Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn các trường THCS, THPT thực hiện kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm trong năm học 2020-2021.
Học sinh trung học tham gia hoạt động trải nghiệm tại Đường sách TP.HCM trong một sự kiện do Sở GD-ĐT TP tổ chức trong năm học 2019-2020. (Nguồn: Tuổi trẻ)
> Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ học tập
> Học sinh sử dụng điện thoại di động nên cấm như thế nào?
Theo đó, Sở yêu cầu các trường THCS, THPT đổi mới nội dung các chủ đề giáo dục ngoài giờ lên lớp cho phù hợp với xã hội hiện nay, tiếp cận chương tình trải nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, các trường có thể thực hiện giáo dục theo các chủ đề như: Nghề tương lai trong cách mạng 4.0; Giao tiếp mạng xã hội; Smartphone trong đời sống xã hội; Văn hoá giao thông; Văn hóa gia đình.
Bên cạnh đó, Sở cũng định hướng việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo.
Được biết, hoạt động trải nghiệm trong nhà trường bao gồm hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm được tổ chức ở các bộ môn trong và ngoài nhà trường. Cụ thể:
Hoạt động ngoại khoá: nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, tổ chức cho nhiều đối tượng khối lớp học sinh tham gia, không xác định được lượng kiến thức trong các môn học và có thu phí trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Hoạt động này không kiểm tra đánh giá học sinh.
Hoạt động trải nghiệm được tổ chức ở các bộ môn trong và ngoài nhà trường: có bài kiểm tra đánh giá học sinh, tổ chuyên môn của trường phải xây dựng kế hoạch, nội dung kiến thức thực hiện, phương thức thực hiện, phương thức kiểm tra đánh giá, đối tượng học sinh và lực lượng giáo viên, giảng viên tổ chức hoạt động dạy học.
Còn hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là nội dung giáo dục trong chương trình chính khoá, được bố trí 2 tiết/tháng.
Theo Tuổi trẻ
Mới đây, theo quy định mới của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT chính thức cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập dưới sự cho phép và kiểm soát của giáo viên thay vì cấm hoàn toàn như trước đây. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh, có người ủng hộ, đồng tình với quyết định của Bộ, song cũng có người phản đối vì họ cho rằng như thế là vẽ đường cho hươu chạy. Việc đổi mới nội dung các chủ đề giáo dục ngoài giờ lên lớp, cụ thể là đưa 'Smartphone trong đời sống xã hội' vào giảng dạy liệu có làm thay đổi ý kiến của những vị phụ huynh này? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn và gửi về Ban biên tập Kênh Tuyển sinh qua email [email protected]. Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh trên website Kenhtuyensinh.vn. |