, những điều TS nên và không nên làm, nhất là cách ghi phiếu trả lời trắc nghiệm đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đến ngày thi, TS nên có mặt tại hội đồng thi trước 20 phút để giữ tâm lí thoải mái. Khi vào phòng thi, thời gian chờ nhận đề khá lâu, nhất là các môn thi trắc nghiệm, nên TS phải giữ tâm lí ổn định, không nên quá hồi hộp. Khi nhận đề phải đọc kĩ tất cả các trang, đủ số câu hỏi, nếu đề bị mờ, rách phải kịp thời báo với giám thị để thay đề khác. Nên nhớ rằng tất cả kiến thức và căn cứ để có điểm thi đều thể hiện trên bài thi. Phải nghiên cứu thật kĩ đề, khi có hiệu lệnh trống mới làm bài.
TS chú ý, ghi cả số báo danh và chữ kí trên cả đề thi và giấy nháp để tránh những điều bất thường khó lường. Nên làm nháp rồi mới ghi vào bài làm chính thức. Cách thể hiện bài làm phải sạch đẹp khoa học. Ranh giới giữa mỗi câu trong bài tự luận phải rõ ràng. Nếu phần nào bỏ không nên tẩy xóa nhem nhuốc mà chỉ dùng bút gạnh chéo một đường.
Có thể chọn làm những câu dễ trước, câu khó sau. Canh thời gian làm bài phù hợp, tránh tình trạng câu điểm ít làm nhiều hơn câu điểm nhiều, đầu voi đuôi chuột. Khi xong bài không ra khỏi phòng thi quá sớm mà phải bình tĩnh, đọc kĩ lại bài làm trước khi kí nộp cho giám thị.
Một điểm thường gặp nữa là TS có tâm lí chán nản, bỏ thi giữa chừng khi không làm được bài thi. Điểm tốt nghiệp là điểm tổng của 6 môn thi, điểm tuyển sinh là điểm tổng 3 môn thi nếu không có môn nào bị liệt. Vì vậy sau mỗi môn thi, nếu ta làm bài không tốt cũng không nên tự gây áp lực cho bản thân mà phải tự động viên và cố gắng trong những môn thi tiếp theo. Có như thế, kì thi sẽ có kết quả tốt.