Nhiều thí sinh đã chuyển ngành học khi vừa trúng tuyển. Nguyên nhân chủ yếu là trúng tuyển sai ngành, có thể do sơ suất trong quá trình làm hồ sơ xét tuyển hoặc phát hiện chọn ngành chưa phù hợp.
> 3 trường công an tham gia xét tuyển bổ sung 2019
> Trường Cao đẳng Sư phạm khó khăn trong việc tuyển sinh năm 2019
Thí sinh trúng tuyển bắt đầu xác nhận nhập học
Hàng trăm sinh viên xin chuyển đổi mỗi năm
Với nhiều sinh viên (SV), việc trúng tuyển ĐH không dễ dàng nhưng sau khi bước chân vào giảng đường lại có không ít người mong muốn được chuyển ngành, chuyển trường. Thống kê từ phía các trường ĐH, số lượng SV có nguyện vọng thay đổi ngành và trường học có nơi lên tới trăm người mỗi năm. Thời điểm nhiều SV nộp đơn này thường sau học kỳ đầu tiên hoặc năm thứ nhất.
Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, mỗi năm có khoảng 100 SV có nộp đơn đăng ký chuyển ngành học. Nguyên nhân chủ yếu là trúng tuyển sai ngành, có thể do sơ suất trong quá trình làm hồ sơ xét tuyển hoặc phát hiện chọn ngành chưa phù hợp.
PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho biết mỗi năm trường có khoảng vài chục SV rơi vào trường hợp này.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cũng giải quyết đơn xin chuyển ngành học của nhiều SV trong trường với lý do là chọn sai ngành.
Không có quy định chung vềchuyển ngành
Không có quy định chung của Bộ GD-ĐT về việc chuyển đổi ngành học trong cùng một trường. Theo Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do bộ này ban hành, không có quy định nào cho phép SV được chuyển đổi ngành học sau khi trúng tuyển mà chỉ cho phép đến năm thứ 2, nếu có đầy đủ các quy định tối thiểu, SV có thể làm thủ tục chuyển trường. Tuy nhiên, các trường ĐH vẫn linh hoạt giải quyết theo tình hình thực tế và mỗi nơi một cách.
Một số trường hiện đang thực hiện rất “cứng” quy định chung khi không cho phép SV chuyển ngành học. Chẳng hạn tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), SV không được chuyển ngành học trừ các trường hợp thuộc chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao bị buộc thôi học và được chuyển sang chương trình khác (theo quy định).
Quy chế đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM ghi rõ, tùy điều kiện cụ thể các trường có thể ra quyết định công nhận chuyển ngành trong phạm vi nếu không phải trường hợp từng tham dự kỳ thi chung nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn ngành chuyển đến; chuyển sang ngành cùng nhóm ngành, đã tích lũy đủ số tín chỉ theo học kỳ và có học lực từ trung bình khá trở lên…
Tuy nhiên, các trường thành viên có những quy định cụ thể không giống nhau. Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết trường này không cho phép SV chuyển sang ngành khác mà chỉ chuyển đổi giữa các chương trình trong cùng ngành như đại trà, tiên tiến, chất lượng cao…
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì chọn giải pháp khác. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nói: “Nếu SV chọn sai ngành thì việc điều chỉnh ngành học là một giải pháp. Tuy nhiên các trường hợp được giải quyết phải đảm bảo tính công bằng ngay từ tuyển sinh đầu vào và thực sự có lý do. Khi giải quyết việc này, tôi phải trao đổi cặn kẽ với từng người và chỉ giải quyết nếu thực sự SV phát hiện mình không phù hợp với ngành học đầu tiên”.
Tương tự, tiến sĩ Tô Văn Phương cũng khẳng định Trường ĐH Nha Trang chỉ cho phép SV chuyển ngành nếu đủ một số điều kiện, mà tiên quyết là đảm bảo điểm đầu vào của ngành chuyển đến.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM khá linh hoạt khi cho phép SV được chuyển ngành và chỉ cho phép được chuyển 1 lần, chỉ sau học kỳ đầu tiên, ngành chuyển đến có trong danh mục đào tạo của trường và cùng trong nhóm ngành khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh…
Theo Thanh niên