Mới đây, vụ việc một học sinh (HS) lớp 9 ở Ninh Bình bị cô giáo tịch thu điện thoại di động (ĐTDĐ) khi sử dụng trong giờ học đã sợ hãi đến mức nhảy lầu, một lần nữa lại đặt ra nhiều băn khoăn xung quanh vấn đề trên.

Phụ huynh: người muốn cấm, người nói vẫn cần

Phụ huynh của Thư Hiên (lớp 7H, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội) cho biết quan điểm của chị là không cho con sử dụng ĐTDĐ ít nhất là đến hết cấp THCS. Theo chị, nhà trường cấm HS sử dụng trong giờ học thì việc phụ huynh không cho con mang điện thoại đến trường cũng là để con chấp hành nội quy. Đồng quan điểm, một phụ huynh có con học lớp 8 Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng nhà trường cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học thì việc cho HS mang điện thoại theo lại khiến thầy cô phải mất thời gian kiểm soát. Hơn nữa, nhà trường đã có hệ thống xe đưa đón, nên việc sử dụng điện thoại khi đi học với HS ở lứa tuổi này là không cần thiết.

Lý lẽ của một số phụ huynh muốn cấm con mang điện thoại đến trường còn là sợ học sinh xao nhãng việc học, lén lúc chơi game dẫn đến nghiện, thậm chí là truy cập những trang web đen. “Con gái tôi kể là vào giờ ngủ trưa, một nhóm bạn nam thường lén tụm lại chơi game, xem phim đen rồi có những hành vi rất kỳ cục”, phụ huynh lớp 7 một trường ở TP.HCM lo lắng.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn cho rằng việc cho con sử dụng ĐTDĐ là nhu cầu tất yếu. Nhiều người lý giải, lên đến cấp THCS, thời gian học đã không còn cố định, bố mẹ phải nhờ đến dịch vụ đưa đón, nếu con không có ĐTDĐ thì làm sao liên lạc để con em biết chính xác người được nhờ đưa đón. Một phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thì cho hay con tự đi xe buýt về mỗi buổi chiều, nên chỉ cho con mang theo chiếc điện thoại “cục gạch” nhắn tin cho mẹ biết “con đã lên xe” rồi báo tin khi đã về đến nhà.

Học sinh sử dụng điện thoại di động nên cấm như thế nào?

Kiểm soát chặt

Thực tế, không ít trường ra quy định cấm HS mang ĐTDĐ đến lớp nhưng sau đó cũng đành thỏa hiệp với phụ huynh để chỉ khoanh vùng cấm trong giờ học.

Một giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 8 Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) cho biết việc HS mang điện thoại đến trường quả thực khiến GV rất vất vả. Nếu cấm thì phụ huynh sẽ nói rằng cần phải liên lạc với con để đưa đón... Do vậy, GV phải đồng ý cho HS mang điện thoại đến lớp nhưng đầu giờ học thì thu hết và cho vào tủ GV khóa lại, cuối buổi học mới trả lại. Điều này khiến GV chủ nhiệm buộc phải ở lại đến cuối buổi học của HS để trả điện thoại cho HS. Bên cạnh đó, nhiều GV cũng phản ánh việc “tịch thu” điện thoại không phải giải pháp tối ưu, bởi có HS mang 2 điện thoại và chỉ nộp cho cô một chiếc điện thoại hỏng hoặc “cục gạch”, rồi giấu chiếc ĐTDĐ thông minh còn lại để lén dùng.

Với HS ở cấp học lớn hơn thì quan điểm về việc sử dụng ĐTDĐ cũng có thay đổi. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho rằng cấm sử dụng điện thoại trong giờ học cũng nên hiểu theo nghĩa rộng vì chỉ cấm vào những giờ học không cần thiết nhưng lại có giờ bắt buộc HS phải dùng cho việc học. Vì vậy, theo bà Nhiếp, đầu giờ HS sẽ phải mang điện thoại để vào một nơi quy định trong lớp, đến giờ học nào GV cho phép thì chiếc điện thoại đó sẽ là một công cụ để hỗ trợ việc học tập. Trường hợp nào vi phạm thì tùy mức độ, hành vi, có trường hợp bị tịch thu điện thoại đến vài tháng và bố mẹ phải đến ký cam kết khi lấy điện thoại về cho con.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng dùng ĐTDĐ không phải là điều xấu, vấn đề là có HS đang sử dụng nó với nhiều mục đích khiến người lớn phải giật mình.

Cho dùng có định hướng

Thay vì cấm, nhiều trường THPT tại TP.HCM cho phép HS sử dụng điện thoại nhưng có định hướng rõ ràng. Thậm chí, một số trường còn kết nối mạng toàn trường để học sinh (HS) có thể dễ dàng truy cập khi cần tìm hiểu thông tin phục vụ cho việc học.

Là một trong số những trường có nhiều chương trình học bằng ĐTDĐ, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) mở mạng liên tục để HS có thể truy cập vào internet ngay trong các tiết học. Đồng thời, HS có thể lên mạng tìm chương trình giải trí vào giờ nghỉ, giải lao hay trong lúc đợi ba mẹ đến đón khi tan học. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Vì sợ không kiểm soát được nên nhiều trường cấm HS sử dụng ĐTDĐ. Đây không phải là cách quản lý hay và lâu dài. Đó là chưa kể khi bị cấm đoán thì HS sẽ tìm cách để chống lại việc cấm và tạo cho các em tính tò mò, để rồi lén lút sử dụng như vậy rất có thể lợi bất cập hại”.

Theo ông Thạch, thay vì cấm, điều các trường nên làm là hướng dẫn cho HS sử dụng có hiệu quả dưới sự giám sát của GV. Trước tiên để tránh được các tác động xấu, GV nên hướng dẫn HS cách sử dụng các trang mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả. GV cũng cần hướng dẫn HS tìm kiếm và chia sẻ các thông tin bổ ích. Đồng thời nhà trường phải giao ước với HS về thời gian, địa điểm được phép sử dụng đúng mục đích.

Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cũng nêu ý kiến: “Việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ khi cả xã hội đang bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay là điều rất khó”. Bà Dung cho hay hiện nhà trường không cấm HS mang ĐTDĐ tới trường nhưng có kiểm soát thời gian sử dụng. Cụ thể, HS được phép sử dụng tự do trong các giờ giải lao nhưng tuyệt đối không được dùng trong giờ học. Nếu GV phát hiện thì có thể bị thu điện thoại một tuần, tái phạm sẽ bị thu giữ một tháng...

Cấm nhưng để HS không cảm thấy bị ép buộc

Ở nhà các con đã tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, máy tính nên khi tới trường tốt nhất là không nên sử dụng ĐTDĐ. Tuy nhiên, không cho sử dụng thì các cháu vẫn sẽ lén sử dụng. Chính vì vậy nhà trường cần có biện pháp phù hợp để hạn chế nhưng cũng cần hướng dẫn để HS hiểu và không cảm thấy bị ép buộc.

Nguyễn Minh Dũng (Phụ huynh tại TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Ràng buộc bằng thỏa thuận

Con tôi năm nay vào lớp 11. Ở độ tuổi này các cháu không thích bị cấm đoán. Với việc sử dụng ĐTDĐ, tôi không mong nhà trường cấm mà nên hướng dẫn để con sử dụng có hiệu quả phương tiện này đồng thời có ràng buộc các cháu bằng các quy định, thỏa thuận. Tôi tin với cách làm như vậy các con sẽ hiểu và không sử dụng điện thoại vào các mục đích không tốt.

Bùi Thị Tuyến (Phụ huynh tại H.Bình Chánh, TP.HCM)

Theo Thanh niên