Sự kiện: Giáo dục / đào tạo / kỹ năng mềm / đào tạo kỹ năng mềm
Hè về, các đơn vị lữ hành, tổ chức sự kiện bắt đầu tung ra những chương trình hè rèn luyện kỹ năng dành cho khách hàng tuổi học sinh. Vừa vui chơi giải trí, vừa học kỹ năng mềm, rèn luyện thể lực...
Các bạn trẻ vượt qua thử thách tại trại hè kỹ năng sống dành cho thanh thiếu niên của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - Ảnh: MAI VINH |
“Nhu cầu hè của các em rất lớn. Nhiều đơn vị nhảy vào sân chơi lớn này, ai cũng có thể làm trại hè, đó là một thực tế. Cần phải chọn lựa cẩn thận” - ông Phạm Ngọc Quyên, phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM, cho biết.
Đa dạng các hoạt động kỹ năng
Được gặp gỡ, giao lưu, rèn luyện, hoạt động các trại hè kỹ năng như là một cuộc giải trí của các em sau một năm học. Các chương trình trại được thiết kế khá phong phú, tùy theo từng độ tuổi, sở thích mà các em có thể chọn cho mình những chương trình khác nhau. Với trẻ ở độ tuổi cuối cấp I, đầu cấp II thì phần lớn những cuộc trại đi về trong ngày và chủ yếu cho trẻ trải nghiệm như học làm nông dân, làm nhà khoa học, nhà sinh học, thậm chí học làm nhà chính trị, dẫn chương trình... Các bé sẽ được tìm hiểu về lý thuyết và phần lớn thời gian là thực hành.
Các em ở độ tuổi cấp II, trại hè sẽ thiết kế khó hơn và thời gian kéo dài 2-3 ngày. Trải nghiệm ở một địa điểm mới, xen kẽ các trò chơi vận động, học hát, học nấu cơm, luộc trứng, gấp quần áo và một số kỹ năng trại sơ đẳng khác. Trại kỹ năng dành cho học sinh cấp III sẽ nâng lên mức thử thách và rèn luyện với những trò chơi vận động, trò chơi đêm đòi hỏi nhiều thử thách. Xem thêm: Kỹ năng sống dành cho học sinh cấp 3
Hè 2013 này, Nhà Thiếu nhi TP.HCM tung ra bốn nội dung trại: du khảo bằng xe đạp, khám phá thiên nhiên, leo núi và trại “Tung cánh đại bàng con”, rèn luyện kỹ năng bước đầu về tính tự lập, tự phục vụ, chăm sóc bản thân. Công ty du lịch Lửa Việt đưa ra ba trại hè kỹ năng: dã ngoại kết hợp trò chơi vận động biển ở cù lao Câu (Tuy Phong, Bình Thuận) hai ngày hai đêm. Đặc biệt là trại hè “Những nhà lãnh đạo tương lai” kéo dài sáu ngày năm đêm tại khu du lịch Madagui (Lâm Đồng) với những nội dung trang bị về sơ cấp cứu, các trò chơi xây dựng làm việc nhóm, leo núi...
Ở Hà Nội, một số đơn vị như Trường phổ thông nội trú IVS (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, Viện Nghiên cứu, phát triển võ VN và thể thao) cũng tung ra các trại hè “Chúng em là chiến sĩ”, “Con yêu gia đình”, “Chúng mình cùng chơi”... trang bị nhiều kỹ năng cho các em. Hoặc những chương trình như học yêu thương, học hiểu bản thân, xác định mục tiêu và lập kế hoạch phát triển cho bản thân... cũng được các đơn vị quảng bá rầm rộ. Mức chi phí tùy thời gian, địa điểm và nội dung, từ vài trăm ngàn (dành cho các em cấp I đi về trong ngày) đến 4-5 triệu đồng.
Thiếu những trại hè đậm chất trải nghiệm
Nếu như trước đây phụ huynh e ngại khi cho các em tham gia trại hè kỹ năng thì hiện nay đây lại là nhu cầu. Chỉ tính riêng Nhà Thiếu nhi TP.HCM, mỗi mùa hè có hơn 600 em tham gia các trại hè ở đây. Các đơn vị lữ hành cho biết số lượng khách tham gia mỗi năm một tăng và các chương trình trại được cập nhật liên tục, thời gian tổ chức kéo dài suốt ba tháng hè, thay cho một vài đợt cao điểm như trước đây.
Đánh giá về nội dung các trại hè, ông Nguyễn Văn Mỹ - giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt - cho biết: “Nhu cầu hè của trẻ rất lớn nhưng nhìn chung nội dung vẫn không mới, cái khác có chăng là chất lượng được cải thiện”. Một thực trạng là hiện nay các trại hè kỹ năng đang bị thương mại hóa, chạy theo doanh thu và người được giao tổ chức chưa thể làm bằng đam mê, nên nhiều trại hè bị biến dạng. Bản thân Công ty Lửa Việt cũng đứng trước vấn đề nan giải này, tổ chức theo mong muốn xây dựng một trại hè đậm chất cho các em thì không đủ doanh thu, ngược lại làm để đủ doanh thu thì không theo mong muốn được.
“Làm trại hè không dễ, phải nắm bắt tâm lý lứa tuổi và có kiến thức sư phạm. Thực tế hiện nay là mạnh ai nấy làm, nếu xác định đây là một chương trình ngoại khóa dành cho các em thì phải có chính sách hỗ trợ để các đơn vị thực tâm có những trại hè đúng nghĩa” - ông Mỹ chia sẻ thêm. Ông Mỹ cũng tâm tư khi hiện có rất nhiều trại hè sao chép nội dung ở các nước khác, trong khi lịch sử của VN ta dư sức tạo ra những học kỳ như học kỳ Đống Đa, Bạch Đằng, Tây Sơn, Điện Biên Phủ mà nội dung trải nghiệm sẽ theo từng chủ đề. “Dù đam mê nhưng để thực hiện được thì...” - ông Mỹ nói.
“Một trại hè 2-3 ngày là dịp để các em va chạm, trải nghiệm cuộc sống. Đi du lịch thuần túy với gia đình không thể được coi là trải nghiệm. Phải để các em xa cha mẹ, có thể các em sẽ bị thiệt một vài thứ đấy nhưng kinh nghiệm sống của các em sẽ được nâng lên” - ông Quyên chia sẻ thêm. Bởi thực tế hiện nay ai cũng có thể đứng ra tổ chức trại hè và nhiều trại hè quảng cáo một đằng, tổ chức một nẻo nên phụ huynh cẩn trọng khi chọn lựa - ông Quyên đưa ra lời khuyên.
* Chị Đoàn Thị Cẩm Tú (UBND P.14, Q.3, TP.HCM): “Nhớ lần đầu tiên cho con tham dự trại hè những sáu ngày, tôi rất lo lắng vì con mình chưa bao giờ xa ba mẹ, rồi ăn uống làm sao, ngủ nghỉ thế nào, cho đi mà hồi hộp. Vậy mà sau trại hè cu cậu biết tự sắp xếp quần áo, mọi chuyện cá nhân đều biết tự sắp xếp. Anh chàng cũng mạnh dạn, bản lĩnh hơn hẳn, thậm chí còn lên kế hoạch cho năm học mới, học hành cũng tự giác và hiệu quả hơn. Ba mùa hè liên tiếp năm nào cũng đi trại và đang chuẩn bị cho anh chàng tiếp tục một kỳ trại nữa trước khi vào lớp 7 đây”. * Ông Đào Kim Trang (giám đốc Công ty du lịch Lĩnh Nam): “Ban đầu nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, không muốn cho các em tham dự nhưng đi trại về là tụi nhỏ quấn quít nhau, lúc chia tay ôm nhau khóc thấy thương lắm. Nhiều phụ huynh muốn can thiệp vào những ngày đi trại của con nhưng như thế sẽ rất phức tạp. Nếu để các em tự tham gia mà không có ba mẹ, các em tỏ ra chủ động và xử lý mọi vấn đề tốt hơn rất nhiều. Ba mẹ sẽ bất ngờ vì chính sự trưởng thành của con em mình”. |
Kênh Tuyển Sinh ( Theo Báo Tuổi Trẻ Online - Xem tin gốc )