Trong một nghiên cứu dẫn đầu bởi Richard Weissabourd - một nhà tâm lý học đến từ Harvard, 80% trẻ ở độ tuổi vị thành niên nói rằng cha mẹ coi trọng thành tích hơn việc các em có biết quan tâm đến người khác hay không.
Nghiên cứu của Weissbourd đã tìm thấy những đứa trẻ biết quan tâm người khác sẽ có cuộc sống hạnh phúc, bình an hơn. Để có được tương lai đó, nhà tâm lý khuyên phải nuôi trẻ thành những cá nhân có trách nhiệm, biết quan tâm tới cộng đồng.
5 chiến lược được nhóm nghiên cứu đưa ra
1. Coi việc quan tâm người khác là ưu tiên hàng đầu
Cha mẹ có xu hướng coi niềm vui và thành tựu của con cái quan trọng hơn việc con có biết quan tâm đến người khác. Nhưng trẻ cần học cách cân bằng nhu cầu của bản thân mình với nhu cầu của người khác.
Khi con bạn giữ cam kết làm một người tốt cho dù chúng phải gạt đi hạnh phúc của riêng mình, bạn nên ngợi khen con. Ví dụ, khi con không còn muốn chơi trong đội bóng, ban nhạc hay tiếp tục mối quan hệ với một bạn nào đó, cha mẹ nên khuyến khích con suy nghĩ về bổn phận, trách nhiệm của mình. Khuyến khích con giải quyết vấn đề khiến con muốn từ bỏ trước khi thực sự từ bỏ.
Hãy thử các câu:
- Thay vì nói "điều quan trọng nhất là con cảm thấy vui", hãy nói "điều quan trọng nhất là con phải đối xử tốt với mọi người".
- Khi các con tuổi thiếu niên trở lên, bạn cần phải chắc chắn rằng các con luôn tôn trọng người khác ngay cả khi chúng mệt mỏi hay tức giận.
- Hãy nói chuyện với giáo viên, xem ở lớp con có quan tâm đến mọi người xung quanh không.
2. Cho con cơ hội để rèn luyện thái độ biết tri ân
Không bao giờ là quá muộn để trở thành một người tốt nhưng một người không thể tự nhiên thành người tốt được. Con bạn cần được rèn luyện thói quen chăm sóc, quan tâm đến mọi người và thể hiện niềm tri ân đến những người đã vun đắp cho cuộc sống của chúng.
Học để trở thành người biết quan tâm tới mọi người cũng như học cách chơi một môn thể thao, cần phải được rèn luyện hàng ngày. Các cha mẹ hãy thử:
- Không thưởng con bất cứ khi nào chúng giúp đỡ cha mẹ làm những việc trong nhà. Chỉ thưởng khi con biểu hiện lòng tốt đặc biệt, hiếm thấy.
- Nói chuyện với con về những hành động tốt vì người khác qua sách báo, ti vi.
3. Mở rộng mối quan tâm của con
Hầu hết trẻ em chỉ quan tâm đến một vòng tròn nhỏ bao quanh những người trong gia đình, bạn bè. Hãy cho chúng mở rộng quan tâm đến cả những người ở ngoài vòng tròn ấy, ví dụ như bạn mới, người nào đó không nói được ngôn ngữ của chúng, nhân viên trông coi trường học...
Các cha mẹ hãy thử:
- Hãy chắc chắn rằng con mình luôn thân thiện và biết ơn tất cả những người mà các em tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày, như người lái xe bus, người phục vụ bàn.
- Khuyến khích con quan tâm đến những người dễ bị tổn thương, ví dụ một bạn hay bị bắt nạt ở lớp.
- Sử dụng ti vi và báo chí để cho các con thấy và suy nghĩ về những khó khăn mà trẻ em ở các nước khác trên thế giới phải đối mặt.
4. Hãy là người thầy và tấm gương đạo đức tốt
Trẻ học những giá trị đạo đức qua việc quan sát hành động của những người lớn. Là một người thầy hướng dẫn và tấm gương đạo đức tốt cho con cái có nghĩa là chúng ta cũng phải thực hành đức tính trung thực, chí công, quan tâm đến mọi người quanh mình.
Cha mẹ hãy thử:
- Làm gương cho con bằng cách tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng mình sống, cho con tham gia thì càng tốt.
- Bàn bạc với con một tình huống đạo đức khó xử hoặc hỏi con về tình huống mà con gặp phải.
5. Hướng dẫn con cái quản lý những cảm xúc tiêu cực
Khả năng quan tâm đến người khác thường thường bị lấn át bởi những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, xấu hổ, ghen tị… Cha mẹ cần dạy các con rằng tất cả mọi cảm xúc đều không phải là xấu, nhưng cần có cách xử lý đúng.
Hãy thử cách đơn giản để giúp con lấy lại bình tĩnh: Yêu cầu con dừng lại, hít một hơi thật sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng và đếm đến 5. Luyện tập cách này khi con bạn trong trạng thái bình tĩnh. Đến khi con tức giận, hãy nhắc con thực hiện các bước trên. Sau một vài lần, trẻ sẽ có thể tự làm và bộc lộ cảm xúc của mình một cách hợp lý.
Theo VnExpress