Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được phản ánh trên báo chí, gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cứ 8 giờ trôi qua, tại Việt Nam lại có thêm một trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD).
Đằng sau con số 8 đáng sợ ấy là hàng ngàn trẻ thơ chưa biết bao giờ mới tìm lại được nụ cười hồn nhiên, là hàng ngàn phụ huynh đau khổ dìu con đi qua “cơn bão” bạo tàn đổ bộ quá sớm vào đời con.


Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ thở dài suông và thầm mong “Con/em/cháu của mình luôn được an toàn!” khi đọc những tin tức khủng khiếp, đau lòng về XHTD trẻ em. Bởi, sự an toàn không phải đạt được chỉ bằng niềm tin hay nguyện ước mà phải bằng những nỗ lực tích cực - đúng đắn phòng chống hiểm nguy.Không im lặng! - Đó chính là tâm nguyện của những người thực hiện cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con, mong muốn cảnh tỉnh và đem đến những kiến thức cần thiết và quan trọng mà bất cứ cha mẹ nào cũng cần biết để bảo vệ con em mình trước tệ nạn XHTD. Cũng như trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để có thể bảo vệ mình.


Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con được biên soạn bởi đội ngũ có cả người lớn - trẻ em; và đây là cuốn sách “2 trong 1” - tức đồng thời chứa đựng nội dung dành cho cha mẹ và trẻ em, được trình bày riêng biệt. Những thú vị này hàm chứa thông điệp: Mọi thành viên trong gia đình hãy luôn bên nhau trong hành trình phòng chống XHTD trẻ em, và trẻ em chính là người bảo vệ mình tốt nhất.


cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con


Phần dành cho phụ huynh có tựa Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con - Cha mẹ cần biết trước khi quá muộn! chủ yếu được biên soạn bởi Tiến sĩ Phạm Thị Thúy. Từ năm 2009, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy bắt đầu tham gia các buổi chia sẻ về phòng chống xâm hại trẻ em. Hai năm trở lại đây, khi xã hội rộ lên các vụ trẻ bị bắt cóc, xâm hại trẻ em,… chị lại tham gia vào các buổi chuyên đề hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân, giới thiệu sách, truyện liên quan đến chủ đề này do các trường tiểu học và trung học cơ sở tổ chức.


Khi nói chuyện với các em học sinh, chị nhận thấy chưa có tài liệu nào viết từ tình hình thực tế của Việt Nam để hướng dẫn các em chi tiết về cách phòng tránh XHTD. Cho đến khi tin tức về các vụ xâm hại trẻ em ngày càng nhiều hơn, chị đã thử live stream (phát trực tiếp) trên Facebook cá nhân về chủ đề này và nhận được sự quan tâm của rất nhiều cha mẹ.


Sau một giờ trò chuyện qua mạng, chị đã nhận về dồn dập tâm sự của các nạn nhân bị XHTD khi còn bé. Trong những tâm sự ấy, có biết bao day dứt, đau đớn; cũng có những người chia sẻ với chị việc họ đã may mắn thoát khỏi bẫy yêu râu xanh như thế nào…
Từ những câu chuyện người thật việc thật, nhất là trong hoàn cảnh xã hội đang đặt ra những nguy cơ về XHTD trẻ em hiện nay, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy đã quyết tâm lên tiếng và hành động để mọi trẻ em được an toàn. Không chỉ tiếp tục chia sẻ nhiều hơn trong sân trường, trên lớp học, với hàng nghìn học sinh, giáo viên các trường ở địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận về chủ đề phòng chống XHTD trẻ em, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy còn bắt tay cùng các cộng sự để thực hiện cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con.


Trong cuốn sách này, tác giả đã cùng nhóm tác giả trao tặng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và lòng yêu thương để cùng mọi người chung tay bảo vệ trẻ em. Đây không chỉ là kiến thức và kinh nghiệm của riêng những người thực hiện, mà còn là tri thức từ nhiều nguồn, nhiều tổ chức trên thế giới đã đúc kết thông qua những hình ảnh, những quy tắc an toàn dễ nhớ, dễ thuộc dành cho các bé và các bậc phụ huynh.
Sách cung cấp những hiểu biết cơ bản về vấn đề XHTD trẻ em, cách dạy trẻ phòng chống XHTD, những việc cần làm khi thấy trẻ có dấu hiệu bị XHTD, tâm sự của những người từng bị XHTD,...


Một trong những cộng sự đặc biệt, đã cùng tham gia thực hiện cuốn sách, chính là cô bé Trần Lê Thảo Nhi, 9 tuổi, hiện đang học lớp 4 tại TP.HCM. Vì bức xúc với nạn XHTD trẻ em nên Thảo Nhi đã họp các bạn nữ trong lớp và chia sẻ với các bạn cách tự vệ. Đây cũng chính là phần dành cho trẻ em với tựa Những bảo bối của Hiệp sĩ TANI – Trẻ em bảo vệ trẻ em! giới thiệu những kỹ năng phòng tránh XHTD dành cho bé - với những câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ; nhiều câu chuyện thoát hiểm thiết thực và tranh minh họa sinh động.


Các kỹ năng này được truyền tải bởi nhân vật nữ hiệp sĩ TANI dũng cảm, đáng yêu. Thảo Nhi viết ra những ý tưởng của em về cách phòng chống XHTD, kể lại những câu chuyện thoát hiểm thông minh mà chính Thảo Nhi đã trải qua, hay nghe được từ bạn bè, đọc qua sách báo.
Cuốn sách nhỏ này sẽ là phương tiện để cha mẹ cùng đọc, cùng tâm tình, cùng thực hành với con những kỹ năng tự vệ, tránh những nguy hiểm. Dạy trẻ cách phòng chống XHTD là một phần nội dung giáo dục giới tính cho trẻ. Đó cũng chính là cơ hội dạy trẻ cách giao tiếp với mọi người sao cho được vui, được an toàn.


Theo zing.vn