Sự kiện: Thông tin tuyển sinh

Thoải mái với đại học, áp lực với cao đẳng

Điều 4 khoản 2 Thông tư ghi:” rường ĐH, học viện được mở ngành đào tạo trình độ CĐ khi ngành đó đã được mở ngành ở trình độ ĐH...”. Quy định như vậy sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên các trường CĐ trong việc thu hút người học.

'Nhặt cỏ' lệnh đóng mở ngành đại học - Ảnh 1


Điều này cũng đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, CĐ về phương diện ngành đào tạo: Một địa phương có thể nhiều trường cùng đào tạo một ngành ở trình độ CĐ sẽ tạo ra sự lãng phí của xã hội.

Trong điều kiện kinh phí của các trường lúc nào cũng thiếu, với việc ”bật đèn xanh” này của thông tư nói trên khiến cho nhiều trường ĐH mở thêm hệ đào tạo cao đẳng nhằm tăng thu và Bộ từ bỏ vai trò điều tiết, quản lý nhà nước của mình để đảm bảo sự cân đối cơ cấu ngành nghề.

Mặt khác, việc đào tạo CĐ khác về bản chất so với đào tạo ĐH xét trên phương diện mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy gắn liền với thực hành. Việc để cho các trường ĐH được đào tạo CĐ cùng ngành đã được đào tạo ở trình độ ĐH rất có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra nếu không có sự kiểm soát của nhà nước.

Sở "tiền kiểm” như "thày bói xem voi"

Thông tư quy định nhiệm vụ của sở GD-ĐT kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị phục vụ đào tạo...đã dẫn đến nhưng bất cập:  nhiều sở GD-ĐT rất thiếu cán bộ có kinh nghiệm đào tạo ĐH và phải hiểu biết về ngành đào tạo mới có thể "tiền kiểm" được.

Để kiểm tra những nội dung chuyên môn đòi hỏi cán bộ phải hiểu được chương trình đào tạo, nội dung chương trình đó gắn với chủng loại thiết bị dạy học nào, số lượng bao nhiêu cho đủ.... Trong khi đó, nhà nước chưa ban hành danh mục thiết bị tiêu chuẩn ứng với ngành đào tạo.

Như vậy, người đi kiểm tra thiếu hiểu biết về ngành đào tạo thì việc kiểm tra sẽ chỉ là công việc của ”Thày bói xem voi” ngó nghiêng qua quít cho xong, cơ sở đào tạo "bảo sao nghe vậy".

Hậu quả là, tăng thêm chi phí cho cơ sở đào tạo, tốn kém thời gian do thêm một đầu mối ”tiền kiểm”. Thay vì giao thì có thể giao cho sở GD-ĐT tổ chức, tập hợp các chuyên gia ngành đi ”hậu kiểm” sẽ giảm tắc nghẽn về thủ tục hành chính trước khi được phép mở ngành đào tạo.

"Sạn" rải từ mở ngành CĐ đến sau ĐH

Điều 41, khoản 1 quy định “Căn cứ vào chương trình khung, trường ĐH, CĐ xác định chương trình giáo dục của trường mình”, nhưng Phụ lục số I của Thông tư lại ghi: “Nếu sử dụng chương trình của một trường ĐH khác, cần nêu rõ là chương trình của trường ĐH nào, kèm theo bản sao chương trình gốc của trường đó…”.

Trong khi đó, Luật Giáo dục quy định, trường ĐH phải xây dựng chương trình của trường mình dựa theo chương trình khung mà không phải ”chép” chương trình của trường ĐH khác.

Một trường ĐH không tự xây dựng được chương trình đào tạo cho mình mà phải dùng chương trình của trường khác có lẽ không phải là một trường ĐH, không đủ tư cách để mở ngành đào tạo, chưa nói đến việc trường đó còn vi phạm Điều 41 của Luật Giáo dục 2005.    

Không chỉ thông tư quy định điều kiện mở ngành đào tạo ĐH, CĐ, ở Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐH (ban hành ngày 22/12/2010) quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ cũng còn một số “hạt sạn” cần được nhặt bỏ.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 2 của Thông tư 38 có quy định khá mù mờ: "Giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên tham gia giảng dạy ít nhất 70% chương trình đào tạo. Đối với phần kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành, giảng viên tham gia giảng dạy lý thuyết phải có trình độ tiến sĩ”.

Áp quy định này vào thực tế, các trường có thể sẽ hiểu là 30% còn lại là kiến thức cơ sở, chuyên ngành do giảng viên có trình độ tiến sĩ đảm nhiệm. Phần còn lại 70% kia thuộc kiến thức gì trong cấu trúc chương trình đào tạo thạc sĩ.

Cũng theo quy định của thông tư 38, các cơ sở đào tạo có thể được tự thẩm định chương trình đào tạo hoặc Bộ chỉ định một cơ sở đào tạo khác có uy tín. Thế nhưng, quy định gây khó ở chỗ Bộ không chỉ ra điều kiện nào trường được tự thẩm định hoặc trường được chỉ định phải có điều kiện gì?

Có thể khẳng định, việc cho phép trường tự thẩm định là công việc “thừa” rồi vẫn phải mất công “xin” Bộ cho phép tự thẩm định.

Thay vì vậy, Bộ GD-ĐT nên xây dựng các mẫu gồm các tiêu chí đánh giá để các trường tự kiểm tra và hoàn thiện, còn khi thẩm định cần phải có thêm các chuyên gia bên ngoài đánh giá sẽ hiệu quả hơn.
Việc siết chặt các điều kiện mở ngành đào tạo các trình độ CĐ, ĐH và sau ĐH thể hiện sự kiên quyết của Bộ GD-ĐT trong đấu tranh chống sự xuống cấp về chất lượng ở không ít trường, khắc phục sự quản lý lỏng lẻo trong việc mở ngành đào tạo thời gian qua. Thế nhưng với những quy định chưa chặt chẽ trong hai thông tư nói trên, cần có những nghiên cứu thực tế để quy định vào thực tế có tính khả thi.

Đăng ký nhận thêm thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.