Nhiều trường đại học dự kiến phương án tuyển sinh 2015

Mới đây, Bộ GD&ĐT gia hạn cho các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải thực hiện việc xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường. Mốc thời hạn là ngày 15/10. Cụ thể, các trường phải xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua để xét tuyển. Theo Bộ GD&ĐT, việc này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những thí sinh ôn thi theo khối sẽ được thừa hưởng những môn thi mà mình đã ôn luyện. Vì thời gian quá gấp gáp, các trường ĐH, CĐ đang “vắt chân lên cổ” tìm phương án xét tuyển.

Cũng theo Bộ GD&ĐT cho hay, các trường có thể xác định các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển, nhưng phải theo nguyên tắc: đối với ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất 1 môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển; đối với các ngành còn lại, sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) môn Ngữ văn để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số 2 khi xét tuyển. Các trường phải công bố công khai các thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Theo thông tin dự kiến từ ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2015, trường không tuyển sinh riêng mà sẽ lấy kết quả xét tuyển lấy từ kết quả thi của một kỳ thi quốc gia chung trên nguyên tắc: Khối A lấy điểm 3 môn Toán - Lý - Hóa, khối B lấy điểm 3 môn Toán - Hóa - Sinh... Như vậy, so với trước không có nhiều thay đổi và thí sinh vẫn có thể an tâm đăng ký xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, điểm khác biệt là môn chính sẽ nhân đôi. Ví dụ, Khoa Toán thì Toán nhân đôi, Khoa Hóa thì Hóa nhân đôi...

Các trường ĐH hy vọng tuyển được đầu vào chất lượng qua kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc.

Nhiều trường đại học dự kiến phương án tuyển sinh 2015

Nhiều trường đại học dự kiến phương án tuyển sinh 2015

Đến tháng 10, trường sẽ có thông báo chính thức. Về xu hướng ra đề thi, đặc biệt là các môn khối A, một thầy giáo của ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đề thi năm 2014 đã cho thấy xu hướng ra những câu hỏi vận dụng kiến thức liên quan đến ứng dụng thực tế. Câu hỏi sẽ không đi theo hướng hay và khó, mà đi theo hướng chắc và thực tế. Số bài tập khó sẽ chỉ là vài câu. Thầy giáo này cho biết, học sinh không nên lo lắng về hình thức thi mới. Suy cho cùng, cách thi mới không có gì khác biệt đáng kể so với những năm trước. Điểm khác biệt là thay vì thi 2-3 đợt như trước thì nay chỉ thi một đợt. Ví dụ, người thi khối A, ngoài 3 môn Toán, Văn, Anh bắt buộc, thí sinh chỉ cần thi thêm một môn Lý hoặc Hóa nữa, trong đó hai môn Anh và Văn cũng vẫn ở trình độ như thi tốt nghiệp các năm trước.

Chiều 22/9, trao đổi với PV Báo CAND, TS Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay, rất mừng là phương án kỳ thi quốc gia của Bộ GD&ĐT lựa chọn: Toán-Văn-Ngoại ngữ là môn bắt buộc phù hợp với yêu cầu đầu vào của trường. ĐH Luật đang xây dựng đề án tuyển sinh riêng trên tinh thần sử dụng luôn kết quả của kỳ thi quốc gia. Ngoài ra, trường sẽ xem xét chọn đầu vào thêm một số môn như Lịch sử, Vật lý, đảm bảo tính kế thừa khối thi đầu vào của trường ở các năm trước là khối A, khối C và khối D1.

TS Hiếu khẳng định: “Trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng cố gắng không tạo ra 1 kỳ thi riêng của nhà trường, mà sử dụng ngay kết quả của kỳ thi quốc gia cùng với việc xét học bạ của học sinh”. Cũng như nhiều trường ĐH khác, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cũng có đề nghị Bộ GD&ĐT có cách kiểm soát chặt chẽ kỳ thi quốc gia, đảm bảo đầu vào chất lượng cho các trường ĐH”.

Học viện Tài chính đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về phương án tuyển sinh của trường. Theo GS Ngô Thế Chi, Hiệu trưởng Học viện Tài chính, thì trường vẫn đang thảo luận xây dựng đề án tuyển sinh. Nếu chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia thì Học viện vẫn chưa yên tâm lắm vì kỳ thi quốc gia tổ chức ở nhiều địa phương.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Điện lực cho hay: Trường cũng đang nỗ lực tìm phương án xét tuyển tối ưu, nhưng dự kiến sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia, sau đó có một hình thức kiểm tra đầu vào. Theo ông Hiền, việc ĐH Điện lực sử dụng thêm một hình thức kiểm tra đầu vào không phải vì trường không tin tưởng vào kết quả của một kỳ thi quốc gia, mà đó là cách tốt nhất để trường xác định được bao nhiêu thí sinh đến với mình. Như thế sẽ loại được thí sinh ảo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ĐH Điện lực cũng như nhiều trường ĐH khác đều băn khoăn về nguyện vọng của thí sinh, nếu đăng ký nguyện vọng thoải mái thì các trường sẽ rất bị động trong việc loại thí sinh ảo. “Ba nguyện vọng cũng là quá nhiều!”, ông Bùi Đức Hiền cho hay.

ĐH Công nghiệp Hà Nội vốn là một trường đào tạo đa ngành, hằng năm hút một lượng lớn thí sinh dự thi. Ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, trường không tổ chức thi riêng, mà sẽ lấy luôn kết quả của kỳ thi quốc gia chung để xét tuyển vì trường không sẵn năng lực làm đề thi. Quan điểm của trường là nếu kỳ thi quốc gia giao cho Sở và các trường ĐH, CĐ thì hoàn toàn yên tâm. Việc nhân đôi hệ số môn nào còn đang được nhà trường lấy ý kiến, thảo luận.

Chỉ có đảm bảo tính nghiêm túc, phản ánh đúng năng lực của học sinh qua kỳ thi THPT quốc gia thì Bộ GD&ĐT mới hóa giải được những băn khoăn của các trường ĐH trong việc chiêu sinh của các trường ĐH.

Xem thêm

>> Một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh riêng 2015

>>Đề án tuyển sinh riêng Đại học Quốc gia Tp.HCM năm 2015

>> Đề án tuyển sinh riêng Đại học Luật Tp.HCM năm 2015

>> Phương án tuyển sinh riêng tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015

>> Đại học Hàng Hải công bố phương án tuyển sinh riêng 2015

Các trường CAND dự kiến sẽ tổ chức cụm thi riêng

Nhiều thí sinh đang rất băn khoăn, việc thi tuyển vào các trường CAND năm 2015 sẽ có thay đổi như thế nào? Về việc này, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Cục Đào tạo, Bộ Công an và các trường CAND đang xúc tiến đề xuất một số giải pháp để thống nhất phương án tuyển sinh, phù hợp với đặc thù của trường Công an. Theo một đồng chí phó giám đốc một trường CAND, các trường CAND hoàn toàn có thể tự tổ chức thành một cụm thi, dành riêng cho thí sinh đã qua sơ tuyển để tham dự xét tuyển vào trường CAND. Có thể tổ chức hai cụm thi, một cụm phía Nam, một cụm phía Bắc, đề thi vẫn theo đề của kỳ thi quốc gia. Hiện, các trường CAND cũng đang xây dựng phương án tổ hợp các môn thi để lấy điểm xét tuyển theo khối thi.

Coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì

TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT chủ yếu sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Theo dự tính, tối đa mỗi cụm thi do các trường ĐH chủ trì chỉ có khoảng 50.000 thí sinh tham dự. Với các cụm thi tại địa phương, cùng với tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi. Với kỳ thi này, mặc dù chỉ xác định đăng ký để xét tốt nghiệp THPT nhưng thí sinh vẫn còn cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ bởi việc đăng ký nguyện vọng diễn ra sau khi có kết quả thi.

Nguồn tin: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2014/9/244968.cand