Hầu hết các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia, việc tổ chức tuyển sinh năm 2015 của các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội. Tuy nhiên, đến thời gian công bố phương án tuyển sinh cho thấy, phần lớn các trường đều lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.

Theo Bộ GD và ÐT, thực hiện quyền tự chủ của các trường ÐH, CÐ và quyền chủ động của thí sinh trong tuyển sinh năm 2015, trường ÐH, CÐ sẽ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể như: xét điểm của những môn nào, hệ số tính điểm của mỗi môn... để xét tuyển phù hợp yêu cầu của từng ngành đào tạo. Trong đó, các trường có thể chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh; kết hợp sử dụng kết quả thi với xét học bạ của thí sinh; sử dụng kết quả thi nhưng thi bổ sung thêm (thi năng khiếu); sử dụng kết quả thi kết hợp với các hình thức kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận và các hình thức phù hợp khác; sử dụng trực tiếp kết quả bốn môn thi tối thiểu...

Ðể thực hiện các phương thức tuyển sinh trên, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại quy chế tuyển sinh. Mặt khác, các trường ÐH, CÐ phải công bố công khai để thí sinh chủ động nắm bắt thông tin về mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, từ đó, chủ động học, ôn tập và định hướng lựa chọn ngành, trường để đăng ký dự thi. Cùng với sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia, căn cứ vào đặc điểm của các ngành đào tạo của trường, yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ÐH có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận...

Hầu hết các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia

Ngay sau khi Bộ GD và ÐT quyết định phương án kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường ÐH đã xác định lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia dùng cho tuyển sinh ÐH mà không có sự xáo trộn nhiều về tổ hợp môn thi so với những năm trước nhằm bảo đảm giữ ổn định, không gây lo lắng cho thí sinh. GS, TS Ðặng Kim Vui, Giám đốc ÐH Thái Nguyên khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia phù hợp xu thế đổi mới hiện nay. Vì vậy, với cách thi có quy trình, quy chế được sử dụng chung, nhiều lực lượng cùng tham gia trong quá trình tổ chức thi, cho nên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoàn toàn là căn cứ tin tưởng để trường sử dụng vào tuyển sinh. Với quy chế, quy trình tổ chức thi năm 2015 như phương án đưa ra hoàn toàn có thể tin tưởng và chấp nhận kết quả ở các cụm thi khác nhau.

Cũng theo GS Ðặng Kim Vui, các môn dùng để xét tuyển của ÐH Thái Nguyên sẽ theo tổ hợp các môn giống như khối thi truyền thống trước đây mà không có thay đổi. Trong khi đó, Trưởng phòng Ðào tạo Trường ÐH Hà Nội Lê Quốc Hạnh cho biết, năm 2015, trường sẽ căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Ðối với các tổ hợp môn xét tuyển cũng không thay đổi nhằm tránh gây hoang mang cho thí sinh và công sức các em chuẩn bị trong quá trình học phổ thông. Trường hoàn toàn tin tưởng vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và hy vọng sẽ tổ chức chất lượng hơn các năm trước.

Tuyển sinh riêng vẫn có "chung"

Ngoài việc lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển, các trường ÐH, CÐ cũng có thể xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Các trường xây dựng và công bố công khai đề án tuyển sinh trước ngày 31-10. Theo tìm hiểu của chúng tôi về công tác tuyển sinh năm 2015, có nhiều trường đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, phần lớn các đề án đều có hai phương án tuyển sinh gồm cả lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia và thêm phương án xét học bạ THPT. Ðiển hình như Trường ÐH Nguyễn Trãi, PGS, TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2015, trong đề án tuyển sinh riêng trường vẫn xác định hai phương án tuyển sinh. Trong đó, phương án thứ nhất xét tuyển 50% tổng chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD và ÐT tổ chức, cụm thi do các trường ÐH chủ trì. Thí sinh có kết quả thi theo kỳ thi THPT quốc gia, đạt ngưỡng điểm xét tuyển theo quy định của Bộ GD và ÐT sẽ đủ điều kiện để xét tuyển. Ðối với phương án tuyển sinh riêng, trường sẽ xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa và vào kết quả học tập của năm học kỳ THPT. Riêng đối với các khối ngành năng khiếu sẽ kết hợp xét kết quả học tập và tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu, chiếm 50% tổng chỉ tiêu của trường.

Tương tự như Trường ÐH Nguyễn Trãi, Trường ÐH Ðông Ðô cũng xây dựng đề án tuyển sinh riêng với hai phương án gồm: xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia ở những cụm thi do các trường ÐH chủ trì, chiếm tỷ lệ 30% chỉ tiêu; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT và theo điểm học bạ của năm học kỳ THPT. Trường ÐH Trưng Vương tuyển sinh theo kỳ thi THPT quốc gia chiếm 30% chỉ tiêu với các tổ hợp môn thi giống như khối thi trước đây. Ngoài ra, trường triển khai phương án tuyển sinh riêng trên cơ sở xét học bạ của hai học kỳ năm lớp 12 THPT của thí sinh.

Theo Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, đến nay, có khoảng 100 trường ÐH, CÐ gửi phương án tuyển sinh riêng về Bộ GD và ÐT. Sơ bộ ban đầu cho thấy phần lớn các trường đều vẫn xây dựng phương án sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và thêm phần xét học bạ... Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia có kèm theo các điều kiện khác hay không là tùy trường ÐH, CÐ, mỗi trường chọn phương án tối ưu nhất cho mình. Tuy nhiên, Bộ GD và ÐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh (không trùng với kỳ thi THPT quốc gia) để các trường công bố thời gian tổ chức tuyển sinh trong đề án tuyển sinh riêng, tránh gây những xáo trộn nhiều, ảnh hưởng đến thí sinh.

Theo Nhandan, http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tin-tuc/item/24622802-nhieu-truong-tuyen-sinh-theo-ket-qua-ky-thi-thpt-quoc-gia.html