Ngành giáo dục trải qua năm 2020 đầy biến động do ảnh hưởng của Covid-19, thay đổi sách giáo khoa lớp 1, nhưng cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Covid-19 tác động tới toàn ngành giáo dục

Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch truyền nhiễm ở Việt Nam. Một ngày sau, Hà Nội, TP HCM cùng hơn 20 địa phương thông báo cho học sinh nghỉ học một tuần. Ở bậc đại học, 70 trường cũng điều chỉnh lịch đi học trở lại sau Tết Canh Tý. Đến ngày 3/2, tất cả tỉnh thành đóng cửa trường học vì dịch bệnh - điều chưa từng xảy ra.

Cứ cuối tuần, phụ huynh, học sinh và giáo viên thấp thỏm chờ thông báo đi hay nghỉ học từ chính quyền. Sau khi ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) tạm lắng thì đến ngày 6/3 ca bệnh mới ở Hà Nội được phát hiện và sau đó lan tới 40 tỉnh thành, hơn 22 triệu học sinh nghỉ học từ tháng 2 đến 5.

biến động giáo dục

Học sinh trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đeo khẩu trang trong ngày đầu trở lại trường hồi tháng 5

Xác định thời gian nghỉ học chống dịch không còn ngắn hạn, ngành giáo dục và các địa phương xây dựng kế hoạch dạy và học online. Từ việc tận dụng các ứng dụng, mạng xã hội để livestream hoặc tải video lên cho học sinh tự học, nhiều trường học, thầy cô chủ động sáng tạo nhiều hình thức khác.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, Covid-19 cũng là cơ hội để các trường củng cố, phát triển hệ thống dạy và học trực tuyến, luôn trong tư thế sẵn sàng trước diễn biến xấu nhất của dịch bệnh. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 29/9 cho thấy việc học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan. 79,7% học sinh được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình của các nước OECD (67,5%).

Tháng 5, khi Covid-19 được khống chế, trường học mở cửa trở lại, phụ huynh và nhiều trường quốc tế lại nảy sinh mâu thuẫn học phí online. Tại trường Quốc tế Việt Úc (VAS) ở TP HCM, hơn 200 phụ huynh yêu cầu đối thoại về việc học phí không giảm trong khi số lượng tiết học online quá ít so với học trên lớp.

Phụ huynh trường Quốc tế Úc (AIS) nhiều lần mang băng rôn yêu cầu trường đối thoại về chính sách học phí nhưng bất thành. Tương tự, hàng loạt phụ huynh các trường Quốc tế Mỹ (TAS), Sao Việt (VStar School), Emasi Nam Long cũng có động thái phản đối học phí online mùa dịch. Phụ huynh cho rằng học online nhưng thu học phí như học tập trung là không xứng đáng. Mặt khác, việc làm này thể hiện sự không chia sẻ của trường với khó khăn của phụ huynh.

Trừ một nhóm phụ huynh trường VAS gửi đơn kiện, hầu hết trường còn lại đều đạt sự thỏa thuận với phụ huynh sau đó.

biến động giáo dục

Phụ huynh đứng trước trường Quốc tế Việt Úc (quận 10, TP HCM) phản đối chính sách thu học phí, sáng 5/5

Học phí trường quốc tế trong năm 2020 như thế nào?

Học phí trường quốc tế trong năm 2020 như thế nào?

Học phí trường quốc tế đắt đỏ là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Nhiều trường quốc tế đã công bố học phí năm 2020, cao nhất lên đến 700 triệu đồng.

Học sinh không đến trường 3 tháng kéo theo hàng loạt kỳ thi phải thay đổi. Trong nước, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở các tỉnh thành phải lùi lịch. Một số địa phương như Hà Nội quyết định bỏ bớt môn thi để giảm áp lực cho học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia cũng đổi thành thi tốt nghiệp THPT, lùi lại một tháng rưỡi và phải chia làm hai đợt do Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Trên trường quốc tế, các cuộc thi Olympic Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh bị hủy. Một số nước tổ chức thi trực tuyến thay thế. Du học sinh Việt Nam khắp các quốc gia hoảng loạn vì dịch bệnh, xoay xở mua vé về nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế bị hạn chế rồi dừng hẳn, nhiều em không thể về. Những em về nước thành công chật vật với lịch học online do lệch múi giờ.

Thay vì lên đường du học vào khoảng tháng 8 như mọi năm, những học sinh trúng tuyển năm nay phải học online tại Việt Nam. Một số em quyết định "gap year" (bảo lưu) một kỳ hoặc một năm sau lệnh này.

Kỳ thi THPT thay đổi

Kỳ thi THPT quốc gia của gần 900.000 học sinh thay đổi liên tục sau khi bị lùi thời gian do ảnh hưởng của Covid-19. Thay vì tổ chức vào cuối tháng 6 như mọi năm, kỳ thi quan trọng này được chia làm hai đợt. Một đợt lùi tới ngày 9-10/8 và một đợt ngày 3-4/9.

Do thời điểm đó Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc trách nhiệm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà thay bằng thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương giữ vai trò chủ trì, trường đại học chỉ thanh kiểm tra.

Trước khi đi đến quyết định này, phụ huynh và học sinh đã có ba tuần hoang mang. Ban đầu, Bộ cho biết vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 nhưng giảm số môn và nội dung. Thậm chí, Bộ còn công bố đề thi tham khảo để học sinh có hướng ôn tập.

Một tuần sau, học sinh lớp 12 bất ngờ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh làm ba bài độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi bài tự chọn được chấm một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần. Phương án trên được Thủ tướng chấp thuận. Học sinh lại rối bời vì phải ôn tới 5-6 môn thay vì chỉ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống.

Giữa lúc nhà trường, giáo viên, học sinh phản ứng dữ dội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ giữ nguyên ba đầu điểm ba môn thành phần của bài thi tổ hợp như năm 2019. Về cơ bản, kỳ thi không thay đổi nhiều so với thi THPT quốc gia năm 2019, học sinh như "trút được gánh nặng".

Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng đã diễn ra, đảm bảo hai mục tiêu: An toàn phòng chống dịch và đúng quy chế. Các trường đại học thuận lợi trong việc sử dụng kết quả để tuyển sinh. Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của OECD, ông Andreas Schleicher, đánh giá: "Việt Nam đã nêu gương tốt về việc tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện rất khó khăn vì đại dịch".

biến động giáo dục

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT hồi tháng 8 phải tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch

Sách giáo khoa lớp 1 mới bị phản ứng

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.

Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.

Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh". Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận để dư luận bức xúc về một số điểm chưa phù hợp trong sách Tiếng Việt lớp 1 có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng thẩm định và tác giả. Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp trong bộ sách.

Không chỉ bộ Cánh Diều, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phải chỉnh sửa hàng loạt câu từ trong sách Tiếng Việt của bốn bộ.

Những nội dung được điều chỉnh trong sách Tiếng Việt Cánh Diều

Những nội dung được điều chỉnh trong sách Tiếng Việt Cánh Diều

Một số ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM đề xuất đã được Bộ GD-ĐT cho phép điều chỉnh.

Rút kinh nghiệm từ sách giáo khoa lớp 1, năm tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh ba điểm quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa: Kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm sách; tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để đánh giá, rà soát sơ bộ chất lượng sách; mở rộng nhóm những người góp ý bản mẫu sách giáo khoa, tính đến phương án đưa bản thảo lên mạng.

24/24 học sinh Việt Nam giành giải Olympic quốc tế

Năm 2020, hầu hết kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế phải tổ chức trực tuyến và phải điều chỉnh cách thi, bài thi. Việt Nam sau khi cân nhắc đã quyết định tiếp tục cử đội dự thi. Với 24 thí sinh tham dự, 9 em đoạt huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và hai bằng khen.

Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đạt thành tích cao nhất. Cả 4 thí sinh tham dự đạt huy chương vàng, giúp Việt Nam xếp vị trí thứ hai, chỉ sau Mỹ.

Đội Olympic Toán quốc tế giành được hai huy chương vàng, một bạc, hai đồng và một bằng khen. Đặc biệt, Ngô Quý Đăng (trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam tham gia Olympic quốc tế, đạt huy chương vàng với số điểm 36/42, xếp thứ 4 thế giới.

Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của học sinh Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Không chỉ đạt thành tích cao ở nội dung lý thuyết, học sinh Việt Nam đã cải thiện kết quả phần thi thực hành.

biến động giáo dục

Bốn thí sinh đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam giành huy chương vàng

Lùm xùm xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

2020 là năm thứ hai việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo Quyết định 37/2018 của Thủ tướng với những tiêu chuẩn cao hơn so với Quyết định 174/2008, áp dụng cho các đợt xét từ năm 2017 trở về trước. Vì thế, số ứng viên giáo sư, phó giáo sư tiếp tục giảm.

Hôm 6/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm. So với số ứng viên đăng ký ban đầu tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở, danh sách cuối cùng giảm 203 người.

Thời gian công bố danh sách này bị muộn hơn nửa tháng so với kế hoạch do Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn tố cáo nhiều ứng viên "khai gian" bài báo quốc tế. Ban đầu, 16 người bị tố cáo, sau đó tăng thêm 22. Riêng ngành Y, 31/40 (chiếm 77,5%) người bị tố cáo, ngành Dược 5/10 (50%).

GS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), người chuyển tiếp các đơn tố cáo lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cho biết hàng năm vẫn nhận được đơn thư qua email. Tuy nhiên, số lượng năm này nhiều hơn hẳn, tập trung ở ngành Y và Dược nên quyết định tìm hiểu thử xem mọi người khiếu kiện có đúng không.

Sau khi tự thẩm định, ông kết luận nhiều người không đủ tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày 29/10 giữa Hội đồng Giáo sư ngành Y và Dược với GS Châu, 25 trong số ứng viên bị phản ánh được đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn, do một số tiêu chí được thống nhất lại.

Lùm xùm đã khép lại, nhưng những đơn thư tố cáo ứng viên "khai gian" đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn xoay quanh việc tính bài báo quốc tế và các tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư.

Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng bị cách chức

13 năm làm Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh bị cơ quan chủ quản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cách chức giữa tháng 10. Ông Danh bị cho vi phạm khoản 1, khoản 4 Điều 12 Nghị định 27/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Việc này diễn ra sau hàng loạt động thái của tổ chức Đảng, cơ quan chủ quản. Hồi đầu tháng 8, ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức Bí thư Đảng ủy trường. Đến ngày 18/9, ông bị Ban Thường vụ Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP HCM cách tất cả chức vụ trong Đảng. Sáu ngày sau, ông Danh bị Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đình chỉ công tác chức vụ hiệu trưởng.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM sau đợt kiểm tra Đảng ủy trường Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Danh có những vi phạm như: Chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc và các quy chế, quy định của trường có nội dung không đầy đủ, không bám sát quy định của Đảng, pháp luật.

Phía Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho rằng ông Danh có nhiều vi phạm trong công tác quản lý hành chính như: Duyệt chi hơn 14 tỷ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán.

Ông Danh còn chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng. Việc chi trả lương cán bộ của nhà trường chưa minh bạch, chênh lệch lớn giữa hiệu trưởng và giảng viên. Lương bình quân tháng 8, viên chức giảng dạy là 23,7 triệu đồng, viên chức hành chính 22,5 triệu đồng, lao động giản đơn 13,4 triệu đồng. Lương của ông Lê Vinh Danh là 556 triệu đồng, trợ lý hiệu trưởng là 255 triệu đồng, người phụ trách trường 72,7 triệu đồng.

Ông Lê Vinh Danh còn được cho là thiếu gương mẫu trong việc kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng chức danh giáo sư chưa đúng quy định dẫn đến phát sinh đơn thư tố cáo và không chấp hành nghiêm các kết luận kiểm tra, kiểm toán. Ông Danh sau đó được điều động về Khoa Tài chính - Ngân hàng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Việc cách chức ông Danh làm nóng diễn đàn Quốc hội trong phiên họp sáng 6/11. Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đặt vấn đề thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc cách chức ông Lê Vinh Danh. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức mình quản lý, còn chức danh hiệu trưởng phải thực hiện theo luật.

Theo VnExpress