Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT):
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, thường trực Ban chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội (Bộ GD&ĐT) đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề cũng như những nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT. Ảnh: gdtd.vn
PV: Một trong những băn khoăn lớn nhất của các sĩ tử trước mùa tuyển sinh là việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Ông có lời khuyên gì cho các em về vấn đề này?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Việc chọn ngành dự thi của không ít thí sinh hiện nay là theo tâm lý đám đông, thị hiếu nhất thời của xã hội, chưa xuất phát trên nhu cầu sử dụng nhân lực, cơ hội việc làm thật sự. Để chọn được ngành nghề phù hợp với mình, các em cần cân nhắc từ nhiều yếu tố như năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện đi lại... Các em cũng nên chú ý, hiện, số lượng trường đào tạo cùng một ngành, số lượng thí sinh đông đảo có nguyện vọng học, đăng ký xét tuyển vào một ngành học nào đó chưa phải là những thông số tin cậy phản ánh chính xác nhu cầu sử dụng nhân lực. Các thí sinh nên chú ý đến các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về thị trường lao động... Lựa chọn ngành học hôm nay nhất thiết phải nghĩ đến việc làm trong tương lai.
PV: Hiện nay, những ngành học truyền thống đang dần đánh mất vị thế trước sự lấn lướt của nhiều ngành nghề mang tính hiện đại, thí sinh cũng thờ ơ với những ngành học này. Có cách nào để điều chỉnh thực trạng này thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Hiện một số ngành như Nông – Lâm – Ngư thực sự khó tuyển thí sinh. Điều chỉnh thực trạng này là công việc còn phải nghiên cứu và cần có chính sách khuyến khích người học. Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra những quy định để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, việc xác định chỉ tiêu của các trường sẽ căn cứ vào tiêu chí số sinh viên, học sinh trên giảng viên, giáo viên; tiêu chí về diện tích sàn xây dựng trên 1 sinh viên, học sinh quy đổi... Hoặc, theo tôi cũng có thể điều tiết bằng các cơ chế của thị trường, ví dụ sinh viên sẽ phải đóng học phí rất cao nếu vào những ngành có quá nhiều người học...Nói chung, có thể có nhiều giải pháp để điều chỉnh nhưng có lẽ để giải quyết sự mất cân đối đó cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn.
PV: Vậy, theo ông, thí sinh có lợi gì nếu thi vào các ngành truyền thống?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Những ngành học truyền thống luôn gắn với các ngành kinh tế lớn, phát triển đa dạng cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực ngắn hạn - dài hạn, thì sẽ rõ được nhu cầu. Đối với những ngành học truyền thống, thị trường việc làm luôn sẵn có nhu cầu và ít bị cạnh tranh hơn. Mặt khác, đó luôn là những ngành đào tạo trường đó có thế mạnh nhất về năng lực, kinh nghiệm, truyền thống đào tạo. Một điểm thí sinh cũng cần lưu ý, đó là điểm đầu vào của các ngành truyền thống thường không quá cao. Các ngành học thuộc lĩnh vực Nông-Lâm – Ngư có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững đất nước, đặc biệt trong điều kiện thế giới có nguy cơ khan hiếm lương thực thực phẩm, thì sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cần được xem là một lợi thế. Vì vậy, việc đăng ký vào học các ngành truyền thống, không chạy theo “mốt” mà chưa thật rõ thị trường việc làm khi tốt nghiệp thì rủi ro có thể cao hơn. Về việc này, các trường thuộc khối Nông – Lâm – Ngư cũng cần marketing các ngành học của mình để cho người học biết nhiều hơn.
PV: Nơi thừa, nơi thiếu nhân lực là một thực tế hiện nay. Ngay từ mùa tuyển sinh này, đã có sự liên kết nào giữa chỉ tiêu đào tạo với công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tổ chức quy hoạch nguồn nhân lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Chính phủ dự thảo bản quy hoạch nhân lực quốc gia... Đó là thông số rất quan trọng để các trường, những người làm chính sách về đào tạo ... tham khảo.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh thực hành trên máy
PV: Đến nay, công tác hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt cho các thí sinh chuẩn bị thi ĐH được thực hiện như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Công tác hướng nghiệp được Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN vừa rồi, công tác hướng nghiệp cũng được làm rất tốt. Thí sinh đã hiểu biết hơn về năng lực của mình, chọn những ngành học theo nhu cầu xã hội.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội là chủ trương rộng lớn của Chính phủ. Bộ GD&ĐT tiến hành đến nay đã được hơn 3 năm. Chúng ta không thể giữ nguyên mãi việc năng lực đến đâu đào tạo đến đó mà không căn cứ vào nhu cầu xã hội dẫn đến lãng phí, hiệu quả đào tạo không cao. Bộ GD&ĐT cũng đã có những biện pháp để thực hiện chủ trương này như yêu cầu các trường phải thực hiện 3 công khai; phải cam kết chất lượng cung cấp cho người dân kèm theo lộ trình của đổi mới cơ chế tài chính. Chúng ta muốn nói đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng điều kiện tài chính không đủ, năng lực đội ngũ không đủ, người học không ham muốn học tập thì việc đào tạo theo nhu cầu xã hội còn xa vời.
PV: Năm nay, giáo dục chuyên nghiệp có mở ra cơ hội mới nào để thu hút thí sinh không thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Cơ bản, công tác tuyển sinh TCCN năm 2011 sẽ giữ ổn định như năm 2010. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đó, việc thực hiện hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) trên cơ sở kết quả học tập của học sinh ở phổ thông hoặc kết quả thi vào ĐH, CĐ đối với hệ đào tạo này vẫn được tiếp tục thực hiện, trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Các trường có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển nhiều loại đối tượng theo quy định với những tiêu chí xét tuyển phù hợp...
Về chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ xác định tổng chỉ tiêu đào tạo của từng trường trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó điều chỉnh giảm chỉ tiêu ở các trường vi phạm quy chế tuyển sinh, quy định về liên kết đào tạo và các quy định hiện hành về đào tạo TCCN. Đặc biệt, sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN đối với các trường ĐH, nhất là các trường không có truyền thống đào tạo TCCN.
Các trường phải xác định chỉ tiêu cụ thể đối với từng ngành đào tạo của trường mình, đồng thời thông báo công khai và nghiêm túc thực hiện theo chỉ dẫn đã phân định cho từng ngành. Việc xác định chỉ tiêu theo ngành học phải đáp ứng việc đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương...
Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN sẽ nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển. Việc nộp hồ sơ có thể qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên, hoặc nộp trực tiếp tại trường. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương mà các Sở GD&ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh trên địa bàn và chủ động bàn giao cho các trường.
Theo Hiếu Nguyễn - GDTD