Trải qua 3 tuần đầy khó khăn của năm học mới, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi nhận thấy chương trình học của trẻ nặng nề, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn.

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1. Thay vì chỉ có một bộ sách, chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép nhà trường lựa chọn các bộ sách bao gồm:

  • Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam)
  • Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam)
  • Cùng học để phát triển năng lực (NXB Giáo dục Việt Nam)
  • Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam)
  • Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam).

Như vậy, học sinh lớp 1 sẽ học sách giáo khoa mới do hiệu trưởng nhà trường lựa chọn. Tuy nhiên việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa khiến nhiều học sinh, phụ huynh gặp khó khăn khi tiếp cận bài giảng.

"Nếu cha mẹ không ôn cùng, con sẽ hoàn toàn bị tụt lại so với các bạn"

Phụ huynh Minh chia sẻ, trường con chị đang theo học lớp 1 chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Mỗi buổi, con học hai chữ, đi kèm với từ ghép, sau đó con đọc đoạn văn cuối bài và trả lời câu hỏi. Chị cảm thấy căng thẳng khi hàng đêm phải ngồi học cùng con từ 19h30 đến 22h30. Nhiều hôm, con không đủ thời gian để học vì riêng Tiếng Việt đã chiếm đến hai giờ đồng hồ.

“Như vậy, hầu như cha mẹ phải đồng hành, gánh vác việc học của con cùng thầy cô. Nếu cha mẹ nào không ôn cùng, con sẽ hoàn toàn bị tụt lại so với các bạn”, phụ huynh nói.

Không chỉ có riêng chị Minh, mà còn rất nhiều phụ huynh khác bắt buộc đồng hành cùng trẻ trong chương trình học lớp 1 mới. Thay vì nghỉ ngơi sau ngày làm việc, họ phải dành thời gian tại nhà để "chiến đấu" cùng con, vật lộn với luyện viết, đánh vần.

chương trình lớp 1

Trẻ vào học lớp 1 trở thành áp lực của cả nhà

Lo lắng vì trẻ sợ học

Chị Hiền chia sẻ "Trường con tôi chọn bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, con tôi cũng chưa đi học trước nên khi các bạn đã biết hết chữ đơn, âm ghép thì con tôi vẫn nhọc nhằn nhớ bảng chữ cái. Hôm họp phụ huynh, cô giáo giới thiệu khối lượng kiến thức các con sẽ học trong kỳ 1. Đọc hết 6 trang A4 đó xong, một điều duy nhất đọng lại trong tôi là: Thương con quá!!"

Nhiều người phản ánh rằng khi học mẫu giáo, trẻ không được dạy chữ, nhưng khi bước vào lớp 1 đòi hỏi trẻ phải viết thành thạo, nếu không sẽ không theo kịp chương trình. Điều này là vượt quá sức của trẻ. Đối với những phụ huynh chưa cho con học trước từ hè thực sự cảm thấy "choáng". 

Ý kiến từ phụ huynh Kiều Anh: "Lớp 1 mà đã học nặng quá mức, chỉ phù hợp với các cháu đã được học trước, còn bé chưa học chút nào (theo yêu cầu của Bộ Giáo dục) thì sẽ rất hoảng sợ khi bắt đầu lớp 1 như thế này".

Tương tự câu chuyện từ con của bạn Hồng Phước: Mỗi ngày đi học, trẻ mang 5 kg sách vở đến lớp. Tối về đến nhà, bé cảm thấy phát hoảng, khóc và không muốn học bài. Tâm lý của phụ huynh mặc dù không muốn ép con học nhiều quá, nhưng nếu không học sẽ không theo kịp các bạn cùng lớp.

Ý kiến đề xuất từ các phụ huynh

Một độc giả đã chia sẻ: "Đây là cơn ác mộng đối với các cháu đang trong độ tuổi ăn tuổi chơi, ác mộng, ác mộng thật sự. Hy vọng các nhà cải cách giáo dục sớm đưa ra theo phương án vừa học vừa chơi cho các cháu".

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đề xuất cần thống nhất bộ sách giáo khoa với lượng kiến thức vừa đủ. Giáo viên không nên giao quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh, bởi trẻ cần có thời gian vui chơi và học thêm nhiều kỹ năng mới.

Theo ý kiến từ phụ huynh khác: "Trẻ vào lớp 1 với tâm lý còn non nớt, phải cho thời gian để trẻ tập quen dần chứ không dồn nén kiến thức như vậy. Đừng làm mất tuổi thơ con trẻ sớm vì những kỳ vọng thái quá."

Bộ sách giáo khoa mới có nhiều quyển sách không cần thiết cần được lược bỏ, chỉ nên dùng cho giáo viên tham khảo. 

sách giáo khoa lớp 1

Các phụ huynh thực sự lo lắng nhiều đầu sách và vở bài tập gây áp lực cho trẻ vào lớp 1

Theo ghi nhận, ngoài sách bài tập, nhiều đầu sách bổ trợ như Giáo dục An toàn giao thông, Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường... cũng được các trường giới thiệu cho phụ huynh.

Phụ huynh Nguyễn Hằng cho biết: "Học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, làm sao có thể đọc và hiểu những nội dung trong sách bổ trợ, tham khảo. Nếu có học những chủ đề giao thông, bạo lực học đường, trẻ cũng chỉ nghe hướng dẫn từ giáo viên."

Kính mời quý bạn đọc và phụ huynh chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gửi về Ban biên tập Kênh Tuyển sinh qua email [email protected]

Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh trên website Kenhtuyensinh.vn.

Kênh Tuyển Sinh tổng hợp

TPHCM đưa "Smartphone trong đời sống xã hội" vào giảng dạy

TPHCM đưa 'Smartphone trong đời sống xã hội' vào giảng dạy

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn các trường THCS, THPT thực hiện kế hoạch giáo dục NGLL và các hoạt động trải nghiệm trong năm học 2020-2021.