Giáo dục > đào tạo trực tuyến > E-learning > Lập trình di động
Ngành công nghiệp ứng dụng mobile tại Việt Nam
Người dùng di động hiện tại có xu hướng mong đợi, tìm kiếm những ứng dụng di động thông minh hơn, đồng thời thôi thúc các doanh nghiệp “dấn thân” sâu hơn vào ngành công nghiệp mobile đầy thách thức nhưng cũng lắm quả ngọt.
Sự chuyển mình của thị trường ứng dụng mobile toàn cầu
Tháng 7/2008, “người khổng lồ” Apple đã cho ra mắt kho ứng dụng di động trực tuyến đầu tiên (App Store) với 500 ứng dụng dành cho sản phẩm độc quyền iPhone, iPod… Điều này được coi như “vụ nổ Big Bang” cho cuộc cách mạng smartphone. Đến nay, App Store của Apple đã chạm mốc 10 tỷ lượt download với hơn 4 triệu ứng dụng, cắm lá cờ đầu tiên trên con đường chinh phục người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh ứng dụng mobile.
Sau thành công của Apple, hàng loạt các hãng di động khác liên tiếp tung ra kho ứng dụng của riêng mình, tiêu biểu như Android Market của Google, Ovi Store của Nokia, hay App World của Blackberry… Xuất hiện yếu tố cạnh tranh, thị trường ứng dụng mobile càng ngày càng được mở rộng, đa màu sắc, nhiều hình thái.
Kho ứng dụng Android trên Google Play.
Thực tế cho thấy, nếu như cách đây 5 năm, cụm từ “Thị trường ứng dụng trên di dộng” là một khái niệm còn rất mơ hồ, thì giờ đây, tốc độ phát triển như vũ bão kéo theo cơn khát công nghệ, nhân lực, nguồn tài chính… của các doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới với tổng doanh thu lên tới 7 tỷ USD (2011) đã đủ chứng minh: ứng dụng mobile thực sự là mảnh đất màu mỡ, đáng để theo đuổi, khai thác và phát triển.
Việt Nam – “miền đất hứa”
Theo những nghiên cứu gần đây của quỹ Altimo (một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích hỗ trợ những hoạt động đầu tư cho xã hội tại các thị trường mới nổi), “Phương Tây” bao gồm Bắc Mỹ và Tây Âu – “nước mẹ” của những đại gia công nghệ giờ đây chỉ còn chiếm 40% tổng tài sản thị trường viễn thông di động toàn cầu. Cán cân quy mô và lực lượng trong ngành di động giờ đây đã nghiêng về phía các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Với hơn 165 triệu thuê bao điện thoại di động, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao và mật độ sử dụng dịch vụ di động đều có con số khả quan, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn và còn nhiều đất trống cho các doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng mobile. Không chỉ có vậy, tâm lý của người Việt rất hiếu kỳ, thích chạy theo trào lưu và thích sở hữu những thứ mới lạ, do đó, nhiều chuyên gia còn thật sự ngỡ ngàng trước việc thế hệ điện thoại thông minh (smartphone) vừa thâm nhập thị trường đã được ủng hộ nhiệt liệt và dần thay thế điện thoại phổ thông. Hơn nữa, nền tảng 3G đang được các nhà mạng triển khai rộng khắp với các gói cưới rẻ hơn, nhắm vào đa số người sử dụng ở độ tuổi 15-24… Việt Nam hội tụ đủ điều kiện và thời điểm thích hợp để phát triển ngành công nghiệp ứng dụng mobile.
Game mobile – “cơn gió lạ”
Bắt nguồn từ sự xâm lăng ồ ạt của smartphone, gần đây, ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang đi lên như vũ bão. Lợi nhuận khổng lồ từ các game kinh điển trên thế giới… và những điều kiện “trời cho” ở Việt Nam trở thành động lực khiến các doanh nghiệp có xu hướng lao vào kinh doanh game mobile. Điểm danh trên thị trường đã có hàng chục nhà phát hành như Minh Châu Corp (MCGame), VTC, Smobi, Iwin…Hầu hết sản phẩm của họ là những game mobile được ưa chuộng ở Trung Quốc, được Việt hóa và tung ra thị trường. Ưu điểm của những sản phẩm này là nội dung ăn khách, cách chơi đơn giản, hỗ trợ hầu hết các hệ điều hành từ Symbian đến Android.
Mới thực sự phát triển trong 2 năm trở lại đây, game mobile là dòng ứng dụng di động mới mẻ tại Việt Nam, nhưng không vì vậy mà “lép vế” trước những ứng dụng trên thế giới. Tháng 3, hai game Minh Châu, Tru Thần của MCGame đã lọt top 20 bảng xếp hạng Google Play dành cho các ứng dụng mobile phổ biến và hấp dẫn nhất thế giới. lập trình ios Đặc biệt, vào tháng 8 năm nay, game MC Võ Lâm 3 đã bứt phá, lọt vào top 4 bảng xếp hạng này. Điều đó chứng tỏ thị trường game mobile Việt Nam đã có tầm ảnh hưởng nhất định trên trường quốc tế.
Lời kết
Với một thị trường năng động và cầu thị như Việt Nam cùng những lợi thế sẵn có về mặt kỹ thuật, thì việc các doanh nghiệp đi theo ngành công nghiệp ứng dụng mobile là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước bài toán làm thế nào để giữ vững được sự tăng trưởng, và có thêm nhiều các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Điều này cần đến những chiến lược vĩ mô hơn, chuyên nghiệp hơn.
Theo Infonet