DU HỌC - HỌC BỔNG - HỌC BỔNG DU HỌC - GIÁO DỤC

Du học Nhật Bản không nhất thiết phải giỏi tiếng Nhật

Với một xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật tiên tiến, truyền thống độc lập tự cường, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cơ sở giáo dục hiện đại…, Nhật Bản đã thu hút nhiều sự quan tâm của các học sinh – sinh viên đang nung nấu ước mơ du học.

Tuy nhiên, việc phải học thêm tiếng Nhật khiến cho không ít bạn ngán ngại và chuyển mục tiêu du học sang các nước sử dụng tiếng Anh như Hoa Kỳ, Australia, Anh, New Zealand, Singapore. Nhưng bây giờ, du học Nhật Bản đang trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết nhờ có chương trình G30 của Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các trường đại học hàng đầu mở các khóa học bằng tiếng Anh dành cho sinh viên quốc tế. Với G30, bạn hoàn toàn có thể theo đuổi nền giáo dục chất lượng cao của Nhật Bản mà không nhất thiết phải giỏi tiếng Nhật.

 

du học Nhật Bản, học bổng du học Nhật Bản

Những lời khuyên hữu ích khi du học Nhật bản


Du học Nhật Bản bằng tiếng Anh

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã phát động Dự án Global 30 (G30) trong đó chọn ra các trường đại học hàng đầu làm hạt nhân để thực hiện chiến lược quốc tế hóa nền giáo dục Nhật Bản, nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là đến năm 2020 thu hút 300.000 sinh viên nước ngoài đến học tập tại Nhật Bản.

Các trường được chọn sẽ nhận hỗ trợ tài chính ưu tiên trị giá từ 200-400 triệu yen/năm trong thời gian năm năm bắt đầu tính từ năm học 2009; với nguồn tài trợ này, mỗi trường sẽ phấn đấu tuyển từ 3.000-8.000 sinh viên nước ngoài.

Trong giai đoạn đầu có 13 trường đại học được chọn tham gia G30 (tạm gọi tắt là các trường G30), bao gồm những trường danh tiếng: Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, Đại học Kyushu, Đại học Waseda, Đại học Nagoya, Đại học Tsukuba, Đại học Keio, Đại học Tohoku, Đại học Ritsumeikan, Đại học Meiji, Đại học Doshisha và Đại học Sophia…

Các trường đại học này mở các khóa học bằng tiếng Anh trong những chuyên ngành thế mạnh của họ và đến nay đã có trên 200 khóa học được mở. G30 đã phá vỡ rào cản ngôn ngữ – một trong những trở ngại đối với những người muốn du học Nhật Bản. Hơn nữa, các trường G30 đơn giản hóa quy trình tuyển sinh, cho phép sinh viên quốc tế không cần đến Nhật vẫn có thể nộp hồ sơ xin học và thi viết, thi phỏng vấn qua hệ thống hội nghị từ xa.

Bên cạnh cơ sở vật chất giáo dục và nghiên cứu hoàn hảo, các trường G30 còn mang lại một môi trường thân thiện với sinh viên quốc tế, hỗ trợ tối đa cho việc sinh sống và học tập ở Nhật Bản, chẳng hạn như giúp tìm giáo sư hướng dẫn, miễn giảm học phí, đảm bảo ký túc xá cho sinh viên năm nhất, cung cấp miễn phí các lớp học tiếng Nhật và văn hóa Nhật.

Tính đến năm 2011, tổng số sinh viên quốc tế theo học ở 13 trường đạt khoảng 21.000 người. Nếu du học ở trường G30, bạn vẫn có cơ hội xin học bổng của trường, học bổng của Chính phủ Nhật Bản, học bổng của Tổ chức Hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), hoặc của các quỹ tư nhân.

Có thể nói G30 là chính sách đặc biệt chưa từng có của Chính phủ Nhật Bản, nếu khéo tranh thủ cơ hội này thì giấc mơ du học Nhật Bản của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết (trừ phi bạn học ngành y, dược vẫn phải học bằng tiếng Nhật mới được cấp bằng của Nhật, nhưng bạn đừng nản lòng vì ngành y, dược lại có chương trình ưu tiên khác). Thông tin thêm về các trường, chế độ tuyển sinh, các khóa học, học bổng trong Dự án G30 có tại địa chỉ: http://www.uni.international.mext.go.jp/global30/.

Học bổng Chính phủ Nhật Bản MEXT

MEXT là học bổng của Chính phủ Nhật Bản dành cho công dân nước ngoài muốn theo học tại các trường đại học của Nhật Bản. Trong số 138.075 sinh viên quốc tế tại Nhật Bản (tính đến ngày 1/5/2011), có 9.396 người được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản, tính ra, bình quân cứ 15 sinh viên thì có một người được cấp học bổng MEXT.

Ông Furudate Seki, lãnh sự văn hóa Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết MEXT bao gồm chi phí sinh hoạt, học phí, vé máy bay khứ hồi Nhật Bản và Việt Nam.

Học bổng MEXT dành cho năm đối tượng: Nghiên cứu sinh sau đại học (152.000 yen/tháng), du học sinh đại học, du học sinh cao đẳng, du học sinh trung cấp chuyên nghiệp, thực tập sinh tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản (125.000 yen/tháng).

Học bổng MEXT thường bắt đầu tuyển sinh vào khoảng tháng 3, 4 và kỳ thi sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 6, 7 hằng năm; riêng học bổng cho thực tập sinh tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản thường tuyển sinh vào khoảng tháng 1, 2 và thi vào tháng 3.

Ông Furudate Seki lưu ý sự thay đổi trong quy trình đối với nghiên cứu sinh sau đại học: Trước khi dự thi tuyển sinh học bổng MEXT, thí sinh phải liên hệ trước với trường đại học Nhật Bản và phải được sự đồng ý tiếp nhận của giáo sư hướng dẫn trong ngành muốn theo học; sau khi thi đậu tuyển sinh MEXT, sẽ được đến Nhật và tham gia khóa tiếng Nhật sáu tháng (chi phí do MEXT tài trợ); sau đó, phải thi tiếp kỳ thi tuyển sinh sau đại học của trường dự định vào học, nếu thi đậu sẽ được nhập học, nếu không đậu phải về nước.

Những lời khuyên hữu ích cho học sinh dự định du học Nhật Bản

Đối với các thí sinh du học tự túc, có thể đăng ký dự thi du học Nhật Bản để đánh giá năng lực và khả năng du học Nhật Bản. Kỳ thi này được tổ chức một năm hai lần vào tháng 6 và tháng 11 tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thời gian đăng ký dự thi khoảng từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3 và từ đầu tháng 7 đến gần cuối tháng 7, lệ phí thi của năm 2012 là 115.000 đồng (thời gian và lệ phí thi có thể thay đổi hằng năm). Thí sinh chọn bốn môn thi: tiếng Nhật, khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), môn tổng hợp, Toán học tùy theo yêu cầu của trường thí sinh muốn du học.

JASSO sẽ cấp học bổng cho những thí sinh có kết quả thi xuất sắc, các thí sinh có thể đăng ký xin học bổng của JASSO khi đang dự thi kỳ thi du học Nhật Bản tại trang web của JASSO.

Theo TS. Shine Toshihiko – đồng Giám đốc Văn phòng hợp tác Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kyoto (VKCO), khi thi tuyển sinh du học, các bạn cần lưu ý những chi tiết tưởng chừng vặt vãnh nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến kết quả của toàn bộ công sức mà bạn đã bỏ ra, ví dụ: phải viết đúng tên mình (người Nhật viết theo thứ tự họ trước, tên sau tương tự Việt Nam, nhưng nhiều bạn sinh viên sơ ý ghi theo kiểu hồ sơ của phương Tây là tên trước, họ sau), viết đúng tên bằng tiếng Anh của trường đang/đã học ở Việt Nam; đừng bao giờ đặt câu hỏi cho nhà phỏng vấn du học: “Tôi có thể học trường nào?”, thay vào đó hãy tự tìm hiểu các trường, tự đánh giá khả năng của mình để đưa ra quyết định; nêu được tên trường, tên giáo sư mình muốn theo học; tham khảo kỹ các đề thi trước đây.

TS. Shine Toshihiko tiết lộ thêm một “bí kíp” nữa là nên dò đúng gu của trường mục tiêu để “khoe thành tích” cho thích hợp, ví dụ có những trường đánh giá cao những hoạt động công tác xã hội, nhưng cũng có trường như Đại học Kyoto không thích các ứng viên khoa trương việc làm thiện nguyện của mình, nhưng lại đề cao sự tự do, tự suy nghĩ, tự trọng và xem trọng kinh nghiệm tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; TS Shine Toshihiko dẫn chứng tấm gương nhà khoa học Nhật Bản được trao giải Nobel Y học 2012 Shinya Yamanaka xuất thân từ Đại học Kyoto, trường chỉ có thể đáp ứng 30% kinh phí nghiên cứu, còn lại 70% ông tự xin tài trợ bằng cách khoác áo quảng cáo tham gia các cuộc chạy bộ.

Một kênh thông tin hữu ích khác là Câu lạc bộ Cựu sinh viên du học Nhật Bản tại TP.HCM (JUACH), website: http://www.juach.vn. Anh Phạm Phương Nam, Chủ tịch JUACH, cho biết sáng thứ Bảy hằng tuần, JUACH sẽ tư vấn du học miễn phí từ 9–11g tại số 55 Mạc Đĩnh Chi.

Để được tư vấn tốt nhất, bạn nên đăng ký và gửi câu hỏi trước cho Ban Giáo dục theo địa chỉ email: [email protected]. Ngoài ra, các bạn sinh viên có thể tham khảo thêm các thông tin về học bổng, kỳ thi du học Nhật Bản, kinh nghiệm sinh sống ở Nhật… trên các trang web của JASSO: http://www.jasso.go.jp, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp/vn/index_vn.htm, Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo: http://www.vied.vn/vn/default.aspx.

Đặc biệt, sắp tới, bạn có cơ hội gặp trực tiếp đại diện các trường hàng đầu Nhật Bản tại Hội thảo du học Nhật Bản lớn nhất trong năm 2012, dự kiến diễn ra từ 10g–16g ngày 25/11 tại Khách sạn Equatorial (242 Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM). Hội thảo quy tụ hơn 70 trường đại học, cao đẳng, đào tạo chuyên nghiệp, các học viện và các cơ quan, tổ chức khác, sẽ giới thiệu rõ hơn về các cơ hội học tập tại Nhật Bản, tư vấn miễn phí một cách chuyên nghiệp với những lời khuyên khách quan và cung cấp các thông tin học bổng có sẵn.

Thay lời kết, xin gửi tới các bạn sinh viên lời tâm huyết của vị học giả Fukuzawa Yukichi – nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất tới công chúng Nhật Bản, được in hình trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất 10.000 yen (hơn 100 USD): “Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa cũng bởi vì trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết… Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã…” (Khuyến học, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Dân Trí 2012).

Được viết từ năm 1872-1876, Khuyến học tiên phong trong dòng tư tưởng Minh Trị Duy tân, đã khơi dậy tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, khai sáng đất nước Nhật Bản hiện đại. Người Nhật đã đẩy mạnh giáo dục, từ nền tảng giáo dục mà họ đã trở thành quốc gia sở hữu nhiều giải Nobel nhất châu Á, trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Bạn hãy tâm niệm điều này khi quyết chí du học.

Những tin tức cùng chủ đề đang được quan tâm:

Du học, học bổng, học bổng du học, du học anh, du học mỹ, du học singapore, du học úc, tuyển sinh, điểm thi đại học, tiếng anh, giáo dục.

Kênh Tuyển Sinh