Những điều cần cân nhắc trước khi du học Úc
Du học Úc không chỉ một màu hồng như các bạn vẫn nghĩ. Đã quyết định đến một đất nước xa lạ học tập thì sinh viên phải chấp nhận có nhiều khó khăn và thử thách. Việc có vượt qua để du học Úc thành công hay không phụ thuộc vào chính bản thân các bạn. Dưới đây là 6 điều học sinh sinh viên cần suy nghĩ trước khi học tập tại xứ sở kangaroo.
1. Nỗi lo học phí
Tiền học phí vẫn là vấn đề khiến nhiều sinh viên quốc tế khiếp sợ khi lựa chọn du học Úc tự túc. Ở bậc ĐH, sinh viên quốc tế phải đóng học phí cao hơn tới 400% so với sinh viên mang quốc tịch Úc. Theo một cựu chuyên gia chuyên ngành thần kinh học, ông Peter Osborne, lý do không liên quan tới các loại thuế mà chỉ là chế độ ưu tiên quốc gia.
Tại các trường ĐH ở Melbourne, Sydney và Queensland, để có một bằng cử nhân khoa học cơ bản, sinh viên Úc đóng phí 8.500 đô la Úc mỗi năm. Cũng với chương trình học này, sinh viên nước ngoài phải đóng mức phí trong khoảng từ 15.500 đến 35.500 đô la mỗi năm, tương đương khoảng 400% mức phí một sinh viên Úc phải nộp. Và có vẻ như các trường ĐH tốt nhất của Úc dường như hài lòng khi đặt ra mức phí cao gấp 4 lần cho du học sinh không phải là công dân Úc tới từ các nước có thu nhập bình quân thấp hơn. Sự cộng hưởng của sinh viên quốc tế vừa tạo nên những giá trị về kinh tế, vừa tạo môi trường học tập đa quốc gia, đa văn hóa.
Theo một thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, sinh viên quốc tế đã đóng góp 15.74 tỉ đô la Úc vào nền kinh tế trong năm tài chính 2013 (con số kỷ lục thuộc về năm 2010 với 16,4 tỉ đô la Úc), một con số quá ấn tượng cho hoạt động kinh doanh giáo dục để cho thấy sinh viên quốc tế đang là lực lượng chi trả cho nhân viên và rất nhiều hoạt động giáo dục tại trường học.
2. Chính sách ưu đãi của chính phủ Úc không dành cho tất cả
Không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận danh sách các trường được áp dụng chính sách mới của đại sứ quán bởi gánh nặng giờ đây đè lên vai các trường đại học.
Phải làm thế nào để có thể đưa chính sách mới vào guồng quay hợp lí trong khi số lượng sinh viên từ khắp nơi trên thế giới ào ạt đổ vể. Số lượng tuyển sinh có hạn trong khi sinh viên muốn theo học tại Úc lại quá đông. Chính vì lẽ đó, việc xét duyệt hồ sơ du học Úc cũng trở nên khó khăn hơn.
Trước hết, yêu cầu chất lượng học sinh, sinh viên cao hơn nhiều. Chính sách mới nói rằng bạn có thể đăng kí sang học tiếng Anh tại Úc nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể sang đó mà không biết đến cả những câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Giữa một “núi” hồ sơ, giữa một sinh viên học tốt và có tiếng Anh cơ bản và một sinh viên học tốt nhưng tiếng Anh ở level 0 thì chắc chắn các trường sẽ chọn sinh viên thứ nhất. Do đó, gánh nặng về chất lượng cũng chuyển sang cho du học sinh Úc.
3. Quản lý chặt chẽ về visa
Úc là quốc gia có sự quản lý rất khắt khe về visa mà một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là số lượng sinh viên quốc tế đông. Tất cả sinh viên có visa du học Úc đều biết đến việc phải có điểm danh trên 80% thời lượng học mới có thể tiếp tục ở lại. Trường sẽ báo số điểm danh lên cho trụ sở quản lý việc nhập cảnh và nếu bất cứ sinh viên nào không đi học đầy đủ, dưới 80% sẽ bị cắt visa. Vì vậy, những sinh viên “cúp cua” sẽ khó lòng giữ visa du học để ở lại nước Úc chứ đừng nói đến việc không qua nổi các kỳ thi. Điều đó có nghĩa là: Ngay cả khi đã đặt chân đến Úc rồi thì nguy cơ mất visa, bị buộc quay về nước cũng rất cao.
Du học Úc: Không chỉ có màu hồng?
4. Học tập khó khăn
Song song với việc quản lý visa, việc học tập trong trường cũng khiến nhiều sinh viên quốc tế lo lắng đến… nghẹt thở bởi chỉ cần thi rớt 2 lần/môn là sẽ bị đuổi học, và khi trường hợp đó xảy ra thì khó có trường ĐH nào nhận nữa.
Bạn Trương Thúy Hằng, sinh viên Trường ĐH La Trobe, cho biết: “Việc học tập được giám sát chặt chẽ tại các trường ĐH có chất lượng cao. Để đậu một môn, sinh viên cần đạt được 50% tổng số điểm của môn đó. Tổng điểm của mỗi môn được chia thành nhiều phần đánh giá (assessments), nên nhiều khi chưa cần thi cuối kỳ thì một số bạn đã đủ điểm đậu. Tuy nhiên, ở nhiều trường ĐH lớn, sinh viên buộc phải đạt trên 50% cho bài thi cuối kỳ để đậu dù điểm tổng của các assessment có cao. Sở dĩ có điều khoản này là vì các trường muốn tránh tình trạng sinh viên chủ quan sau khi đạt được điểm cao trong các assessment trước, lơ là kỳ thi, ảnh hưởng đến danh tiếng của trường”.
Vì vậy, sinh viên phải nỗ lực học và thi cuối kỳ thật tốt vì nó quyết định việc đậu rớt của môn học đó, quyết định việc phải quay về nước, ở lại hay rẽ sang một hướng đi khác nếu muốn ở lại Úc. “Khi bị đuổi học, trường thông báo lên cho sở nhập cảnh là sinh viên đó không còn theo học ở trường nữa thì visa sẽ ngay lập tức bị hết hiệu lực. Nếu muốn tiếp tục ở lại Úc, sinh viên sẽ phải đăng ký học tại các trường dạy nghề và đây chính là điều lý giải vì sao nhiều bạn đi du học bằng học bổng du học Úc nhưng lại quay về với tấm bằng của… trường CĐ nghề”, Thúy Hằng chua chát nói.
5. Luật pháp Úc rất khắt khe
Rất nhiều du học sinh từ Việt Nam đã không thể tiếp tục theo học tại Úc vì một số lí do khác. Ví dụ như H.T qua Úc để học trung học. Vốn tính nghịch ngợm, trong một lần đi chơi với bạn, ngồi trên xe nhìn thấy vài cảnh sát, H.T chỉ đùa giỡn và nói những lời không được lịch sự với cảnh sát. Kết cục của hành động vô ý thức đó là việc bị cắt Visa và bị trục xuất ra khỏi nước Úc vì có thái độ lăng mạ cảnh sát.
T.L thì lại phải về nước vì một nguyên nhân “ hơi khó tin”. Cô nàng đi trốn vé xe bus, bị bắt và cũng phải xách vali về nước trong vòng 1 tháng. Luật pháp của Úc không có việc tử hình nhưng nó không đồng nghĩa nước Úc dễ dãi trong việc phạm pháp. Đặc biệt là đối với du học sinh, thành phần tạm trú, thì việc tôn trọng luật pháp là rất quan trọng. Nên chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ mà phạm pháp thì khó có thể tiếp tục ở lại và học tập tại Úc.
6. Và những điều cám dỗ khi du học Úc
Không ít du học sinh bị sốc khi bước từ môi trường quen được “bao cấp” ở Việt Nam sang một môi trường đòi hỏi sự tự chủ hoàn toàn cả trong học tập lẫn sinh hoạt như ở Úc. Nhiều sinh viên thất bại trong học tập vì không chủ động tìm đến kiến thức.
Một điều cám dỗ rất ghê gớm đối với các bạn có điều kiện du học Úc là nạn bài bạc. Các sòng bạc lớn ở Melbourne, Sydney là những nơi thu hút rất đông du học sinh từ Việt Nam.
Một cựu du học sinh nói: “Nó như ma túy vậy, tiền gia đình gửi, tiền đi làm thêm đều nướng vào đó. Cũng may tôi còn chạy được về đây với tấm bằng đại học, cứ tưởng là đã phải “bỏ xác” bên đó rồi”. Rất khó cho các bậc cha mẹ kiểm tra kết quả học tập lẫn sinh hoạt của con trong thời gian du học Úc. Vì nếu như sinh viên không muốn cho biết thì không có cách nào kiểm tra vì luật của Úc bảo vệ những bí mật riêng tư, kể cả kết quả học tập.
Bí quyết để có cuộc sống du học Úc an toàn và khỏe mạnh
Một mình ở nước ngoài học tập cũng rất hứng thú, bạn sẽ là người làm chủ cuộc sống học tập và sinh hoạt của mình. Tuy nhiên, cũng khá vất vả đấy, nếu không chủ động được việc sắp xếp giờ giấc học tập, sinh hoạt hay vui chơi giải trí, thậm chí là không xoay sở được với chuyện bếp núc, giặt giũ, việc sống một mình tại nước ngoài cũng khá phiền hà, thậm chí trở nên quá khó khăn đối với nhiều bạn.
Rút kinh nghiệm từ việc sống và học tập tại Úc, những bạn du học sinh đang theo học tại Úc sẽ chia sẻ một vài điều hữu ích mà bạn nên lắng nghe nếu đang dự định đến xứ sở kangaroo học tập nhé.
-
Tăng cường giao tiếp với mọi người
Đừng nghĩ ngồi một chỗ tập trung cho việc học, không nói chuyện tới ai thì kết quả học tập của bạn có thể đạt đến điểm cao nhất. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn bị stress đấy, hãy ra ngoài cùng bạn bè tham gia những hoạt động ngoại khóa bổ ích, hay đến với những hoạt động tình nguyện, tâm lý thoải mái dĩ nhiên chất lượng học tập của bạn cũng sẽ tốt hơn. Một mình đến Úc du học đã quá cô đơn rồi, vì vậy, hãy để bạn bè, thầy cô và những người xung quanh làm cuộc sống du học Úc của bạn bớt buồn tẻ nhé.
-
Chăm chỉ tham gia các hoạt động thể thao
Môi trường sống tại Úc rất trong lành, nếu biết kết hợp với các hoạt động thể thao phù hợp, bạn chính là người biết hưởng thụ và chăm chút kĩ cho sức khỏe của bản thân. Việc tăng cường các hoạt động thể chất không những giúp bạn có sức khỏe tốt và tinh thần cũng thêm minh mẫn. Cả ngày ngồi học ở thư viện, cặm cụi với màn hình vi tính sẽ rất mệt mỏi. Hãy sắp xếp cho mình một giờ luyện tập thể thao nhé. Người Úc rất yêu thể thao, sống cùng với họ, bạn không khó tìm cho mình một bộ môn yêu thích đâu.
-
Sắp xếp giờ giấc sinh hoạt – học tập cho hợp lý
Một biểu hiện khá phổ biến của việc sắp xếp thời gian sinh hoạt – học tập thiếu khoa học là việc thức thật khuya để ôn bài, nhất là vào những kì kiểm tra. Nhiều bạn cho rằng đây là thời điểm yên tĩnh và dễ tập trung, tuy nhiên thức khuya cực kì có hại cho sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động trong ngày hôm sau. Về lâu về dài, bạn sẽ lãnh những hậu quả đáng sợ từ thói quen ngược đời này nhé. Một thời gian biểu hợp lý là cần thiết cho bạn, hãy để việc học của mình đạt hiệu quả cao mà đồng hồ sinh học của bản thân vẫn hoạt động tốt nhé.
-
Ăn uống khoa học
Thông thường những bạn lười hoặc không biết nấu ăn thường tìm đến việc ăn ngoài. Thức ăn nhanh quả thật rất tiện lợi nhưng lại thiếu dinh dưỡng và nhiều khi lại không hợp khẩu vị. Vì vậy mà nhiều bạn ăn uống rất qua loa, ảnh hưởng đến sức khỏe. Một lời khuyên đến các bạn là hãy tập nấu ăn, việc nấu ăn những món ăn đơn giản không mất quá nhiều thời gian đâu. Vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt vừa hợp khẩu vị lại có nhiều dinh dưỡng, sao bạn không thử chứ?
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các dich vu tu van du hoc uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.