Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thông báo về việc có sự thay đổi về cấu trúc các phân môn trong chương trình lớp 3, lớp 7 và lớp 10; trong đó lớp 3 tăng số lượng tiết trên tuần so với hiện hành.
Bạn đã cập nhật thông tin mới nhất về việc thay đổi chương trình lớp 3, 7 và 10 chưa?
Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Chương trình này, bắt đầu triển khai lần lượt ở từng khối lớp từ năm học 2020-2021, sẽ thay thế chương trình hiện hành đã áp dụng từ 2006.
Năm học 2022-2023, chương trình mới được áp dụng cùng lúc ở cả ba khối (lớp 3, 7 và 10).
1. Đối với chương trình lớp 3
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Số tiết học Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết. So với chương trình hiện hành, thời lượng Toán không thay đổi, còn Tiếng Việt giảm một tiết/tuần.
Ngoài ra, chương trình mới quy định thời lượng học ngoại ngữ là 4 tiết trong tuần, cả năm 140 tiết. Các em cũng được học thêm Tin học và Công nghệ, tăng thời lượng học Tự nhiên và xã hội.
Do đó, tổng số tiết mỗi tuần của chương trình lớp 3 mới là 28, nhiều hơn so với mức 23+ hiện tại. Các trường tiểu học tổ chức dạy hai buổi trên ngày với tổng số tiết không quá 7, mỗi tiết kéo dài 35 phút.
2. Đối với chương trình lớp 7
Ở bậc THCS, chương trình lớp 7 mới không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp trong một môn và giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành.
Các môn học, hoạt động bắt buộc khác gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm giáo dục của địa phương. Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.
Hai chương trình không chênh lệch nhiều về thời lượng. Tổng số tiết mỗi tuần của chương trình hiện hành là 28,5+, còn chương trình mới là 29. Các trường được khuyến khích dạy hai buổi trên ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.
3. Đối với chương trình lớp 10
Chương trình lớp 3 và lớp 7 thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1-9). Đến lớp 10 - năm đầu tiên trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10-12), chương trình thay đổi rõ rệt.
Học sinh không phải học 17 môn và hoạt động giáo dục như chương trình hiện hành (tính cả môn tự chọn là 18). Các em chỉ phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Học sinh chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Về thời lượng của chương trình lớp 10, trường THPT tổ chức học một buổi, mỗi buổi không quá năm tiết, mỗi tiết 45 phút, tương tự hiện nay. Tuy nhiên, chương trình mới khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ. Học sinh sẽ học 29 tiết mỗi tuần trong năm lớp 10, thấp hơn mức 29,5+ theo chương trình hiện hành.
4. Chương trình phổ thông mới đặt ra yêu cầu thay đổi sách giáo khoa.
Đầu năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh mục sách giáo khoa theo chương trình mới.
Theo đó, lớp 3 có 43 đầu sách được chọn, lớp 7 là 45 sách, còn lớp 10 có 55 sách. Ở cả ba khối lớp, Tiếng Anh đều là môn có số đầu sách được phê duyệt nhiều nhất, dao động 9-10 sách, mỗi môn còn lại khoảng 1-4 sách.
So với chương trình lớp 1 với năm bộ sách, danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 chỉ còn ba bộ, gồm Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống.
UBND cấp tỉnh có quyền thành lập hội đồng, quyết định lựa chọn sách giáo khoa.
Theo quy trình, giáo viên sẽ nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa, sau đó bỏ phiếu kín. Từ đóng góp của giáo viên, các trường tổ chức cuộc họp gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn và đại diện cha mẹ học sinh để chọn ra các bộ sách. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chuyển cho hội đồng danh mục sách được các trường đề xuất.
Sau khi nhận đề xuất, hội đồng bỏ phiếu kín để chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Từ kết quả này, UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách để sử dụng tại các trường trong khu vực.
Sở Giáo dục và Đào tạo phải thông báo danh mục sách được phê duyệt chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tức tháng 4 hàng năm. Hiện, các địa phương chỉ còn vài ngày để hoàn thành quá trình chọn sách.
> Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển sinh hơn 2200 chỉ tiêu năm 2022
> Tham khảo chiến lược xây dựng hồ sơ để tiến vào các Đại học hàng đầu tại Mỹ
Theo VnExpress