Cụ thể, Trường ĐH Điện Lực đổi tên 2 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện đổi tên thành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử (trong đó chuyên ngành Quản lý năng lượng đổi tên thành Quản lý công nghiệp); Ngành Công nghệ kĩ thuật điện tử viễn thông đổi thành Công nghệ kĩ thuật điện tử truyền thông.
Trường Đại học Hà Nội, ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết: “Tuyển sinh 2011, tổng chỉ tiêu vào trường là 1.800 (tăng thêm 100 chỉ tiêu so với năm trước). Điểm mới của trường năm nay là không tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin tiếng Nhật. Ngành Khoa học máy tính đổi tên thành ngành Công nghệ thông tin, (bằng tiếng Anh). Đặc biệt, năm nay trường xét tuyển nguyện vọng 2 đối với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường”.
Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, ông Triệu Nam Hải, cán bộ phòng đào tạo của trường cho biết: “Tổng chỉ tiêu vào trường năm nay dự kiến là 4.700 tăng hơn so với năm ngoái 300 chỉ tiêu. Trong đó, phía Bắc 3.350 chỉ tiêu, phía Nam 1.350 chỉ tiêu”.
Ông Hải cho biết thêm, năm nay trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đổi tên 7 ngành học. Cụ thể: Ngành Tin học đổi thành Công nghệ thông tin; Cơ khí chuyên dùng đổi thành Kĩ thuật cơ khí; Vô tuyến điện và Thông tin liên lạc đổi thành Kĩ thuật điện tử, truyền thông; Kĩ thuật An toàn giao thông đổi thành Công nghệ Kĩ thuật giao thông; chuyên ngành Điều khiển học kỹ thuật đổi thành Kỹ thuật điều khiển tự động hóa; Vận tải đổi thành Khai thác vận tải; Xây dựng công trình giao thông đổi thành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Thí sinh nên cân nhắc khi lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng của mình.
Năm 2011, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển 3.200 chỉ tiêu, trong đó 2.300 chỉ tiêu cho hệ đại học và 900 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Theo lãnh đạo của trường, trường hợp có ngành thiếu chỉ tiêu, sẽ chuyển thí sinh có điểm thấp ở ngành thừa chỉ tiêu sang; đào tạo tại Phú Yên có điểm xét tuyển riêng. Hệ Cao đẳng Học việ không tổ chức thi, mà xét tuyển thí sinh đã dự thi đại học khối A theo đề thi chung của Bộ, trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Điểm xét tuyển chung theo khối thi. Trường hợp có ngành thiếu chỉ tiêu, Học viện sẽ chuyển thí sinh từ ngành thừa chỉ tiêu sang.
Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 1.200 chỉ tiêu cho 15 chuyên ngành học. Trong đó, các chuyên ngành tiếng Anh có 520 chỉ tiêu cho năm chuyên ngành khác nhau; ngành học tiếng Nga: 75 chỉ tiêu; ngành tiếng Pháp: 150 chỉ tiêu; ngành tiếng Trung: 170 chỉ tiêu; ngành tiếng Đức: 80 chỉ tiêu; ngành tiếng Nhật: 130 chỉ tiêu; ngành tiếng Hàn Quốc: 75 chỉ tiêu.
Các chuyên ngành: Tiếng Anh Kinh tế Quốc tế, Tiếng Anh Quản trị Kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng do trường ĐH Ngoại ngữ và trường ĐH Kinh tế phối hợp đào tạo.
Đặc biệt, sau năm học thứ nhất trở đi, nếu có nguyện vọng, sinh viên các ngành học của Trường ĐH Ngoại Ngữ được đăng kí học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ngành Kinh tế Quốc tế, Tài chính-Ngân hàng của trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành Du lịch của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ngành Luật học của khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Sinh viên các ngành tiếng Nga, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn và Ả rập của trường được đăng kí học thêm chương trình đào tạo thứ hai ngành tiếng Anh.
Khu vực phía Nam, Trường ĐH Giao thông - Vận tải TPHCM năm nay có thay đổi ngành học một chút, hai ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy thuộc nhóm ngành Hàng hải.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế- Luật thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cũng gộp ngành Luật Kinh doanh, Luật Thương mại quốc tế, Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán trong ngành chính là Luật Kinh tế.
Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đổi tên 3 ngành: Hệ thống thông tin kinh tế đổi thành Hệ thống thông tin quản lý; Tiếng Anh đổi thành Ngôn ngữ Anh; Mạng máy tính truyền thông đổi thành Truyền thông và mạng máy tính.
Trường ĐH Luật TPHCM đổi tên ngành Quản trị Luật thành Quản trị kinh doanh.