Nhiều điểm mới trong thi năng khiếu

Thí sinh thi vẽ tại một trường ĐH ở TP.HCM năm 2015 - Ảnh: Hà Ánh

Thi trong tháng 7

Theo dự thảo quy chế thi và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, các môn năng khiếu được tổ chức thi riêng theo quy định mỗi trường. Tuy nhiên, thí sinh (TS) vẫn dự thi các môn văn hóa trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các ngành năng khiếu. Theo kế hoạch dự kiến, các trường sẽ tổ chức kỳ thi này vào tháng 7.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết kỳ thi năng khiếu sẽ được tổ chức tại trường vào ngày 10.7. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng thông báo rõ trên website lịch thi năng khiếu năm nay diễn ra một tuần sau kỳ thi THPT quốc gia. Cùng thời điểm này, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng dự kiến tổ chức thi năng khiếu cho 2 môn: vẽ mỹ thuật và vẽ trang trí màu.
Trường ĐH Văn Lang năm nay tuyển sinh thêm một chuyên ngành mới thuộc khối năng khiếu là đồ họa truyền thông tương tác (thuộc ngành thiết kế đồ họa). Trường này sẽ tổ chức thi các môn năng khiếu trong tháng 7 gồm: vẽ mỹ thuật, vẽ hình họa, vẽ trang trí. TS sẽ dự thi các môn năng khiếu này để xét tuyển vào ngành kiến trúc và mỹ thuật của trường. Tuy nhiên, trường vẫn chấp nhận xét kết quả thi môn năng khiếu ở 4 trường tại TP.HCM (Bách khoa, Mỹ thuật, Kiến trúc, Tôn Đức Thắng), 2 trường tại Hà Nội (Mỹ thuật công nghiệp, Kiến trúc) và Nghệ thuật Huế.
Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ xét TS dự thi năng khiếu do trường tổ chức và chỉ những TS đạt từ 5 điểm môn năng khiếu trở lên mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Điều này cũng trùng với quy định của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Theo đó, TS xét tuyển vào ngành năng khiếu phải có điểm năng khiếu đạt từ 5 trở lên. Điểm trúng tuyển là điểm các môn không nhân hệ số. TS dù đăng ký xét tuyển vào các ngành năng khiếu ở Đà Lạt hoặc Cần Thơ cũng phải về cơ sở TP.HCM để dự thi môn này.

Tăng nội dung thi

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay xét tuyển 60 chỉ tiêu ngành kiến trúc bằng 2 tổ hợp: toán - lý - vẽ, toán - văn - vẽ (trong đó môn toán nhân hệ số 2). Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết thêm nội dung đề thi năng khiếu năm nay có bổ sung thêm phần bố cục tạo hình thay vì vẽ đầu tượng như năm ngoái. Trong đó, phần thi vẽ đầu tượng chiếm 7 điểm, thi trong 240 phút và bố cục tạo hình 3 điểm, thi trong 30 phút.
Riêng đề thi phần bố cục tạo hình, TS phải dùng toàn bộ số hình cho sẵn, có thể dán chồng các hình vẽ lên nhau nhưng không được làm che khuất toàn bộ hình dán bên dưới và không được dán hình vẽ vượt ra khỏi khung được xác định sẵn trong giấy làm bài thi phần 2. Qua đó, TS phải thể hiện được tư duy sáng tạo bằng cách thể hiện chủ đề khi sắp xếp các hình vẽ vào khung, có tương quan đậm nhạt và hình dáng kết hợp của các hình dán cho sẵn.
Thông tin về tuyển sinh ngành mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ cho hay ngành này xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia môn toán, văn và kết quả môn năng khiếu do trường tổ chức. Nội dung thi năng khiếu, TS phải chuẩn bị trước một bài hát, nếu có sử dụng nhạc cụ đệm đàn sẽ được cộng thêm điểm. Về diễn cảm, TS sẽ được bắt thăm đề về bài thơ hoặc mẩu chuyện để đọc kể, giám khảo có thể hỏi thêm TS một vài câu hỏi liên quan.

Xét tuyển theo đề án riêng

Điểm đáng lưu ý còn ở chỗ các trường được phép xét tuyển kết quả thi môn năng khiếu từ trường có đề án tuyển sinh riêng. Có nghĩa, TS dự thi môn năng khiếu tại các trường có đề án tuyển sinh riêng, nếu không trúng tuyển vẫn còn cơ hội xét tuyển vào các trường khác.
Theo đề án tuyển sinh riêng năm 2016, Trường ĐH Hoa Sen không tổ chức thi môn năng khiếu cho nhóm ngành mỹ thuật gồm: thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa và thiết kế nội thất. Cụ thể, trường dành 50% chỉ tiêu các ngành năng khiếu để xét tuyển TS có kết quả thi môn năng khiếu theo khối H và H1 từ các trường ĐH khác ở TP.HCM như: Kiến trúc, Mỹ thuật... (môn văn hóa vẫn xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia). 50% chỉ tiêu còn lại của mỗi ngành năng khiếu, trường sẽ xét tuyển theo tuyển tập nghệ thuật và phỏng vấn trực tiếp. Cụ thể, trường sẽ sơ tuyển dựa trên một tuyển tập nghệ thuật kèm bản thuyết minh, TS được chọn lựa sẽ tham gia vòng phỏng vấn. Với các TS này, 3 cột điểm xét tuyển gồm: tuyển tập, phỏng vấn và môn văn.
Ngành thanh nhạc và piano của Trường ĐH Văn Hiến xét tuyển vòng 1 môn văn từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc học bạ THPT đạt 5,0 điểm trở lên. Ở vòng 2, TS thi môn năng khiếu cơ sở và chuyên ngành (môn cơ sở và chuyên ngành phải đạt từ 7 điểm và được nhân hệ số 2). Trường chỉ xét TS có điểm môn năng khiếu do trường tự tổ chức thi.
Còn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển môn năng khiếu dựa trên kết quả kỳ thi do trường hoặc trường khác tổ chức cho cả 2 phương thức: học bạ và kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ, các ngành có môn năng khiếu trong tổ hợp xét tuyển phải có điểm 2 môn văn hóa (năm lớp 12) cộng với điểm môn vẽ đạt từ 18 điểm trở lên (bậc ĐH) và 16,5 điểm trở lên (bậc CĐ).

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhieu-diem-moi-trong-thi-nang-khieu-664598.html